Gỡ vướng về cơ chế tài chính đối với hoạt động khoa học và công nghệ

Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) cho biết, sau gần 10 năm thực hiện chính sách về đầu tư và cơ chế tài chính đối với hoạt động KH&CN, Nghị định số 95/2014/NĐ-CP đã đạt được kết quả nhất định. Tuy nhiên, phát sinh một số bất cập trong thực hiện đầu tư và cơ chế tài chính đối với hoạt động KH&CN và sự thay đổi của pháp luật có liên quan. Cụ thể, phân bổ vốn đầu tư cho hoạt động KH&CN còn chồng chéo, dàn trải, chưa tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên theo Chiến lược phát triển KH&CN theo từng giai đoạn được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Cơ chế quản lý tài chính đối với các tổ chức KH&CN, nhất là các tổ chức sự nghiệp KH&CN công lập chưa phù hợp dẫn đến các đơn vị gặp khó khăn, vướng mắc trong quyền tự chủ về kế hoạch, tài chính, nhân lực và hợp tác quốc tế để phát huy tính năng động, sáng tạo, thu hút nguồn nhân lực có trình độ cao trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.

Quy định về xây dựng dự toán và kinh phí quản lý nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước hiện nay dù đã đổi mới nhưng chưa phù hợp với đặc thù của hoạt động KH&CN về tính mới, tính đột xuất, độ trễ và tính rủi ro trong nghiên cứu, chưa đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của cộng đồng khoa học.

Các quy định về việc khuyến khích trích lập và sử dụng Quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp chưa đủ hấp dẫn doanh nghiệp, chưa đáp ứng nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp, thể hiện ở hiện trạng số lượng doanh nghiệp trích lập Quỹ chưa nhiều và số dư Quỹ chưa sử dụng lớn.

Do đó, để thể chế hóa chủ trương của Đảng và Nhà nước, hoàn thiện hệ thống pháp luật KH&CN, tháo gỡ các tồn tại, hạn chế và đáp ứng nhu cầu thực tiễn trong quá trình thực hiện cơ chế tài chính và đầu tư đối với hoạt động KH&CN, Bộ KH&CN cho rằng việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2014/NĐ-CP là cần thiết.

Gỡ vướng về cơ chế tài chính đối với hoạt động khoa học và công nghệ.

Để đảm bảo phân định rõ về phạm vi, tiêu chí, đối tượng điều chỉnh, tổng mức đầu tư giữa dự án đầu tư xây dựng mới, cải tạo, sửa chữa nâng cấp, tăng cường năng lực nghiên cứu; mua sắm, sửa chữa, nâng cấp tài sản, trang thiết bị, máy móc để phân định ranh giới giữa các dự án thực hiện từ nguồn kinh phí đầu tư công với các nhiệm vụ được sử dụng từ nguồn chi thường xuyên theo quy định của Luật NSNN và Luật Đầu tư công, dự thảo Nghị định cụ thể hóa quy định về chi đầu tư phát triển KH&CN (điểm a khoản 1 Điều 4 Nghị định số 95/2014/NĐ-CP) và chi sự nghiệp KH&CN (điểm m khoản 2 Điều 4 Nghị định số 95/2014/NĐ-CP).

Cụ thể, nội dung chi đầu tư phát triển KH&CN tại điểm a khoản 1 Điều 4 Nghị định số 95/2014/NĐ-CP được đề xuất sửa đổi như sau: “a) Chi đầu tư cơ sở vật chất cho các tổ chức KH&CN để thực hiện dự án xây dựng mới; dự án cải tạo, sửa chữa nâng cấp, mở rộng dự án đã đầu tư xây dựng bao gồm cả phần mua tài sản, mua trang thiết bị của dự án; dự án tăng cường tiềm lực khoa học công nghệ của các tổ chức KH&CN có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, bao gồm: Phòng thí nghiệm, xưởng thực nghiệm; trạm, trại thực nghiệm; phòng tiêu bản, phòng trưng bày, lưu giữ mẫu; cơ sở phân tích, kiểm nghiệm, kiểm định, hiệu chuẩn và đánh giá sự phù hợp; các cơ sở thiết kế, chế tạo, thử nghiệm chuyên dụng; các cơ sở ứng dụng và chuyển giao công nghệ; tổ chức trung gian của thị trường KH&CN; trung tâm đổi mới sáng tạo; trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo.”

Nội dung chi sự nghiệp KH&CN tại điểm m khoản 2 Điều 4 Nghị định số 95/2014/NĐ-CP được đề xuất sửa đổi như sau:

Chi sự nghiệp KH&CN cho:

– Chi cho công tác duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa cơ sở vật chất – kỹ thuật và trang thiết bị phục vụ hoạt động KH&CN nhằm đảm bảo duy trì công năng và tiêu chuẩn kỹ thuật của tài sản công;

– Chi để thực hiện nhiệm vụ cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới hạng mục công trình trong dự án đã đầu tư xây dựng, nâng cấp công năng và tiêu chuẩn kỹ thuật của trang thiết bị nghiên cứu (tối đa không quá 15 tỷ đồng/nhiệm vụ) không có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, cần phải thực hiện ngay trong năm ngân sách;

– Chi để thực hiện nhiệm vụ mua sắm tài sản, trang thiết bị không có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, bao gồm: mua sắm tài sản, trang thiết bị phục vụ hoạt động thường xuyên theo tiêu chuẩn, định mức quy định hiện hành; mua sắm tài sản, trang thiết bị chuyên dùng của các tổ chức KH&CN công lập; mua sắm tài sản, trang thiết bị phục vụ nhiệm vụ KH&CN.”

Bên cạnh đó, để thống nhất với đề xuất bổ sung chi đầu tư phát triển cho việc xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, Bộ KH&CN đề xuất bổ sung nội dung chi sự nghiệp KH&CN để duy trì hoạt động của trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo. Nội dung đề xuất bổ sung quy định tại điểm n0, khoản 2 Điều 4 Nghị định số 95/2014/NĐ-CP như sau: “Các khoản chi nhằm bảo đảm và duy trì của trung tâm đổi mới sáng tạo và trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo”.

Bảo đảm bình đẳng về tỉ lệ trích lập Quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp

Về trích lập quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp, Điều 9 Nghị định số 95/2014/NĐ-CP quy định:

Doanh nghiệp nhà nước hàng năm phải trích từ 3% đến 10% thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp để lập quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp ngoài nhà nước được quyền trích từ thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp một tỷ lệ hợp lý, tối đa 10% để lập quỹ phát triển KH&CNcủa doanh nghiệp.

Theo Bộ KH&CN, nhằm đảm bảo tính bình đẳng về quy định tỉ lệ trích lập Quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp giữa các doanh nghiệp nhà nước và các loại hình doanh nghiệp khác; giảm các ảnh hưởng đến đánh giá hiệu quả hoạt động và xếp loại doanh nghiệp nhà nước, Bộ KH&CN đề xuất sửa đổi quy định tại khoản 1 Điều 9 Nghị định số 95/2014/NĐ-CP như sau: “1. Doanh nghiệp nhà nước, căn cứ vào nhu cầu hoạt động KH&CN và khả năng sử dụng Quỹ phát triển KH&CN hàng năm, tự xác định tỷ lệ trích lập Quỹ từ thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp nhưng không quá 10% thu nhập tính thuế thu nhập năm để lập quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp.”

Như vậy, theo dự thảo, doanh nghiệp nhà nước được tự xác định tỷ lệ trích lập Quỹ không quá 10% thu nhập tính thuế thu nhập năm chứ không phải trích lập Quỹ theo mức từ 3% đến 10% thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp.

Bổ sung nội dung chi cho hoạt động chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo

Về nội dung chi của Quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp, dự thảo đề xuất bổ sung điểm k khoản 3 Điều 10 Nghị định số 95/2014/NĐ-CP về nội dung chi của Quỹ cho hoạt động chuyển đổi số doanh nghiệp nhằm thực hiện Quyết định số 411/QĐ-TTg ngày 31/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

Ngoài ra, dự thảo cũng bổ sung quy định cho phép các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp Nhà nước thực hiện đầu tư nghiên cứu phát triển công nghệ, đầu tư mạo hiểm, đầu tư vào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 52-NQ/TW năm 2019 của Bộ Chính trị; đầu tư cho các vườn ươm trong lĩnh vực liên quan đến khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, đặt hàng các sản phẩm mới,… như nhiệm vụ được giao tại điểm h khoản 1 phần A Mục III Nghị quyết số 58/NQ-CP và tại khoản 6 Chỉ thị số 12/CT-TTg.

Cụ thể, dự thảo bổ sung điểm i khoản 3 Điều 10 Nghị định số 95/2014/NĐ-CP như sau: “i) Chi cho đầu tư hình thành và duy trì hoạt động của các cơ sở ươm tạo, cơ sở nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong lĩnh vực liên quan đến khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp; đặt hàng mua các sản phẩm đổi mới sáng tạo; sử dụng Quỹ phát triển KH&CN của các doanh nghiệp nhà nước để đầu tư mạo hiểm, đầu tư cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.”

Hoàng Dương

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích