Áp dụng tiêu chuẩn FSSC 22000 nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp

FSSC là viết tắt từ của Food Safety System Certification – Chứng nhận hệ thống an toàn thực phẩm, cũng là tên của tổ chức FSSC có trụ sở tại Hà Lan. Tổ chức được lập ra nhằm mục đích cung cấp một chương trình chứng nhận được chấp nhận rộng rãi thông qua việc tăng thêm giá trị cho mối quan hệ giữa tổ chức thực phẩm được chứng nhận và các bên liên quan (như các nhà quản lý, khách hàng và nhà cung cấp). 

Tiêu chuẩn FSSC 22000 được áp dụng cho mọi đối tượng liên quan đễn chuỗi thực phẩm từ khâu trồng trọt chăn nuôi đến chế biến, phân phối và áp dụng cho tất cả các tổ chức thực phẩm từ quy mô nhỏ đến lớn. Chương trình chứng nhận này được GFSI (Sáng kiến An toàn Thực phẩm toàn cầu) công nhận và xem là tiêu chuẩn ngang cấp, có thể thay thế các tiêu chuẩn thực phẩm từng được GFSI công nhận trước đây như BRC, IFS, SQF.

FSSC 22000 là tiêu chuẩn về hệ thống an toàn thực phẩm được nhiều doanh nghiệp áp dụng. Ảnh minh họa.

Việc áp dụng tiêu chuẩn FSSC 22000 mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, có thể kể đến như: Nâng cao ý thức an toàn thực phẩm, trách nhiệm của người lao động và đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng; Phòng ngừa tai nạn và tình huống khẩn cấp trong vấn đề an toàn thực phẩm;

Giúp doanh nghiệp chủ động ứng phó với các rào cản thương mại quốc tế, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập quốc tế như hiện nay; Giảm thiểu chi phí thông qua việc tích hợp chứng nhận ISO 22000; Nâng cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp trong và ngoài nước;

Tuân thủ các luật lệ yêu cầu từ đó tránh được nguy cơ vi phạm pháp lý có liên quan đến an toàn thực phẩm; Cải thiện và phòng ngừa các rủi ro ảnh hưởng tới an toàn thực phẩm; Giúp doanh nghiệp có thể giám sát chặt chẽ chuỗi cung ứng. Từ đó kết hợp và thống nhất các yêu cầu của tiêu chuẩn hệ thống chất lượng/ môi trường/ an toàn thực phẩm một cách hiệu quả.

FSSC 22000 nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường trong nước cũng như quốc tế. Ảnh minh họa.

FSSC 22000 cung cấp một nền tảng đảm bảo thương hiệu đáng tin cậy cho ngành hàng tiêu dùng. Tất cả các tổ chức được chứng nhận FSSC 22000 đều được cập nhật trên website chính thức của Tổ chức Chứng nhận Hệ thống an toàn thực phẩm (FSSC). Điều này tạo điều kiện cho khách hàng truy cập, từ đó nâng cao hình ảnh của công ty, độ tin cậy đối với các thị trường quốc tế khó tính như Mỹ, EU, Úc…

Các chuyên gia cho biết, hiện nay, một số đơn vị tại Việt Nam vẫn đang xuất khẩu được một lượng lớn các mặt hàng thực phẩm sang EU, ngoài vấn đề chất lượng, an toàn thực phẩm thì việc áp dụng hệ thống quản lý an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn FSSC 22000 là điều kiện bắt buộc. Bởi doanh nghiệp muốn hàng thực phẩm vào được thị trường EU thì yêu cầu đầu tiên là doanh nghiệp phải có hệ thống quản lý an toàn thực phẩm theo FSSC 22000 và được chứng nhận bởi tổ chức chứng nhận đã được công nhận.

Mai Phương

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích