Thành phố Hồ Chí Minh công bố dịch sởi
Ngày 27/8, Ủy ban nhân dân (UBND) Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành quyết định số 3547/QĐ-UBND về công bố dịch sởi – bệnh truyền nhiễm nhóm B và kế hoạch số 4959/KH-UBND về chủ động ứng phó dịch bệnh sởi trên địa bàn năm 2024.
Thời gian xảy ra dịch là vào tháng 8 do virus sởi (Polynosa morbillorum) gây ra.
Về tính chất, mức độ nguy hiểm của dịch, sởi là bệnh truyền nhiễm nhóm B. Người có nguy cơ mắc bệnh là người chưa được tiêm chủng hoặc tiêm chủng chưa đầy đủ. Bệnh có thể dẫn đến biến chứng nặng, thậm chí tử vong nếu không được chăm sóc và điều trị đúng cách.
Về đường lây, bệnh lây truyền qua đường hô hấp từ người sang người.
Theo thông tin từ Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh, tình hình bệnh sởi tại 20 tỉnh, thành phố tại khu vực phía Nam tính từ đầu năm 2024 đến nay có chiều hướng tăng bất thường. Bệnh sởi đã được phát hiện tại các tỉnh thành như: Kiên Giang (Phú Quốc), Bến Tre, Tiền Giang và Trà Vinh,…
Thành phố Hồ Chí Minh chính thức công bố dịch sởi. |
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, từ ngày 23/5 đến ngày 18/8, toàn Thành phố phát hiện 170 trường hợp bệnh sởi tại 15 quận, huyện và thành phố Thủ Đức. Trong khi từ năm 2021 đến năm 2023, Thành phố chỉ ghi nhận 1 ca bệnh sởi.
UBND Thành phố Hồ Chí Minh cũng công bố các biện pháp phòng, chống dịch thực hiện theo Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, gồm:
Kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Thành phố, quận, huyện, thành phố Thủ Đức, phường, xã, thị trấn.
Các trường hợp mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh phải thực hiện khai – báo đầy đủ, chính xác với cơ quan y tế trong 24 giờ, sau khi có chẩn đoán để được quản lý và xét nghiệm theo quy định.
Các cơ sở y tế tổ chức phân luồng và có khu khám riêng để sàng lọc bệnh sởi, người bệnh phải mang khẩu trang. Tất cả ca sốt phát ban nghi sởi sẽ được báo cáo và lấy mẫu xét nghiệm trong vòng 24 giờ.
Ngành y tế sẽ tiến hành chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin sởi – rubella cho tất cả trẻ em từ 1 đến 5 tuổi, có thể mở rộng độ tuổi theo tình hình dịch.
Tổ chức thu dung, điều trị, chăm sóc, cách ly y tế và kiểm soát dịch tại cộng đồng theo đúng các hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế.
UBND Thành phố Hồ Chí Minh giao Giám đốc Sở Y tế chủ trì phối hợp với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch quận, huyện, thành phố Thủ Đức triển khai các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn quản lý; bảo đảm thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch sởi theo quy định.
Nguồn: Báo lao động thủ đô