Tuyệt chủng thầm lặng

Tuyệt chủng thầm lặng

Nhiều loài sinh vật đang dần biến mất nhưng không có ai từng chứng kiến hoặc ghi chép về sự tồn tại của chúng.

Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến việc chúng ta ghi nhận đầy đủ mức độ đa dạng sinh học trên thế giới, cũng như hiểu rõ tác động của con người lên mạng lưới sự sống.

tm-img-alt
Ảnh: IFLScience.

Tuyệt chủng thầm lặng là gì?

Thuật ngữ “tuyệt chủng thầm lặng” hoặc “tuyệt chủng trong bóng tối” đề cập đến sự biến mất của các loài mà chúng ta thậm chí còn chưa biết đến. Nói cách khác, nó áp dụng cho các dạng sống bị tuyệt chủng trước khi người ta phát hiện ra chúng hoặc đưa chúng vào hệ thống phân loại sinh học.

Thông thường, thuật ngữ trên chỉ dành riêng cho những loài động vật, thực vật đã biến mất do hậu quả trực tiếp từ sự thay đổi môi trường sống do con người gây ra. Điều này nghĩa là những loài khủng long chưa được khám phá không nằm trong phạm vi khái niệm tuyệt chủng thầm lặng.

Nhưng hiện tượng tuyệt chủng thầm lặng không chỉ giới hạn ở thời hiện đại mà còn kéo dài từ thời tiền sử, khi tổ tiên của chúng ta bắt đầu xâm chiếm các lục địa trên thế giới và săn bắt một số loài động vật lớn đến mức tuyệt chủng trong 10.000 năm qua.

Một làn sóng tuyệt chủng lớn bắt đầu lan rộng trên toàn cầu từ khoảng thế kỷ 14, khi công nghệ hàng hải ở châu Âu phát triển giúp người phương Tây chiếm đóng các hòn đảo xa xôi, mang theo chuột, mèo và các loài động vật có vú ngoại lai khác làm biến mất nhiều động vật hoang dã của địa phương. Bởi vì điều này xảy ra trước khi các nhà khoa học bắt đầu mô tả và ghi chép có hệ thống các loài sinh vật [vào đầu thế kỷ 19], do đó nhiều loài đã tuyệt chủng trong thời kỳ này nhưng không được mô tả khoa học hoặc ghi lại trong bất kỳ danh mục nào.

Nhiều sinh vật đã biến mất mà không để lại dấu vết. Một số dạng sống khác để lại hóa thạch, và hóa thạch của chúng chỉ được phát hiện sau khi đã tuyệt chủng, hoặc vẫn còn nằm dưới lòng đất và chưa bị khai quật.

“Đối với nhiều loài, chúng ta phải dựa vào hóa thạch để nghiên cứu sự tuyệt chủng của chúng trong quá khứ. Tuy nhiên, không phải tất cả các loài đều dễ hình thành hóa thạch. Ví dụ, chim khó để lại hóa thạch hơn so với động vật có vú, và hầu hết các loài động vật không xương sống rất hiếm khi có trong hồ sơ hóa thạch”, Alexander Lees, nhà nghiên cứu tại Đại học Manchester Metropolitan (Anh), nhận định.

Chúng ta không thực sự biết rõ có bao nhiêu trường hợp tuyệt chủng thầm lặng đã xảy ra trong suốt lịch sử loài người, mặc dù các nhà khoa học đã đưa ra một vài phỏng đoán và những con số này có phần gây bất ngờ.

Có bao nhiêu loài đã tuyệt chủng?

Hiện nay, số liệu thống kê chính thức về các loài thực vật và động vật đã tuyệt chủng trong Sách đỏ của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) chỉ bao gồm 908 loài. Tuy nhiên, IUCN cũng thừa nhận con số trên là một “sự đánh giá thấp đáng kể” vì nó không tính đến các loài đã tuyệt chủng mà chúng ta chưa biết đến.

Do đó, giới khoa học đã cố gắng phát triển một số mô hình thống kê để tính toán số lượng các loài tuyệt chủng thầm lặng đi kèm với những trường hợp tuyệt chủng đã biết. Ví dụ, trong nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Communications vào tháng 12/2023, chuyên gia Rob Cooke tại Đại học Gothenburg (Thụy Điển) và cộng sự ước tính khoảng 1.430 loài chim có thể đã bị tiêu diệt do hoạt động của con người.

Trong một nghiên cứu khác đăng trên tạp chí Conservation Biologyvào tháng 3/2014, các nhà khoa học tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Quốc gia Pháp cho rằng ở một số nhóm sinh vật nhất định, có tới 60% các loài đã tuyệt chủng nhưng chưa bao giờ được con người phát hiện.

