Gia Lai: Vì sao công trình “khủng” xây trái phép trên đất nông nghiệp vẫn không bị cưỡng chế?
Gia Lai: Vì sao công trình “khủng” xây trái phép trên đất nông nghiệp vẫn không bị cưỡng chế?
Mặc dù các cơ quan chức năng TP Pleiku đã nhiều lần xử phạt, thậm chí cưỡng chế đối với các công trình xây dựng trái phép tại thôn 4, xã Gào (TP Pleiku), nhưng thay vì chấp hành xử phạt, tháo dỡ thì công trình này đến nay có dấu hiệu “phình to” hơn.
Trước đó, liên quan đến công trình khủng xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp tại thôn 4, xã Gào, Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử đã có đăng tải bài viết phản ánh vấn đề trên. Tuy nhiên, đến nay công trình này vẫn ngang nhiên tồn tại gần 4 năm mà không bị các cơ quan chức năng TP Pleiku tháo dỡ, cưỡng chế như những gì đã nêu trước đó mà công trình có dấu hiệu ngày càng “phình to” hơn. Điều nay làm cho dư luận đặt vấn đề, liệu ai đang “bật đèn xanh” cho công trình trái phép này ngang nhiên tồn tại trong thời gian qua?
Theo hồ sơ sự việc, năm 2020 ông Lê Sỹ Đại (Hà Tĩnh) bị UBND xã Gào lập biên bản và ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính vì có hành vi xây dựng nhà trụ gỗ có đế bê tông, mái ngói với diện tích xây dựng 108 m2 trên đất nông nghiệp (đất trồng cây lâu năm).
Đến năm 2021, UBND TP.Pleiku ban hành quyết định xử phạt ông Đại số tiền 11,5 triệu đồng, vì đã có hành vi vi phạm chuyển đất trồng cây lâu năm sang đất phi nông nghiệp tại khu vực nông thôn, diện tích chuyển trái phép là 511m2.
Cả 2 quyết định xử phạt của UBND xã Gào và TP Pleiku đều buộc ông Đại phải tháo dỡ công trình xây dựng vi phạm đã xây trên đất nông nghiệp và khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV Môi trường và Đô thị trong thời gian qua, chủ công trình này thay vì tháo dỡ và khôi phục lại hiện trạng ban đầu theo như yêu cầu của các cơ quan chức năng, thì các hạng mục tại đây đã được xây dựng một cách hoàn thiện. Thậm chí, như thách thức các cơ quan chức năng, trên QL 14 (Hàm Rồng), đơn vị này đặt một tấm biển chỉ dẫn đường vào có nội dung “Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp & du lịch Hàm Rồng Ngoạ Long Sơn”.
Làm việc với PV, ông Dương Xuân Hồng – Phó Chủ tịch UBND xã Gào cho biết: Hiện HTX và du lịch Ngọa Long Sơn vẫn chưa chấp hành việc tháo dỡ đầy đủ các công trình sai phạm tại đây. Ngày 31/7, Xã đã gửi thông báo đến gia đình này nhưng chưa chấp hành, theo như những gì Xã nắm được, công trình này hiện tại đang kinh doanh quán cà phê.
Trả lời về vấn đề lý do tại sao từ khi ra quyết định xử phạt đến nay vẫn chưa giải quyết dứt điểm việc tháo dỡ, thì ông Hồng cho biết: Thời điểm đó xã đang trong giai đoạn thay đổi về nhận sự. Trong năm 2023 Xã đã 2 lần gửi thông báo về việc buộc phải tháo dỡ, sau đó gia đình cũng có đơn xin tự tháo dỡ công trình, nhưng khi kiểm tra lại thì gia đình này không tháo dỡ được bao nhiêu. Xã yêu cầu gia đình nếu không thực hiện tự tháo dỡ Xã sẽ thực hiện theo quy định, tiếp tục cưỡng chế.
Chủ công trình này có đơn xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất tại đây, nhưng vì vướng nhiều hạng mục xây dựng trái phép nên hiện tại thành phố không cho phép chuyển đổi. Khu vực đất tại đó nằm trong quy hoạch đất thương mại dịch vụ khoảng 800 m2, đối với công trình trái phép của ông Đại thì chỉ một phần nhỏ nằm trong đất quy hoạch thương mại dịch vụ, còn phần lớn các công trình tại đây đều xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp.
Ông Hồng cho biết thêm, theo quy định đối với những công trình xây dựng trái phép tại đây, chủ công trình này buộc phải tháo dỡ toàn bộ, trả nguyên hiện trạng đất ban đầu thì mới được phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Liệu công trình xây dựng trái phép tại đây sẽ bị các cơ quan chức năng TP Pleiku cưỡng chế, tháo dỡ như đã nêu trước đó hay phía chủ công trình Ngoạ Long Sơn sẽ tìm cách hợp thức hóa cho sai phạm của mình?
Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị