Khánh Hòa: Sẽ phát triển logistics thành ngành kinh tế quan trọng
Khánh Hòa: Sẽ phát triển logistics thành ngành kinh tế quan trọng
UBND tỉnh Khánh Hòa vừa ban hành kế hoạch yêu cầu các sở, ngành liên quan thực hiện các nhóm nhiệm vụ và giải pháp hướng tới phát triển dịch vụ logistics thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh.
Theo kế hoạch, thời gian tới, Sở Công Thương sẽ chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam và các cơ sở giáo dục nghiên cứu, phát triển nguồn nhân lực phục vụ hoạt động logistics; phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam xây dựng báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh logistics hàng năm.
Trên cơ sở đó, Sở Công Thương phối hợp với Sở Giao thông vận tải, Cục Thống kê và các sở, ban, ngành triển khai các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh qua từng năm. Bên cạnh đó, Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông vận tải, Cục Hải quan tỉnh, Cục Thuế tỉnh và các đơn vị liên quan rà soát, xem xét kiến nghị việc bổ sung cửa khẩu (các cảng biển trên địa bàn tỉnh) được phép nhập khẩu đối với ô tô dưới 16 chỗ để tham mưu UBND tỉnh kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Các đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện công tác khảo sát, điều tra, thống kê, đánh giá về hoạt động xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp trong tỉnh và của các tỉnh lân cận để có cơ sở đánh giá, triển khai công tác kêu gọi doanh nghiệp cảng biển tại Khánh Hòa làm việc với các hãng tàu để đề xuất chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp tham gia xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa qua cảng biển.
Để đáp ứng yêu cầu về hạ tầng giao thông phục vụ vận chuyển hàng hóa có trọng tải lớn, thời gian tới, Sở Giao thông vận tải phải triển khai các dự án đầu tư xây dựng, nâng cấp, mở rộng, cải tạo các công trình, tuyến đường giao thông kết nối các cảng biển.
Đồng thời, nghiên cứu đề xuất chính sách, các giải pháp phát triển hạ tầng giao thông của tỉnh nhằm hỗ trợ phát triển các dịch vụ logistics phù hợp với đặc điểm vị trí địa lý và kinh tế – xã hội của tỉnh. UBND tỉnh cũng giao Sở Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn, kiểm tra, giám sát nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ lập, triển khai các dự án đầu tư xây dựng dịch vụ hạ tầng logistics, cung cấp thông tin về chính sách hỗ trợ, ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật; chủ trì các hoạt động đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ đổi mới sáng tạo và nâng cao năng lực trong lĩnh vực logistics.
Tỉnh Khánh Hòa cũng đã định hướng phát triển Cảng quốc tế Cam Ranh sẽ thành trung tâm dịch vụ logistics lớn của tỉnh, khu vực Nam Trung Bộ – Tây Nguyên cũng như của cả nước; đồng thời xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế tại Khu Kinh tế Vân Phong có thể tiếp nhận tàu container trọng tải tới 24.000 Teu. Trong thời gian tới, tỉnh sẽ chú trọng kêu gọi, xúc tiến đầu tư các dự án hạ tầng dịch vụ logistics theo quy hoạch được duyệt để phát triển kết cấu hạ tầng logistics; ứng dụng công nghệ mới trong phát triển dịch vụ logistics; cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh trong cung ứng dịch vụ logistics của tỉnh.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có các cảng biển phục vụ xuất nhập khẩu hàng hóa chủ yếu, gồm: Cảng quốc tế Cam Ranh (phường Cam Nghĩa, TP. Cam Ranh), Cảng Cam Ranh (phường Cam Linh, Cam Ranh), Cảng Bắc Vân Phong (xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh), Cảng Nam Vân Phong (phường Ninh Thủy, thị xã Ninh Hòa). Tuy nhiên, hiện nay, các cảng này chưa phát huy hết thế mạnh, chủ yếu phục vụ cho hoạt động xuất khẩu mặt hàng rời và nhập khẩu nguyên vật liệu, máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất…
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị