Tây Ninh: Xử phạt một doanh nghiệp kinh doanh nước sơn không rõ nguồn gốc

Căn cứ đề xuất từ công chức quản lý địa bàn, Đội QLTT số 2 trực thuộc Cục Quản lý thị trường tỉnh Tây Ninh đã ban hành quyết định kiểm tra đột xuất đối với một Doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nước sơn tường các loại do ông N.N.M làm giám đốc trên địa bàn huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh.

Tại thời điểm kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát hiện: Địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp sản xuất nước sơn không thực hiện việc viết hoặc gắn tên địa điểm kinh doanh tại địa điểm kinh doanh và đại diện doanh nghiệp chưa xuất trình được các hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của nguyên liệu sản xuất, hồ sơ công bố hợp quy của sản phẩm.

Qua quá trình xác minh, làm rõ và khai nhận của giám đốc doanh nghiệp, Đội QLTT số 2 xác định và lập biên bản vi phạm hành chính đối với doanh nghiệp sản xuất nước sơn trên vì đã có các hành vi vi phạm hành chính: Không viết hoặc gắn tên địa điểm kinh doanh tại địa điểm kinh doanh; Không thực hiện công bố hợp quy đối với sản phẩm, hàng hóa thuộc đối tượng phải công bố hợp quy; Sản xuất, buôn bán hàng hóa có nhãn ghi không đúng các nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa theo quy định pháp luật về nhãn hàng hóa. Hàng hóa vi phạm gồm 7.632 lít sơn tường các loại với tổng trị giá trên 260 triệu đồng. Vụ việc đã được chuyển đến Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Tây Ninh để xem xét và ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Nhà kho chứa số sơn vi phạm 

Hiện doanh nghiệp đã thực hiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Cục Quản lý thị trường tỉnh Tây Ninh với số tiền phạt là 102.500.000 đồng. Doanh nghiệp cam kết khắc phục các sai phạm và báo cáo cơ quan quản lý trước khi đưa hàng hóa lưu thông ra thị trường.

Liên quan đến vấn đề sản phẩm sơn không công bố mẫu hợp quy, theo Nghị định 119/2017/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hoá và Nghị định 126/2021/NĐ-CP quy định về sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp; tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa; hoạt động khoa học và công nghệ, chuyển giao công nghệ; năng lượng nguyên tử quy định rõ:

Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây trong sản xuất sản phẩm, hàng hóa là đối tượng phải công bố hợp quy theo quy định tại quy chuẩn kỹ thuật tương ứng:

– Không thực hiện công bố hợp quy đối với sản phẩm, hàng hóa thuộc đối tượng phải công bố hợp quy;

– Không đăng ký hồ sơ công bố hợp quy tại cơ quan có thẩm quyền;

– Không sử dụng dấu hợp quy, sử dụng dấu hợp quy không đúng quy định đối với sản phẩm, hàng hóa đã được công bố hợp quy theo quy định khi đưa ra lưu thông trên thị trường;

– Không tự thực hiện các biện pháp ngăn chặn kịp thời khi phát hiện hàng hóa của mình đang lưu thông hoặc đã đưa vào sử dụng có chất lượng không phù hợp công bố hợp quy hoặc quy chuẩn kỹ thuật tương ứng;

– Không thực hiện lại việc công bố khi có sự thay đổi về nội dung của hồ sơ công bố hợp quy đã đăng ký hoặc có sự thay đổi về tính năng, công dụng, đặc điểm sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã công bố hợp quy;

– Sử dụng chất phụ gia, hóa chất, kháng sinh bị cấm sử dụng hoặc chưa được phép sử dụng trong sản xuất sản phẩm, hàng hóa, trừ trường hợp trong sản xuất, pha chế thực phẩm;

Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây trong sản xuất hoặc nhập khẩu sản phẩm, hàng hóa là đối tượng phải công bố hợp quy theo quy định tại quy chuẩn kỹ thuật tương ứng:

– Không thực hiện đánh giá sự phù hợp quy chuẩn kỹ thuật đối với hàng hóa nhập khẩu thuộc đối tượng phải áp dụng một trong các biện pháp sau: Chứng nhận hoặc giám định của tổ chức chứng nhận, tổ chức giám định đã đăng ký hoặc thừa nhận theo quy định pháp luật; tự đánh giá sự phù hợp của tổ chức, cá nhân;

– Không thực hiện chứng nhận hợp quy trong sản xuất hoặc nhập khẩu sản phẩm, hàng hóa là đối tượng phải chứng nhận hợp quy bởi tổ chức chứng nhận, tổ chức giám định được chỉ định theo quy định pháp luật hoặc sử dụng giấy chứng nhận hợp quy, dấu hợp quy đã hết hiệu lực.

Phạt tiền từ 02 lần đến 03 lần giá trị sản phẩm, hàng hóa vi phạm đã tiêu thụ đối với hành vi sản xuất hoặc nhập khẩu sản phẩm, hàng hóa không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật tương ứng hoặc quy định của cơ quan có thẩm quyền.

 Bảo Linh 

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích