TCVN 13659:2023 yêu cầu đối với protein tôm thủy phân sử dụng làm thức ăn chăn nuôi
Hiện nay, protein thủy phân (protein hydrolysate), hay đạm thủy phân từ phụ phẩm chế biến, giết mổ… được coi là nguyên liệu chức năng (functional ingredients) là một trong những sản phẩm chế biến sâu có hàm lượng kỹ thuật cao nhất trong số các sản phẩm được tạo ra để phục vụ sản xuất thức ăn chăn nuôi, thủy sản.
Trong đó protein tôm thủy phân (SPH-shrimp peptide hydrolysate) chính là hỗn hợp polypeptide, oligopeptide và axit amin thu được từ quá trình thủy phân protein của tôm, phụ phẩm tôm bằng phương pháp sinh học và/hoặc phương pháp hóa học. Sản phẩm có độ thủy phân cao, do đó chứa nhiều amino acid và peptide có trọng lượng phân tử nhỏ, mang lại tính dẫn dụ mạnh mẽ đối với động vật thủy sản, đặc biệt là tôm, cá biển và cá nước ngọt.
Protein tôm thủy phân được tách chiết từ đầu vỏ tôm và thủy phân bằng enzyme chứa đầy đủ các amino acid (18/20 loại cơ bản, trong đó có 9 loại chưa có trên thị trường) và các di/tri-peptide cần thiết kích thích sự thèm ăn và đem lại cảm giác ngon miệng, đảm bảo lượng thức ăn tiêu thụ. Đồng thời giúp cải thiện hình thái nhung mao ruột, ngăn ngừa vi khuẩn gây bệnh xâm nhập vào đường ruột từ đó tăng cường hấp thu chuyển hóa thức ăn, kích thích việc sản sinh các enzyme tiêu hóa, nâng cao hệ miễn dịch đường ruột.
Protein tôm thủy phân giúp vật nuôi hấp thụ trực tiếp vào cơ thể, tốn ít năng lượng và thời gian để phân giải, từ đó giúp vật nuôi tăng trưởng nhanh một cách tự nhiên, hoặc giảm một phần bột cá mà vẫn đảm bảo năng suất vật nuôi.
Tuy nhiên những yêu cầu đối với protein tôm thủy phân sử dụng làm thức ăn chăn nuôi cần phải đảm bảo chất lượng, an toàn khi sử dụng. Để đạt được yêu cầu này, trong quá trình chế biến cần tuân theo Tiêu chuẩn TCVN 13659:2023 thức ăn chăn nuôi – protein tôm thủy phân do Bộ Khoa học và Công nghệ công bố. Đây chính là giải pháp thay thế bền vững cho ngành chăn nuôi hiện nay.
Yêu cầu protein tôm thủy phân phải có mùi vị đặc trưng, dạng lỏng và dạng bột khô không vón cục theo tiêu chuẩn. Ảnh minh họa
Tiêu chuẩn TCVN 13659:2023 đưa ra các yêu cầu về nguyên liệu sử dụng bao gồm tôm và phụ phẩm tôm; Enzym thủy phân, vi sinh vật và/hoặc chất xúc tác hóa học; Chất kỹ thuật (duy trì hoặc cải thiện đặc tính của thức ăn chăn nuôi), bao gồm cả phụ gia thức ăn chăn nuôi.
Yêu cầu về cảm quan đối với protein tôm thủy phân được quy định: Ở dạng lỏng protein tôm thủy phân phải có trạng thái lỏng và sệt, dạng bột khô không vón cục; phải có màu sắc nâu đến nâu đỏ khi ở dạng lỏng và dạng bột phải có màu vàng nâu đến nâu. Tôm phân hủy ở dạng lỏng phải có mùi đặc trưng.
Yêu cầu về lý – hóa đối với protein tôm thủy phân dạng lỏng được quy định: Hàm lượng nước không lớn hơn 70 % khối lượng; Hàm lượng protein thô không nhỏ hơn 19% khối lượng; Độ thủy phân protein không nhỏ hơn 40%; Tỷ lệ sản phẩm thủy phân có khối lượng phân tử nhỏ hơn 1000 Da (Độ thủy phân/Độ thủy phân protein- degree of hydrolysis) không nhỏ hơn 80% khối lượng.
Yêu cầu về lý – hóa đối với protein tôm thủy phân dạng bột được quy định: Về chỉ tiêu độ ẩm không lớn hơn 8%; Hàm lượng protein thô không nhỏ hơn 45%; Tỷ lệ sản phẩm thủy phân có khối lượng phân từ nhỏ hơn 1000 Da không nhỏ hơn 70%; Hàm lượng cát sạn (tro không tan trong axit clohydric) không lớn hơn 1,0% khối lượng. Giới hạn tối đa về kim loại nặng, vi sinh vật, giới hạn tối đa ethoxiquin theo quy định hiện hành.
Về thử nghiệm, việc lấy mẫu để phân tích các chỉ tiêu cảm quan và lý – hóa nên tuân theo TCVN 13052 về thức ăn chăn nuôi – lấy mẫu. Lấy mẫu để phân tích các chỉ tiêu vi sinh, theo TCVN 11923 (ISO/TS 17728) về vi sinh vật trong chuỗi thực phẩm – kỹ thuật lấy mẫu để phân tích vi sinh vật trong thực phẩm và thức ăn chăn nuôi.
Xác định các chỉ tiêu cảm quan, theo TCVN 1532 về thức ăn chăn nuôi – phương pháp thử cảm quan. Xác định độ ẩm/hàm lượng nước, theo TCVN 4326 (ISO 6496 xác định độ ẩm và hàm lượng chất bay hơi khác. Xác định hàm lượng protein thô, theo TCVN 4328-1 (ISO 5983-1) về thức ăn chăn nuôi- xác định hàm lượng nitơ và tính hàm lượng protein thô – Phần 1: Phương pháp Kjeldahl. Xác định độ thủy phân protein, theo TCVN 13659:2023.
Xác định tỷ lệ sản phẩm thủy phân có khối lượng phân tử nhỏ hơn 1000 Da theo tiêu chuẩn này. Xác định hàm lượng cát sạn (tro không tan trong axit clohydric), theo TCVN 9474 (ISO 5985) thức ăn chăn nuôi – xác định hàm lượng tro không tan trong axit clohydric. Xác định hàm lượng ethoxyquin, theo TCVN 11282 thức ăn chăn nuôi – xác định hàm lượng ethoxyquin – phương pháp sắc ký lỏng.
Yêu cầu về bao gói, ghi nhãn, bảo quản và vận chuyển tiêu chuẩn này hướng dẫn các sản phẩm phải được đóng gói trong bao bì kín khí và không thấm nước. Việc ghi nhãn sản phẩm theo quy định hiện hành. Tên sản phẩm có thể là “protein tôm thủy phân”, “peptide thủy phân từ tôm”, “peptide tôm” hoặc tên gọi khác mang nghĩa tương đương. Tên sản phẩm cần mô tả đúng bản chất của sản phẩm mà không lừa dối hoặc gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.
Sản phẩm được bảo quản ở nơi khô, sạch, ở điều kiện thích hợp và phải được vận chuyển bằng các phương tiện đảm bảo an toàn và không ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm.
An Dương