Người “vác tù và hàng tổng” ở vùng giáo Quỳnh Lưu – Nghệ An: (Kỳ 2) Trưởng thôn “thắp lửa” phong trào
Người “vác tù và hàng tổng” ở vùng giáo Quỳnh Lưu – Nghệ An: (Kỳ 2) Trưởng thôn “thắp lửa” phong trào
Thôn 8 (xã Quỳnh Yên, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) có 223 hộ, 1.340 nhân khẩu, là thôn giáo dân toàn tòng sinh sống thuộc giáo xứ Cẩm Trường. Tuy nhiên, bằng sự bền bỉ, tâm huyết, trách nhiệm và sáng tạo trong công tác “dân vận khéo”, ông Phan Văn Thăng – Thôn trưởng thôn 8, đã từng bước vực dậy phong trào xây dựng nông thôn mới của thôn.
Đảm nhận chức vụ thôn trưởng cuối
năm 2015, thời điểm đó thôn 8 là một trong những thôn khó khăn nhất của xã Quỳnh
Yên; bà con nơi đây chủ yếu sản xuất nông nghiệp nhưng diện tích các thửa ruộng
nhỏ hẹp, manh mún, giao thông đi lại khó khăn, thủy lợi nội đồng xuống cấp… nên
thu nhập rất thấp. Điều này khiến quá trình phát triển KT – XH gặp nhiều khó
khăn, trở ngại, đặc biệt là trong xây dựng nông thôn mới (NTM).
Tuy nhiên không lùi bước trước
khó khăn, ông Phan Văn Thăng đã đặt ra mục tiêu đưa thôn 8 hoàn thành xóa bỏ
manh mún về ruộng đất đầu tiên của xã và xây dựng khu dân cư NTM để góp phần
đưa xã Quỳnh Yên đạt chuẩn Nông thôn mới. Lúc đó nhiều người cho rằng đây là một
mục tiêu thiếu thực tế vì khả năng của người dân trong thôn không thể thực hiện.
Thế nhưng ông Thăng cho rằng khi đã làm việc gì thì phải làm đến cùng, đến nơi
đến chốn chứ không làm nửa vời và phải có kế hoạch, mục tiêu cụ thể.
Thực hiện Chỉ thị 08 của Ban Thường
vụ Tỉnh ủy Nghệ An về đẩy mạnh vận động nông dân “dồn điền, đổi thửa”, Đảng ủy,
HĐND, UBND xã Quỳnh Yên đã ban hành các Nghị quyết, kế hoạch chỉ đạo và giao
trách nhiệm cho các thôn, xóm tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện. Tuy
nhiên, với tư tưởng ngại thay đổi và tâm lý sợ chia lại thì phải nhận ruộng sâu
sục hay cao cưỡng nên phần lớn bà con đều không đồng tình.
Để thực hiện thành
công Chỉ thị này là điều không hề dễ dàng, nhất là tại thôn 8, để khắc phục khó
khăn và tìm cách giải thành công bài toán chuyển đổi ruộng đất thì tại thôn 8,
trong vòng 2 năm trưởng thôn vẫn loay hoay tìm giải pháp vận động người dân và
có những lúc tưởng chừng bỏ cuộc không thực hiện được. Bởi nhiều nguyên nhân
khác nhau, nhưng điều cốt lõi là người dân sợ bắt thăm phải ruộng sâu, ruộng cạn
rồi khó canh tác.
Lúc này ông Phan Văn Thăng đơn thuần
chỉ là một người công dân bình thường, nhưng khi tham gia các cuộc họp thôn mở
rộng ông đã có những ý kiến hay, “thông tắc” cho vấn đề đồn điền, đổi thửa.
Nhờ đó, ông Thăng được bà con tín nhiệm bầu làm Trưởng ban chuyển đổi ruộng đất
của thôn. Khi đã có vai trò, ông Thăng dựa trên danh sách chia đất cũ mà ban
cán sự thôn đã lập, phân tích lý do tại sao dân lại không đồng ý, từ đó đưa ra cách
làm và phương thức dân vận phù hợp.
Theo đó, ông đề xuất với ban cán sự
thôn chia thêm đất cho bà con ở những diện tích sâu sục, cụ thể như phần ruộng
này 1 sào (500m2) sâu sục thì chia thêm cho các gia đình nhận phần đất
này lên 1,2 sào hoặc 1,4 sào. Còn đối với những vùng dễ sản xuất, cho năng suất
cây trồng cao thì chia từ 500m2 xuống còn 400m2. Với
phương án mang lại sự công bằng đó nên 100% bà con đồng tình, nhất trí triển
khai.
Chỉ trong vòng 10 ngày của tháng
cuối năm 2015 thôn đã chuyển đổi xong ruộng đất, đây là thôn đầu tiên thực hiện
xong chuyển đổi ruộng đất của xã. Ruộng lớn, bờ to nên đã thuận lợi hơn trong
công tác đưa cơ giới hóa vào sản xuất như máy cày, máy cấy, máy gặp, hiệu quả
cây trồng được nâng lên rõ rệt, kinh tế phát triển, đời sống của bà con ngày
càng khá giả. Sau thành công ở công tác này, ông Phan Văn Thăng được bà con
tin tưởng bầu làm Trưởng thôn. Ông đã góp công lớn xóa
bỏ manh mún về ruộng đất.
Sau khi tiếp nhận công việc vào cuối
năm 2015, ông Thăng bắt tay ngay vào lãnh đạo thôn xây dựng NTM, trong điều kiện
có nhiều bộn bề khó khăn ở một vùng quê đời sống của nhân dân còn nhiều vất vả
và tất cả các phong trào của thôn đã tụt dốc xuống tốp cuối của toàn xã. Ông
Thăng nhớ như in những khó khăn khi vận động người dân hiến đất, hiến cây, góp
công, góp của.
“Khi đó, phải vận động cả ngày lẫn đêm, phối hợp nhuần nhuyễn với
Hội đồng mục vụ giáo xứ nên người dân trong thôn dần hiểu được ý nghĩa, lợi ích
của việc xây dựng NTM” – ông Thăng nói.
Để người dân đồng thuận với chủ trương,
chung sức, chung lòng xây dựng NTM, nhất là làm đường giao thông nông thôn, là
người Trưởng thôn, ông Thăng gặp không ít những trắc trở trong vận động người
dân hiến đất mở đường, vì trong suy nghĩ của người dân “tấc đất là tấc vàng”.
Với
phương châm “mưa dầm thấm lâu”, hàng ngày ông cùng Ban công tác Mặt trận thôn đi
đến từng nhà chuyện trò, động viên, sẻ chia, vận động, thuyết phục họ. Ông tâm
tình để bà con hiểu lợi ích của xây dựng NTM, về những việc bà con nên làm, cần
làm; cảm phục trước sự nhiệt huyết của ông và cán bộ Mặt trận thôn, người dân dần
dần hiểu về lợi ích xây dựng NTM và sẵn sàng hiến đất, hiến cây, hiến tài sản,
đóng góp kinh phí, tham gia ngày công để làm đường, dọn dẹp cảnh quan, chỉnh
trang vườn tạp để phát triển kinh tế, xây dựng các công trình phúc lợi thiết yếu…
Trong những năm (2017 – 2018) cao
điểm toàn xã thực hiện phong trào xây dựng NTM, từ chỗ không ai muốn hiến đất
thì nay toàn thôn đã hiến hơn 1.150m2 và nhiều tải sản trên đất để mở
rộng các tuyến đường nội thôn. Có mặt bằng, ông Thăng tham mưu, đề xuất với
UBND xã hỗ trợ xi măng và cho thôn triển khai làm đường theo từng tông ngõ.
Nghĩa là ở ngõ nào có bao nhiêu hộ dân thì tập hợp lại và tổ chức họp, trong đó
Trưởng thôn là người chủ trì. Ngoài xi măng được Nhà nước hỗ trợ thì mọi dự
toán kinh phí đều được dân bàn bạc thống nhất đóng góp kinh phí và để triển
khai làm đường.
Ban cán sự xóm không thu một khoản tiền nào liên
quan đến làm đường mà người dân có sự bàn bạc, thống nhất, tự quyết định việc
làm đường của tông ngõ mình nên người dân thấy công khai, minh bạch và ủng hộ
cách làm này. Có những hộ đóng góp nhiều nhất lên gần 8 triệu đồng nhưng họ vẫn
vui vẻ, phấn khởi nạp tiền. Khi mọi thứ đã ổn, ông Thăng đã phát động đợt cao
điểm toàn dân ra quân làm đường giao thông và chỉ trong một đợt đã bê tông hóa
gần hết các tuyến đường giao thông nội thôn, với kinh phí trên 1,5 tỷ đồng do
nhân dân đóng góp.
Trong câu chuyện kể, ông Thăng nhớ
lại, giữa lúc phong trào xây dựng NTN đang lên, điều tôi băn khoăn nhất là còn
một tuyến đường ra khu sản xuất dài 150m, rộng 5m, cần nguồn kinh phí lớn mà đoạn
đường này chỉ có 7 hộ nên rất khó vận động các hộ dân đóng góp kinh phí. Lúc
này, ông cùng với Trưởng ban công tác Mặt trận thôn vào từng nhà dọc trục đường
liên xã đã được Nhà nước nhựa hóa chưa phải đóng góp làm đường, ông vận động họ
ủng hộ tiền để hoàn tất đoạn đường trên. Cuối cùng từ sự chung sức của mọi người
trong thôn tuyến đường đó đã sớm hoàn thành.
Một điểm nhấn mà mỗi khi nhắc đến
sự “bứt phá” của thôn 8, đó là một trong những thôn toàn tòng giáo dân đầu tiên
của huyện Quỳnh Lưu nhân dân đóng góp kinh phí xây dựng Nhà văn hóa thôn khang
trang.
Để bà con đồng thuận đóng góp kinh
phí xây dựng Nhà văn hóa thôn không phải là điều dễ dàng, biết khó khăn lắm
nhưng mình “lỡ hứa” với xã rồi – ông Thăng chia sẻ và cũng vì để đáp ứng tiêu
chí xây dựng nông thôn mới và nhu cầu sinh hoạt văn hoá cộng đồng của người dân.
Với vai trò, trách nhiệm của mình, ông cùng với Ban công tác Mặt trận thôn tổ
chức 2 cuộc hội nghị toàn dân trong thôn để bàn bạc, thảo luận, lấy ý kiến số
đông, tạo sự đồng thuận của người dân trước khi tiến hành tổ chức thực hiện. Với
tinh thần nhiệt huyết, hết lòng vì công việc, ông lại đi đến từng hộ gia đình
đang còn tư tưởng băn khoăn chưa thông để trao đổi, họp các Tổ liên gia để vận
động. Với cách vận động “mềm mỏng” đến tận nơi, hiểu từng người và sự gương mẫu
trong mọi việc của người Trưởng thôn nên bà con trong thôn đã đồng thuận thực
hiện. Cuối năm 2017, nhà văn hóa thôn được khởi công, với tổng diện tích khuôn
viên 1.500m2.
Sau gần 5 tháng thi công, nhà văn hóa đã hoàn thành với
đầy đủ các hạng mục và các công trình phụ trợ khác. Tổng kinh phí xây dựng nhà
văn hoá trên 630 triệu đồng (trong đó, huyện hỗ trợ 150 triệu đồng; xã hỗ trợ
100 triệu đồng, còn lại là nhân dân đóng góp ủng hộ). Ngoài ra, thôn 8 cũng là
một trong 5 thôn toàn tòng giáo dân đầu tiên của huyện Quỳnh Lưu hưởng ứng
phong trào xây dựng tuyến đường cờ “Đại đoàn kết” do Ủy ban MTTQ huyện phát động
với chiều dài trên 600m để treo cờ Tổ quốc trong các dịp lễ, tết.
Nhờ vậy, thôn 8 (xã Quỳnh Yên) đã
thực sự chuyển mình, bộ mặt nông thôn đổi thay nhanh chóng, đó là 100% đường
làng, ngõ xóm được bê tông hóa khang trang, rộng rãi; tất cả các tuyến đường
trong thôn đều được lắp đặt hệ thống đèn điện cao áp chiếu sáng; kênh mương nội
đồng được mở rộng, bê tông hoá; 100% hộ dân sử dụng nước sạch; môi trường sống
nông thôn trong lành, xanh – sạch – đẹp. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã
hội được ổn định và giữ vững, các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể
thao của thôn phát triển một cách mạnh mẽ; góp phần để xã Quỳnh Yên về đích
Nông thôn mới vào cuối năm 2018. Trò chuyện với người dân nơi đây mới thấy sự
đoàn kết, đồng lòng của người dân mà không phải làng quê nào cũng có được.
Với những nỗ lực cố gắng không biết
mệt mỏi của mình vì phong trào chung, ông Phan Văn Thăng đã vinh dự nhận được
nhiều giấy khen của huyện Quỳnh Lưu. Đặc biệt, năm 2019 ông được UBND tỉnh
Nghệ An tặng Bằng khen về thành tích xuất sắc trong xây dựng NTM.
–>> Người “vác tù và hàng tổng” ở vùng giáo Quỳnh Lưu – Nghệ An: (Kỳ 1) Cán bộ Mặt trận tận tụy việc làng, tận lực vì dân