Thanh niên 30 tuổi bị lột da cổ bàn tay do kẹt thang máy
Thanh niên 30 tuổi bị lột da cổ bàn tay do kẹt thang máy
Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng vết thương lóc da toàn bộ cổ bàn tay kiểu lột găng, phần da lóc rời ra ngoài, đã được bảo quản lạnh trong thùng xốp.
Khoa Chấn thương chi trên và vi phẫu thuật – Bệnh viện TW Quân đội 108 mới đây đã phẫu thuật trồng lại vạt da thành công cho bệnh nhân nam trẻ tuổi bị lóc như lột găng toàn bộ cổ bàn tay do tai nạn lao động. Đây là một tổn thương phức tạp nếu không điều trị kịp thời có thể ảnh hưởng đến chức năng và thẩm mỹ của bàn tay rất cao, thậm chí phải cắt cụt bàn tay.
Trước đó, bệnh nhân T.V.H (30 tuổi, quê Vĩnh Phúc) nhập viện TW Quân đội 108 với vết thương lóc da toàn bộ cổ bàn tay kiểu lột găng, phần da lóc rời ra ngoài, đã được bảo quản lạnh trong thùng xốp.
Theo lời kể của người bệnh, tổn thương gây ra do bệnh nhân bị kẹt tay vào máy cuốn với một lực kéo ép rất lớn. Qua thăm khám, thấy phần da lóc có thể trồng lại được, các bác sĩ đã nhanh chóng đưa bệnh nhân lên phòng mổ theo quy trình như một bệnh nhân đứt rời chi thể để xử trí tổn thương.
ThS Nguyễn Điện Thành Hiệp – Khoa Chấn thương chi trên và vi phẫu thuật – Bệnh viện TW Quân đội 108, cùng ê kíp mổ và gây mê đã thực hiện thành công ca phẫu thuật trồng lại vạt da lóc kiểu lột găng bằng kỹ thuật vi phẫu. Cuộc phẫu thuật kéo dài 5 giờ đồng hồ. Sau phẫu thuật vạt da lóc trồng lại đã hồng ấm. Bệnh nhân về khoa tiếp tục được dùng thuốc chống đông, treo cao tay, sưởi ấm, bù dịch, kháng sinh và thay băng chăm sóc vết mổ hàng ngày.
Sau 5 ngày gần như toàn bộ vạt da vẫn hồng ấm chỉ xuất hiện một số hoại tử da ở vị trí đầu mút các ngón 2,4,5 và gan bàn tay do tổn thương dập nát phức tạp ban đầu. Bệnh nhân sau đó được cắt lọc các phần hoại tử đợi mọc tổ chức hạt và ghép da dày bổ sung, tiên lượng phục hồi tốt.
Bác sĩ Nguyễn Điện Thành Hiệp cho biết, đây là một ca bệnh ít gặp trên lâm sàng, vể nguyên tắc xử trí giống với tổn thương đứt rời chi thể nếu còn đoạn ngoại vi được bảo quản lạnh đúng cách và đến cơ sở y tế. Nếu xử trí hoặc đoạn ngoại vi không được bảo quản sẽ mất đi cơ hội phục hồi tốt nhất về mặt chức năng và thẩm mỹ cho bệnh nhân, thậm chí có thể cắt cụt chi.
Do tổ chức da ở bàn tay là những tổ chức đặc biệt được biệt hóa phù hợp với chức năng của bàn tay nên việc cấy ghép da bị lóc ra tại chỗ là lựa chọn ưu việt nhất để điều trị tổn thương lóc da toàn bộ bàn tay, có liên quan đến ưu điểm là vết thương nhỏ, hình dáng bàn tay đẹp, không có sẹo co rút rõ ràng, độ đàn hồi, cảm giác thuận lợi và mức độ chấp nhận của bệnh nhân cao.
Có nhiều phương pháp để điều trị khác đối với vết thương do lóc da toàn bộ bàn tay; tuy nhiên, chức năng và thẩm mỹ của bàn tay khó có thể được đáp ứng bằng phương pháp ghép da tại chỗ như trên.
Theo các bác sĩ, khi có bệnh nhân bị tổn thương đứt rời chi thể nói chung hay lóc da kiểu lột găng bàn tay nói riêng, cần nhanh chóng sơ cứu, cầm máu, bảo quản lạnh đoạn ngoại vi và vào ngay cơ sở y tế chuyên sâu có đầy đủ phương tiện để được khám và điều trị kịp thời, tránh việc mất thời gian quá lâu dẫn đến những trở ngại cho việc điều trị. Ngoài ra, cần chủ động bảo vệ sức khoẻ của bản thân bằng cách nâng cao nhận thức về an toàn trong lao động.