Ghi nhận ngày mùa Đông nóng kỷ lục tại Australia
Ghi nhận ngày mùa Đông nóng kỷ lục tại Australia
Theo Cục Khí tượng Australia, nước này đã ghi nhận nhiệt độ cao bất thường vào mùa Đông, trong đó riêng ngày 26/8 nhiệt độ đạt mức kỷ lục 41,6 độ C tại một phần bờ biển phía Tây Bắc của quốc gia châu Đại Dương này.
Cụ thể, mức nhiệt trên đo được tại một cơ sở huấn luyện quân sự ở Yampi Sound vào khoảng 15h37 phút chiều 26/8 theo giờ địa phương, “xô đổ” kỷ lục trước đó là 41,2 độ C được ghi nhận vào tháng 8/2020 tại West Roebuck gần đó.
Theo cơ quan trên, mức nhiệt như vậy là cao nhất từ trước đến nay trong tháng Tám đối với bất kỳ địa điểm nào của Australia, đồng thời cũng là kỷ lục mới về nhiệt độ trong mùa Đông ở nước này.
Mùa Đông ở Australia thường từ đầu tháng Sáu đến hết tháng Tám. Tuy nhiên, các nhà khoa học lưu ý mức nhiệt kỷ lục nói trên mới “được xác nhận tạm thời” và vẫn cần xác định thêm để đảm bảo con số này là kết quả đo đạc chính xác trước khi có thể ghi chép lưu trữ.
Khoảng 18% diện tích của Australia là sa mạc và nhiệt độ nóng bức là điều thường thấy quanh năm ở những khu vực xa vùng ôn đới.
Khí hậu của Australia chịu ảnh hưởng nhiều bởi ba kiểu khí hậu tuần hoàn: sự thay đổi nhiệt độ của Ấn Độ Dương; sự thay đổi trong vành đai gió di chuyển giữa Australia và Nam Cực được gọi là Chế độ vành đai Nam, và sự thay đổi trong các kiểu thời tiết Thái Bình Dương được biết đến với tên gọi El Nino và La Nina.
Sự kết hợp nhất định của ba điều kiện khí hậu này có thể gây ra tình trạng nóng, khô hoặc ẩm ướt bất thường ở các vùng khác nhau trên Australia.
Theo nghiên cứu của Tổ chức Nghiên cứu Công nghiệp và Khoa học Khối thịnh vượng chung của Australia (CSIRO), cả ba hiện tượng chính ảnh hưởng đến khí hậu của Australia đều được cho là chịu tác động bởi biến đổi khí hậu do con người gây ra.
Cục Khí tượng Australia tin rằng “sự kết hợp giữa các tác động khí hậu chính này với sự nóng lên toàn cầu” góp phần làm cho mùa đông năm 2023 trở thành mùa đông nóng nhất lịch sử nước này.
Các nhà khoa học về khí hậu dự báo năm 2024 sẽ là năm nóng nhất từng được ghi nhận đối với Trái Đất.
Cơ quan Giám sát biến đổi khí hậu Copernicus (C3S) của Liên minh châu Âu (EU) cho biết nhiệt độ toàn cầu trong 7 tháng năm nay đã cao hơn 0,7 độ C so với mức trung bình của giai đoạn từ năm 1991-2020.
Các nghiên cứu khoa học cảnh báo lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính gia tăng đang đẩy nhanh quá trình nóng lên toàn cầu.
Hải Đăng (T/h)
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị