Độc tố illudin S ‘ẩn mình’ trong nấm khiến nhiều người bị ngộ độc ra sao?

Theo thông tin từ Sở Y tế tỉnh Lào Cai, trước đó một gia đình có 3 người tại thôn Bãi Bằng, xã La Pan Tẩn, huyện Mường Khương có biểu hiện ngộ độc thực phẩm nhập viện sau khi ăn nấm lạ.

Ngay sau vụ việc xảy ra Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Lào Cai đã phối hợp với Trung tâm Y tế huyện đã lấy được 1 mẫu nấm còn lại (chưa được chế biến) của bữa ăn để gửi kiểm nghiệm.

Kết quả của Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia cho thấy, mẫu nấm nói trên được định danh là Omphalotus nidiformis có chứa độc tố illudin S. Omphalotus nidiformis là loại nấm thường mọc trên gỗ mục thành từng đám lớn, đặc biệt là phát sáng trong đêm khi trời ẩm, sau mưa nên còn gọi là nấm ma.

Liên quan tới việc ăn nấm bị ngộ độc do độc tố illudin S, trước đó tại bản Si Cha Chải, xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu đã xảy ra vụ ngộ độc do ăn nấm tự nhiên làm 19 người mắc và nhập viện với các triệu chứng buồn nôn, nôn, đau bụng. Các bệnh nhân được cấp cứu, điều trị tích cực tại bệnh viện đa khoa tỉnh và hiện toàn bộ đã ổn định.

Sau đó Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Sơn La đã nhanh chóng triển khai điều tra và lấy được mẫu nấm gây ngộ độc gửi Trung tâm phòng chống nhiễm độc – Học viện Quân Y để xác định loài nấm. Kết quả nghiên cứu cho thấy loài nấm đã gây ngộ độc là nấm Ma (tên khoa học Omphalotus nidiformis, họ Mirasmiaceae). Loài nấm này thường gặp ở các tỉnh miền Bắc Việt Nam và đã gây ra nhiều vụ ngộ độc tại các tỉnh Bắc Kạn, Sơn La,…

Loại nấm chứa độc tố illudin S gây ngộ độc cho 3 người tại Lào Cai. Ảnh: Thanh Huyền

Độc tố của nấm ma là illudin S. Đây là một chất phát quang hay còn gọi là chất lân tinh (phát sáng trong bóng tối). Mũ nấm hình quạt hoặc hình phễu, thường có màu trắng, kem, xám hoặc hơi vàng (phụ thuộc vào nấm mọc trên loài gỗ mục nào), giữa mũ nấm thường có màu vàng sậm hơn, khi già mép mũ nấm thường cuốn xuống, đường kính mũ từ 2-10 cm, cuống nấm thường đính lệch vào mũ, dài 2-4cm. Nấm ma chứa độc tố illudin S gây rối loạn tiêu hóa sau khi ăn khoảng 30 phút đến ba giờ với các triệu chứng buồn nôn, nôn, tiêu chảy, nôn ra máu.

Độc tố illudin S là một họ sesquiterpene có đặc tính kháng sinh chống khối u do một số loại nấm tạo ra. Ở dạng cô lập, illudin S cho thấy độc tính chọn lọc đối với bệnh bạch cầu tủy và các tế bào ung thư khác. Độc tố này có độc tính cao, với giá trị điều trị rõ ràng ở dạng tự nhiên của chúng là rất thấp.

Độc tính illudin S được cho là nguyên nhân gây ra độc tính của nhiều loài Omphalotus như O. olearius và O. illudens (nấm Jack o’ Lantern) và O. nidiformis (nấm ma Úc).

Các chất chuyển hóa hoạt động của illudin S làm hỏng DNA thông qua một cơ chế chưa biết. Ngoài ra, phân tích di truyền cho thấy rằng tổn thương DNA do illudin S gây ra bị hệ thống sửa chữa cắt bỏ toàn cầu bỏ qua trừ khi các tổn thương xảy ra trong các phức hợp sao chép hoặc phiên mã bị đình trệ.

Cũng theo thông tin từ Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Lào Cai, từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn tỉnh cũng đã xảy ra 4 vụ việc làm 11 người ngộ độc do độc tố tự nhiên, trong đó có 2 vụ ngộ độc nấm tại Văn Bàn và Bảo Yên làm 7 người mắc. Điều này cho thấy, các vụ ngộ độc về độc tố tự nhiên vẫn diễn ra phức tạp, người dân vẫn còn thói quen hái nấm lạ, bắt các côn trùng lạ làm thức ăn.

Để đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Lào Cai khuyến cáo, người dân không tự ý hái các loại rau rừng, nấm lạ, các loại côn trùng, sinh vật lạ trong tự nhiên mà không biết rõ có độc hay không để làm thức ăn; Khi bị ngộ độc nấm cần sơ cứu, gây nôn, đưa đến cơ sở y tế gần nhất rửa dạ dày, uống than hoạt tính kèm sorbitol, truyền dịch hoặc uống oresol… để kịp thời cứu chữa cho bệnh nhân.

Tiêu chuẩn TCVN 11041-11:2023 về nấm hữu cơ

Tiêu chuẩn này do Bộ Khoa học và Công nghệ công bố đưa ra các yêu cầu đối với việc thu hái tự nhiên và trồng nấm theo phương thức hữu cơ; thu hoạch, sơ chế, chế biến, bảo quản nấm hữu cơ. Tiêu chuẩn này được áp dụng đồng thời với TCVN 11041-1 và TCVN 11041-2. Tiêu chuẩn này không áp dụng đối với nấm men và nấm mốc.

Theo hướng dẫn tại tiêu chuẩn này, việc thu hái/thu hoạch, sơ chế, chế biến, bảo quản nấm hữu cơ tuân cần tuân thủ các nguyên tắc đối với trồng trọt hữu cơ theo Điều 4 của TCVN 11041-2. 

Địa điểm trồng nấm theo quy định tại TCVN 11041-2 và các yêu cầu sau: Cơ sở sản xuất phải đảm bảo giá thể (substrate) và nấm không phơi nhiễm với các chất nằm ngoài danh mục nêu trong Phụ lục A của TCVN 11041-2. Khu vực trồng nấm nếu tiếp giáp với đất canh tác thông thường thì phải có vùng đệm hoặc hàng rào vật lý để tránh ảnh hưởng của các chất nằm ngoài danh mục nêu trong Phụ lục A của TCVN 11041-2.

Thời gian chuyển đổi sang sản xuất hữu cơ phải ít nhất 12 tháng từ thời điểm bắt đầu áp dụng sản xuất hữu cơ. Nấm thu hoạch trong thời gian chuyển đổi không được coi là sản phẩm hữu cơ.

Trên cơ sở nhận diện và đánh giá các nguy cơ có liên quan khi xem xét lịch sử sử dụng giá thể và/hoặc đất, các kết quả phân tích hóa chất (ví dụ: hàm lượng kim loại nặng, dư lượng phân bón hóa học, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật hóa học) trong giá thể và/hoặc đất, nước và các sản phẩm nấm, có thể kéo dài, rút ngắn hoặc bỏ qua thời gian chuyển đổi.

Thời gian chuyển đổi có thể kéo dài trên cơ sở nhận diện và đánh giá các nguy cơ có liên quan. Đối với nấm trồng trên đất hoặc trồng phủ đất, nếu trồng nấm trong vòng 24 tháng sau khi sử dụng các chất nằm ngoài danh mục nêu trong TCVN 11041-2 và tiêu chuẩn này đối với đất thì không được ghi nhãn liên quan đến hữu cơ.

 An Dương

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích