Kế thừa truyền thống, tiên phong đi trước, tạo ra sự phát triển mới
Ngày 28/8/1945, Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo đã ra Tuyên cáo trước quốc dân đồng bào về việc thành lập Chính phủ nước Việt Nam mới và công bố danh sách nội các thống nhất quốc gia gồm 12 Bộ để đảm nhiệm sứ mệnh lịch sử trước dân tộc, trong đó có Bộ Thông tin – Tuyên truyền, tiền thân của Bộ TT&TT ngày nay.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, các Thứ trưởng cùng cán bộ chủ chốt các đơn vị trong Bộ TT&TT chụp ảnh lưu niệm cùng cán bộ hưu trí ngành TT&TT qua các thời kỳ. Ảnh: Lê Anh Dũng |
79 năm hòa cùng dòng chảy của lịch sử, Bộ TT&TT đã trải qua nhiều lần tách, nhập bộ máy, thay đổi tên gọi. Nhưng dù ở bất cứ giai đoạn nào, hoàn cảnh nào, với tên gọi nào, các thế hệ ngành TT&TT vẫn liên tục kế thừa quá khứ và mở ra tương lai để trở thành một dòng chảy liên tục với đầy đủ các thế hệ và có cả hiện tại.
79 năm xây dựng và phát triển, các thế hệ những người làm báo chí, xuất bản, bưu chính, viễn thông đã đi cùng với đất nước trong các cuộc chiến tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, bảo vệ Tổ quốc, trong công cuộc xây dựng đất nước và trong sự nghiệp đổi mới. Hàng vạn cán bộ chiến sĩ giao bưu thông tin, hàng nghìn nhà báo, phóng viên đã hy sinh, hoặc để lại một phần cơ thể của mình trên các chiến trường.
Ngành TT&TT hiện đại, phát triển ngày hôm nay là sự kế thừa truyền thống kiên trung, anh dũng và vẻ vang của nhiều ngành gắn liền với lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng và dân tộc ta.
Đi cùng với sự phát triển của ngành Bưu điện, dấu mốc của ngành TT&TT thực sự được ấn định sang trang mới với sứ mệnh lịch sử mới khi tháng 8/2007, Bộ TT&TT được thành lập trên cơ sở chức năng nhiệm vụ của Bộ Bưu chính, Viễn thông và tiếp nhận thêm chức năng, nhiệm vụ quản lý Nhà nước về báo chí, xuất bản từ Bộ Văn hóa – Thông tin. Lịch sử ngành TT&TT bước sang một trang mới, với những nhiệm vụ mới được Đảng, Chính phủ và nhân dân giao phó.
Việc thành lập Bộ TT&TT thể hiện tư duy mới trong quản lý đa ngành, đa lĩnh vực theo hướng tinh gọn bộ máy quản lý hành chính, tăng tính trách nhiệm và hiệu quả quản lý phù hợp với xu thế phát triển và hội tụ giữa công nghiệp nội dung và hạ tầng truyền thông của thế giới.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, ngành TT&TT đã xác định sứ mệnh của mình là tạo thành đôi cánh để Việt Nam bay lên, một bên cánh tạo nên sức mạnh tinh thần do báo chí khơi dậy khát vọng hùng cường, niềm tin và đồng thuận của xã hội, bao gồm báo, tạp chí, phát thanh truyền hình, truyền thông số, xuất bản, thông tin cơ sở và bên cánh còn lại là sức mạnh vật chất được tạo nên bởi công nghệ.
Điều này đã được chứng minh bằng con số: Hiện tại, có khoảng 1.500 doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có doanh thu từ thị trường nước ngoài, với tổng doanh thu năm 2023 đạt 7,5 tỷ USD và dự kiến đạt xấp xỉ 10 tỷ USD trong năm 2024, tốc độ tăng trưởng đạt 30%.
Bộ TT&TT đã thành lập Cục Công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông để chính thức hoá vai trò của Bộ đối với ngành công nghiệp công nghệ số, xác định ngành công nghiệp công nghệ số là ngành công nghiệp nền tảng.
Sau thành công từ cuộc đổi mới lần 1: Chuyển từ công nghệ Analog sang công nghệ số, ngành TT&TT cũng đã khởi xướng cuộc đổi mới lần 2, chuyển từ hạ tầng viễn thông truyền thống sang hạ tầng số.
Việt Nam hiện là nước thứ 5 năm trên thế giới sản xuất được thiết bị 5G. Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông là đại học đầu tiên tại Việt Nam tổ chức đào tạo đại học online cho người vừa đi học, vừa đi làm.
Bưu chính đã nỗ lực đón đầu xu thế, ứng dụng công nghệ vào hoạt động sản xuất kinh doanh và định hướng trở thành hạ tầng của nền kinh tế số và thương mại điện tử.
Trong lĩnh vực xuất bản, cả nước hiện có 57 nhà xuất bản. Năm 2023, tổng doanh thu toàn ngành xuất bản đạt hơn 4,1 nghìn tỷ đồng. Có 24/57 nhà xuất bản tham gia xuất bản, phát hành điện tử (tăng 26,3%), chiếm 42,1% tổng số nhà xuất bản. Nhiều cách làm sách, phân phối sách, mô hình kinh doanh, hợp tác mới đã được triển khai trong lĩnh vực xuất bản.
Năm 2023, cả nước có 6 cơ quan truyền thông đa phương tiện chủ lực, 127 cơ quan báo, 671 cơ quan tạp chí, 72 cơ quan Đài phát thanh, truyền hình. Nhân sự hoạt động trong lĩnh vực báo chí có khoảng 41.000 người. Báo chí cách mạng đã phản ánh trung thực dòng chảy chính của xã hội Việt Nam, tạo đồng thuận và niềm tin xã hội, lan tỏa năng lượng tích cực, thổi lên khát vọng Việt Nam hùng cường thịnh vượng.
Ngành TT&TT vẫn tiếp tục đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, phổ cập hạ tầng số, chuyển đổi số báo chí, đảm bảo không gian mạng lành mạnh, ứng dụng mạnh mẽ AI và trợ lý ảo…
Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, sứ mệnh, định hướng của ngành TT&TT trong giai đoạn hiện nay đó là, ngành TT&TT ngày nay đã trở thành ngành đi đầu trong công cuộc đổi mới và là động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế – xã hội. Ngành công nghệ số và truyền thông với một bên là công nghệ số để tạo nên sức mạnh vật chất, một bên là báo chí truyền thông khơi dậy khát vọng Việt Nam hùng cường, thịnh vượng để tạo thành sức mạnh tinh thần. Và Việt Nam sẽ bay lên với đôi cánh ấy.
Nhân dịp kỷ niệm 79 năm ngày truyền thống ngành TT&TT, trong tháng 8, Bộ TT&TT triển khai nhiều hoạt động kỷ niệm ngày truyền thống ngành TT&TT, tiêu biểu là lễ dâng hương tại an toàn khu Định Hóa, Thái Nguyên và nghĩa trang liệt sĩ ngành TT&TT tại Tây Ninh; tổ chức gặp mặt, tri ân cán bộ hưu trí ở 3 miền đất nước. Đây là chuỗi hoạt động có ý nghĩa thiết thực, góp phần kế thừa, phát huy truyền thống vẻ vang của ngành TT&TT. Từ đó, giáo dục các thế hệ phấn đấu phát huy truyền thống của ngành, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, đóng góp tích cực vào sự phát triển của ngành, của đất nước. |
Nguồn: Báo lao động thủ đô