Theo nghiên cứu được công bố trên Kỷ yếu của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ (PNAS) vào tháng 6/2015, các nhà khoa học tại Đại học Pierre và Marie Curie (Pháp) kết luận chúng ta có thể đã mất tới 260.000 loài động vật không xương sống trong 500 năm qua, làm nổi bật sự thiếu sót trong Sách đỏ của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế trong việc thống kê các loài đã tuyệt chủng thầm lặng.

Tuy nhiên, tất cả những con số trên chỉ là ước tính sơ bộ và mang tính suy đoán, nghĩa là chúng ta không có số liệu hoàn toàn chính xác về các sinh vật đã biến mất khỏi Trái đất.

“Khi một loài tuyệt chủng, nó có thể kéo theo sự biến mất của các loài liên quan, sống cộng sinh hoặc ký sinh với loài đó”, Lees nhận định.

Để ngăn ngừa tuyệt chủng thầm lặng?

Tuyệt chủng là một phần tất yếu của quá trình chọn lọc tự nhiên. Các nhà khoa học cho rằng ngay cả khi không có sự can thiệp của con người, thế giới cũng sẽ mất đi khoảng 0,1 sinh vật trên một triệu loài mỗi năm. Nó được gọi là tỷ lệ tuyệt chủng nền.

Nhưng các ước tính hiện tại cho thấy thế giới đang mất đi các loài nhanh hơn hàng nghìn lần so với tỷ lệ tuyệt chủng nền, và chúng ta đang phải đối mặt với sự kiện tuyệt chủng hàng loạt thứ sáu trong lịch sử của Trái đất. Rõ ràng là chúng ta đang thất bại trong việc bảo vệ đa dạng sinh học của Trái đất, và chúng ta cần đầu tư nhiều hơn nữa vào các dự án bảo tồn môi trường sống nếu muốn ngăn chặn sự suy giảm này.

Ví dụ, khu rừng dọc theo bờ biển Đại Tây Dương củaBrazillà nơi phân bố nhiều nhất các loài động vật có xương sống bị đe dọa ở châu Mỹ và cũng là nơi Lees tập trung nghiên cứu. Khu rừng này từng bao phủ một diện tích rộng lớn (1,2 triệu km2), nhưng giờ đây bị thu hẹp thành những mảng rừng nhỏ, thường không đủ lớn để duy trì các quần thể loài một cách bền vững.

Xu hướng suy giảm đa dạng sinh học của khu rừng trở nên nghiêm trọng đến mức Lees tin rằng nhiều loài bị đe dọa khó có khả năng sống sót nếu không có các chương trình nhân giống và nuôi dưỡng trong điều kiện nuôi nhốt. Tuy nhiên, những nỗ lực đó cũng sẽ không có ý nghĩa nếu chúng ta không có kế hoạch khôi phục lại những mảng rừng đã bị phá hủy.

Nếu chúng ta có thể lập danh sách đầy đủ hơn về tất cả các loài sinh vật trên Trái đất thì khái niệm “tuyệt chủng thầm lặng” sẽ không còn cần thiết nữa. Dù không thể ngăn chặn sự biến mất của nhiều loài, nhưng nếu chúng ta có thể nhận diện và mô tả chúng thì ít nhất chúng ta sẽ nhận thức được những gì mình đang mất đi.

Tuy nhiên, đây là một nhiệm vụ không hề đơn giản. Các nhà khoa học ước tính có khoảng 8,7 triệu loài động vật trên Trái đất, và trong hơn hai thế kỷ phân loại, chúng ta mới chỉ mô tả khoảng 1,2 triệu loài trong số đó. Khoảng 86% các loài hiện có trên Trái đất và 91% các loài trong đại dương vẫn đang chờ được mô tả, theo National Geographic.

Rõ ràng, chúng ta cần tăng cường lập danh mục tất cả các loài trên Trái đất trước khi chúng tuyệt chủng. Nhưng mọi thứ dường như đang đi theo chiều hướng ngược lại, vì khoa học phân loại ngày càng có ít người đam mê và theo đuổi hơn.

“Phân loại các loài sinh vật là một công việc tốn rất nhiều thời gian và công sức, và lĩnh vực này cũng thiếu hụt nguồn kinh phí nghiêm trọng”, Lees cho biết. “Ngoài ra, công trình của các nhà nghiên cứu rất khó được đăng trên các tạp chí lớn như Nature hay Science, trừ khi họ mô tả một loài sinh vật rất đặc biệt, chẳng hạn như một loài khủng long mới”.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích