Nâng cao vai trò của pháp luật trong công tác bảo vệ môi trường

Nâng cao vai trò của pháp luật trong công tác bảo vệ môi trường

Nguyễn Kế –  Thứ ba, 19/10/2021 17:01 (GMT+7)

Bảo vệ môi trường là trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị và của toàn dân. Môi trường có tầm quan trọng đặc biệt đối với đời sống của con người, sinh vật và sự phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội của đất nước, dân tộc và nhân loại.

Hiện nay, vấn đề môi trường là vấn đề sống còn không chỉ đối với Việt Nam đối với mỗi quốc gia, mỗi dân tộc trên thế giới chính vì vậy bảo vệ môi trường là một nhiệm vụ cần thiết, đặc biệt trong hoàn cảnh hiện nay, môi trường đang bị ô nhiễm nghiêm trọng bởi những tác động của chính con người chúng ta thì nhiệm vụ ấy càng trở nên cấp bách hơn bao giờ hết.

Đại hội XIII đặc biệt quan tâm và có nhiều quan điểm, chủ trương cụ thể, mới về vấn đề này. Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII của Đảng đã cụ thể hóa, đưa ra những nội dung cốt yếu cho giai đoạn tới, trong đó nhấn mạnh là: “lấy bảo vệ môi trường sống và sức khỏe nhân dân làm mục tiêu hàng đầu; kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái; xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường”.

Nước Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, Nhà nước luôn đề cao vai trò của pháp luật trong công tác bảo vệ môi trường của đời sống xã hội. ‘’Nhà nước quản lí xã hội bằng pháp luật, không ngừng tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa…’’ Chính vì vậy khi thực hiện quản lí bất kì một lĩnh vực nào, Nhà nước đều sử dụng pháp luật như một công cụ cần thiết, hữu  dụng và phổ biến nhất.

Pháp luật bảo đảm cho Nhà nước thực thi quyền lực của mình một cách có hiệu quả trên mọi mặt của đời sống xã hội. Trong vấn đề bảo vệ môi trường cũng không ngoại lệ, việc bảo vệ môi trường là sự nghiệp chung của toàn xã hội, đòi hỏi phải có sự tham gia tích cực của mọi người với những biện pháp khác nhau. Biện pháp quan trọng nhất đó là sử dụng pháp luật để quản lí và bảo vệ môi trường.

tm-img-alt
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet

Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14 được Quốc hội ban hành ngày 17/11/2020 có hiệu lực từ 1/1/2022 có nhiều điểm mới. Lần đầu tiên chế định về thẩm quyền quản lý nhà nước dựa trên nguyên tắc quản lý tổng hợp, thống nhất, một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện; phân cấp triệt để cho địa phương.

Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 gồm 16 chương, 171 điều, được bố cục lại so với Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 (20 chương, 170 điều). Luật Bảo vệ môi trường  năm 2020 đã đưa các quy định về bảo vệ các thành phần môi trường lên đầu, thể hiện rõ mục tiêu xuyên suốt là bảo vệ các thành phần môi trường, bảo vệ sức khỏe Nhân dân, coi đây là nội dung trọng tâm, quyết định cho các chính sách bảo vệ môi trường khác.

Đồng thời, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã đồng bộ các công cụ quản lý môi trường theo từng giai đoạn của dự án, bắt đầu từ khâu xem xét chủ trương đầu tư, thẩm định dự án, thực hiện dự án cho đến khi dự án đi vào vận hành chính thức và kết thúc dự án, bao gồm: chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia, quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá sơ bộ tác động môi trường, đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường và đăng ký môi trường.

Bên cạnh đó, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 thiết kế khung chính sách hướng đến việc hình thành đạo luật về bảo vệ môi trường có tính tổng thể, toàn diện và hài hòa với hệ thống pháp luật trong nước và quốc tế; cải cách mạnh mẽ, cắt giảm các thủ tục hành chính, giảm thời gian thực hiện các thủ tục hành chính, góp phần giảm chi phí cho doanh nghiệp và người dân.

Ngoài ra, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã sửa đổi, bổ sung 04 luật có liên quan đến bảo vệ môi trường. Cụ thể, tại Điều 169 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định:

1. Bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tài nguyên nước số 17/2012/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 08/2017/QH14 và Luật số 35/2018/QH14 như sau:
a) Bãi bỏ Điều 37 và điểm đ khoản 1 Điều 38;
b) Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 73 như sau:
“1. Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện việc cấp, gia hạn, điều chỉnh, đình chỉ, thu hồi giấy phép về tài nguyên nước.
Việc cấp giấy phép môi trường trong đó có nội dung xả nước thải vào nguồn nước được thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.”.

2. Bãi bỏ điểm d khoản 1 Điều 44 và Điều 58 của Luật Thủy lợi số 08/2017/QH14 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 35/2018/QH14 và Luật số 59/2020/QH14.

3. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 64/2020/QH14 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung điểm g khoản 2 Điều 30 như sau:
“g) Phân tích, đánh giá sơ bộ tác động xã hội; đánh giá sơ bộ tác động môi trường (nếu có) theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;”;
b) Sửa đổi, bổ sung khoản 6 Điều 31 như sau:
“6. Phân tích, đánh giá sơ bộ tác động xã hội; đánh giá sơ bộ tác động môi trường (nếu có) theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; xác định sơ bộ hiệu quả đầu tư về kinh tế – xã hội;”.

4. Bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung một số điểm trong Mục IX – Phí thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường thuộc Phụ lục số 01 – Danh mục Phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí số 97/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 09/2017/QH14 và Luật số 23/2018/QH14 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung điểm 1.4 như sau:
1.4    Phí thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường    

* Bộ Tài chính quy định đối với hoạt động thẩm định do cơ quan trung ương thực hiện;

* Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định đối với hoạt động thẩm định do cơ quan địa phương thực hiện.

b) Bổ sung điểm 1.6 vào sau điểm 1.5 như sau:
1.6    Phí thẩm định cấp, cấp lại, điều chỉnh giấy phép môi trường    

* Bộ Tài chính quy định đối với hoạt động thẩm định do cơ quan trung ương thực hiện;

* Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định đối với hoạt động thẩm định do cơ quan địa phương thực hiện.

c) Bãi bỏ điểm 5.4, điểm 6.3 và tiểu mục 9.
Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2020 đã thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về tăng cường bảo vệ môi trường, cải cách thể chế môi trường của nước ta hướng tới tiệm cận hài hòa với chính sách, pháp luật bảo vệ môi trường của thế giới, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

Đồng thời, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 bảo đảm được tính toàn diện, đồng bộ, thống nhất, khắc phục sự phân tán, tạo nền tảng pháp lý vững chắc cho việc chuyển đổi các mô hình kinh tế theo hướng phát triển bền vững, tạo cơ sở pháp lý thực hiện các cam kết quốc tế, trách nhiệm được quy định trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam là thành viên; cải thiện chất lượng môi trường, bảo vệ sức khỏe Nhân dân, cân bằng sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển kinh tế theo hướng bền vững, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh.

Để quản lý và bảo vệ môi trường, nhiều năm qua, Nhà nước ta đã sử dụng nhiều biện pháp kinh tế và pháp lý với việc ban hành các đạo luật liên quan đến môi trường, các quy phạm pháp luật thuế, phí về môi trường, chế tài dân sự, hành chính cũng như tăng cường áp dụng các biện pháp hình sự đối với các vi phạm pháp luật về môi trường. Tuy nhiên, hệ thống các chính sách, pháp luật về thuế, phí… liên quan đến môi trường vẫn chưa hoàn thiện, các biện pháp quản lý và cưỡng chế chưa được thực thi hiệu quả.

Chính phủ cũng đã ban hành nhiều văn bản để bổ sung các chức năng, nhiệm vụ và công cụ quản lý nhà nước để thực thi các nhiệm vụ được giao. Trong đó có Nghị định số 07/2012/NĐ-CP ngày 9/2/2012 quy định về cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động thanh tra chuyên ngành; Nghị định số 122/2014/NĐ-CP ngày 25/12/2014 về tổ chức và hoạt động của Thanh tra y tế…).

Theo đó, quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức và thanh tra chuyên ngành đều giao cho các Bộ chuyên ngành được thực hiện chức năng thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực bảo vệ môi trường trong phạm vi quản lý.

Trước thực trạng ô nhiễm môi trường đang ở mức vô cùng báo động, sự chung tay của các ngành, các cấp, các cơ quan truyền thông và mọi người dân là điều vô cùng quan trọng để chúng ta cùng nhau đẩy lùi các bức xúc về ô nhiễm môi trường, thực hiện các quan điểm, mục tiêu mà Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra, đưa đất nước ta phát triển một cách bền vững.

Trong đó, các cơ quan quản lý nhà nước đóng vai trò rất quan trọng trong việc  xây dựng và ban hành các chính sách, cũng như các chế tài để răn đe, xử lý khi xảy các hành vi vi phạm về công tác bảo vệ môi trường.

Chính sách phải tốt, phù hợp với thực tiễn, phù hợp với các điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội thì mới đi vào được cuộc sống. Đồng thời các chế tài được ban hành cũng phải đảm bảo các chính sách được thực thi hiệu quả, đảm bảo tính răn đe đối với các tổ chức, cá nhân có ý định thực hiện các hành vi vi phạm trong công tác bảo vệ môi trường. Đây đều là những cơ sở quan trọng để công tác bảo vệ môi trường đạt được hiệu quả cao.

Hiện nay, trong bối cảnh xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa chủ động hội nhập kinh tế quốc tế và xây dựng đất nước phát triển bền vững thì việc sử dụng pháp luật như một công cụ hiệu quả nhất để bảo vệ môi trường là hết sức cần thiết, pháp luật ngày càng có vai trò của pháp luật trong công tác bảo vệ môi trường./.
 

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích