Sản phẩm may mặc chứa hóa chất có thể gây ung thư
Rất nhiều người có thói quen mua quần áo mới về không giặt mà trực tiếp mặc luôn. Tuy nhiên, người tiêu dùng lại không biết trong quần áo mới hầu hết đều có tồn dư hóa chất chống nhăn – formaldehyde. Có thông tin cho rằng đây là chất có thể gây ra bệnh ung thư, sự thật có đúng như vậy không?
Formaldehyde là hóa chất thường được sử dụng trong quá trình sản xuất quần áo, dùng để loại bỏ nếp nhăn, giữ màu và chống ăn mòn. Do đó luôn tồn tại dư lượng formaldehyde trên vải vóc và quần áo. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, trung bình quần áo mới chưa giặt sẽ phát tán ra khoảng 0,012 – 0,426 ppm formaldehyde mỗi ngày.
Mới đây, Thương hiệu thời trang nhanh Shein, nổi tiếng với giá rẻ và thiết kế hợp thời trang, đang phải đối mặt với làn sóng chỉ trích từ người tiêu dùng sau khi một tạp chí chuyên ngành của Đức công bố kết quả kiểm nghiệm cho thấy phần lớn sản phẩm của hãng chứa hóa chất độc hại.
Theo báo cáo mới đây của tạp chí Oekotest (Đức), 2/3 trong số 21 sản phẩm may mặc của Shein được kiểm tra không đạt tiêu chuẩn chất lượng. Các sản phẩm được lựa chọn ngẫu nhiên, bao gồm quần áo và giày dép dành cho mọi lứa tuổi từ trẻ sơ sinh đến người lớn.
Điều đáng lo ngại là một số sản phẩm có chứa các chất hóa chất độc hại như antimon, dimetylformamide, chì, cadmium và phthalate. Trong đó, một chiếc váy liền thân in hình kỳ lân dành cho bé gái được phát hiện có chứa antimon, một chất có thể gây hại cho da và ảnh hưởng đến sức khỏe. Một đôi dép xăng đan khác lại chứa chì và cadmium, những kim loại nặng tích tụ lâu ngày trong cơ thể có thể gây tổn thương thận và xương.
Theo Thông tư số 07/2018/TT-BCT về việc sửa đổi Thông tư số 21/2017/TT-BCT do Bộ Công Thương ban hành, từ ngày 01/01/2019 quy định, các sản phẩm dệt may, hàng may mặc trước khi đưa ra thị trường bắt buộc phải được chứng nhận phù hợp quy chuẩn QCVN 01:2017/BCT về mức giới hạn hàm lượng formaldehyt và các Amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm Azo trong sản phẩm dệt may.
Quy chuẩn này quy định mức giới hạn hàm lượng formaldehyt của sản phẩm dệt may tiêu thụ trên thị trường Việt Nam không được vượt quá 30mg/kg (đối với sản phẩm dành cho trẻ em dưới 3 tuổi); 75mg/kg (đối với sản phẩm tiếp xúc trực tiếp với da) và 300mg/kg (đối với sản phẩm dệt may không tiếp xúc trực tiếp với da). Trong khi đó, giới hạn về hàm lượng amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm azo không vượt quá 30mg/kg.
Cũng theo Quy chuẩn này, từ ngày 1/1/2019, danh mục sản phẩm dệt may chịu sự điều chỉnh của quy chuẩn gồm: Quần, áo, váy, các loại vải may mặc, các loại thảm trải sàn, hàng phụ kiện may mặc như tất, khăn, mũ, găng tay, cà vạt, chăn, ga, gối, đệm, rèm cửa, giày, dép thể thao, giày tennis, giày bóng rổ, giày thể dục, giày luyện tập và các loại tương tự… chỉ được lưu thông trên thị trường sau khi đã được chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy và gắn dấu hợp quy (dấu CR) theo quy định.
Dấu hợp quy do doanh nghiệp được chứng nhận hợp quy tự gắn lên sản phẩm hàng hóa của mình, đồng thời chịu trách nhiệm trước cơ quan quản lý. Cơ quan quản lý sẽ kiểm tra dấu hợp quy trên sản phẩm, bao bì. Sau đó kiểm tra hồ sơ liên quan đến việc chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy; sản phẩm hàng hóa được gắn dấu hợp quy CR mà không chứng minh đã được chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy thì bị coi là vi phạm pháp luật.
Trên thực tế, thời gian qua, hàng trăm doanh nghiệp dệt may tại Việt Nam đã chú trọng việc chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy và gắn dấu hợp quy cho sản phẩm theo QCVN 01:2017/BCT cho các sản phẩm quần áo, dệt may. Đây là việc làm vừa thể hiện tinh thần tuân thủ pháp luật, vừa thể hiện trách nhiệm của nhà sản xuất, phân phối sản phẩm dệt may đối với sức khoẻ người tiêu dùng.
Tuy nhiên, song song với những doanh nghiệp có ý thức tuân thủ pháp luật, thị trường vẫn còn một số doanh nghiệp chưa tiến hành chứng nhận hợp quy, gắn dấu hợp quy cho sản phẩm dệt may theo quy định của Bộ Công Thương. Điều này không chỉ khiến dư luận bức xúc mà còn tiềm ẩn nguy cơ tới sức khoẻ người tiêu dùng nếu hàm lượng formaldehyde có trong sản phẩm dệt may vượt quá mức chuẩn cho phép.
Thanh Hiền (t/h)