Đảm bảo an ninh môi trường, an ninh nguồn nước: Nhận diện những nguy cơ, thách thức
Đảm bảo an ninh môi trường, an ninh nguồn nước: Nhận diện những nguy cơ, thách thức
Trong giai đoạn hiện nay, vấn đề an ninh môi trường và an ninh nguồn nước (ANMT&ANNN) được xem là những yếu tố quan trọng, cốt lõi.
Vấn đề này không chỉ tác động theo vùng, khu vực mà có những ảnh hưởng mang tầm quốc gia và quốc tế. Mất ANMT&ANNN không chỉ gây tổn thương sâu sắc đến tâm lý người dân mà còn tiềm ẩn những bất ổn xã hội…
Hoạt động sinh kế của người dân trên khu vực lòng hồ Hòa Bình đã xả một lượng đáng kể rác thải, gây tác động đến công tác đảm bảo môi trường nguồn nước.
Yếu tố cốt lõi đặc biệt quan trọng…
Theo đánh giá của PGS.TS Đỗ Khắc Hải, Trưởng Ban An ninh môi trường – Viện An ninh phi truyền thống: Nước là nguồn tài nguyên hết sức thiết yếu và có vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống, sản xuất và phát triển KT-XH; là yếu tố duy trì sự trong lành, bền vững của môi trường. Bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên nước chính là bảo vệ sức khỏe, nâng cao chất lượng đời sống xã hội. Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước có nhiều chủ trương, biện pháp nhằm tăng cường bảo vệ an ninh môi trường, quản lý và phát triển nguồn nước. Đặc biệt là trong giai đoạn kinh tế nước ta trong thời kỳ hội nhập, tăng trưởng nhanh chóng. Bởi lẽ, cùng với sự gia tăng về nhu cầu khai thác, sử dụng tài nguyên nước, kéo theo đó là tình trạng nguồn nước bị ỗ nhiễm, phát sinh từ hoạt động sản xuất và sinh hoạt xả vào nguồn nước càng nhiều, làm cho nhiều nguồn nước, sông, suối phải đối mặt với nguy cơ ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt.
Đối với tỉnh Hòa Bình, mặc dù là tỉnh miền núi nhưng có nguồn tài nguyên nước tương đối phong phú, đa dạng. Là đầu nguồn của một số nguồn nước liên tỉnh như sông Đà, sông Mã, sông Bưởi, sông Bôi, sông Bùi, sông Lạng thuộc lưu vực sông Nhuệ – sông Đáy cùng hàng nghìn con suối, hồ, đập. Trong đó, lưu vực sông Đà chảy qua địa phận tỉnh Hòa Bình có chiều dài 151km, bắt đầu từ xã Nánh Nghê (Đà Bắc) đến hết địa phận xã Thịnh Minh (TP Hòa Bình). Nguồn nước sông Đà ngoài sử dụng phục vụ phát điện cho Nhà máy thuỷ điện Hòa Bình còn có nhiệm vụ cung cấp, điều tiết nước tưới tiêu vùng hạ du; cung cấp nước sinh hoạt cho khoảng 50 nghìn hộ dân trên địa bàn thành phố Hòa Bình và khoảng trên 1 triệu hộ dân khu vực phía Tây Thủ đô Hà Nội. Đối với lưu vực sông Bôi, sông Bùi, sông Lạng thuộc hệ thống sông Nhuệ – sông Đáy cấp nước sinh hoạt cho hàng chục nghìn hộ dân và đảm bảo nguồn nước sản xuất cho hàng trăm nghìn ha đất nông nghiệp ở các huyện: Lương Sơn, Kim Bôi, Yên Thủy, Lạc Thủy…
… Dễ bị tổn thương do tác động xã hội
Theo Thượng tá Nguyễn Văn Hải, Phó trưởng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, chức vụ và môi trường – Công an tỉnh, trong thời gian qua, với chính sách thu hút đầu tư, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều dự án, cơ sở sản xuất – kinh doanh (SX-KD), các khu, cụm công nghiệp (CCN) được hình thành, phát triển đi vào hoạt động đã góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH địa phương. Tuy nhiên, kéo theo đó là hậu quả ô nhiễm môi trường (ÔNMT), ô nhiễm tài nguyên nước tiềm ẩn nhiều phức tạp, đáng lo ngại. Điển hình như lưu vực sông Bôi, sông Bùi, sông Lạng thuộc hệ thống sông Nhuệ – sông Đáy trên địa bàn tỉnh hiện có 5 khu, CCN gồm: khu công nghiệp (KCN) Lương Sơn, KCN Nam Lương Sơn, KCN Nhuận Trạch (Lương Sơn), KCN Lạc Thịnh (Yên Thủy), KCN Thanh Hà (Lạc Thủy). Các KCN này đã được đầu tư hệ thống thu gom, xử lý nước thải đảm bảo yêu cầu. Tuy nhiên, tại các CCN trên địa bàn tỉnh nằm trên lưu vực các con sông thu hút dự án đầu tư SX-KD đều chưa có hệ thống xử lý môi trường tập trung.
Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh có 39 sông, suối lớn nhỏ với chiều dài từ 10 km trở lên thuộc lưu vực của 3 hệ thống sông lớn gồm sông Đà, sông Mã và sông Đáy; tổng lưu lượng dòng chảy bình quân hàng năm vào khoảng 5 tỷ m3 nước. Ngoài việc khai thác lượng nước mặt để phục vụ sản xuất, hàng năm, hệ thống sông, suối cung cấp cho người dân khoảng 23 triệu m3 phục vụ sinh hoạt. Tuy vậy, vấn đề đảm bảo an ninh nguồn nước (ANNN) cũng có nhiều nguy cơ, tác động, ảnh hưởng tiêu cực từ sự phát triển KT-XH và ý thức trách nhiệm trong bảo vệ nguồn nước của một bộ phận người dân còn chưa cao. Đáng nói, việc tăng diện tích trồng trọt, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật không được kiểm soát chặt chẽ đã gây ra những ảnh hưởng, tác động không nhỏ đến môi trường và ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước.
Trước sức ép về phát triển kinh tế, cạnh tranh thị trường dẫn đến cắt giảm chi phí đầu tư, xây dựng, chi phí SX-KD… đã có không ít doanh nghiệp, cơ sở SX-KD lợi dụng chính sách thu hút đầu tư, sơ hở của pháp luật và sự thiếu kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước đã xả nước thải chưa qua xử lý hoặc không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật về môi trường ra hệ thống sông, suối… gây nguy cơ ÔNMT, ảnh hưởng đến hệ sinh thái nguồn nước. Theo Thượng tá Nguyễn Văn Hải, bên cạnh hành vi xả chất thải, nước thải gây ÔNMT thì việc khai thác, sử dụng nguồn nước không hợp lý của người dân, không được quản lý chặt chẽ, không có quy hoạch phù hợp của các cơ quan quản lý nhà nước đã dẫn đến nguồn nước ngầm có nguy cơ cạn kiệt. Nhất là hiện nay ở một số khu vực nông thôn, người dân tự ý đào, sử dụng giếng khoan và một số cơ sở, doanh nghiệp sử dụng nước ngầm không được cơ quan quản lý cấp phép… cũng là một trong những nguyên nhân tiềm ẩn dẫn đến mất ANNN trên địa bàn tỉnh.
Nhận diện nguy cơ, thách thức
Theo Trung tướng, GS.TS Nguyễn Xuân Yêm, Viện trưởng Viện An ninh phi truyền thống trao đổi tại Hội thảo “Tham vấn về xây dựng các phương án phòng ngừa, ứng phó, bảo đảm ANNN” do Công an tỉnh phối hợp Viện An ninh phi truyền thống, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức vào ngày 01/8/2024 thì nguy cơ, thách thức trong đảm bảo ANMT&ANNN trên địa bàn tỉnh Hòa Bình hiện nay đến và gia tăng từ nhiều yếu tố, có cả yếu tố chủ quan và yếu tố khách quan. Trong đó, yếu tố chủ quan do tác động xã hội, con người được xem là một trong những thách thức, mối đe dọa chính. Trong đó, nguy cơ, thách thức tiềm ẩn và hiện hữu đó là mâu thuẫn, xung đột giữa các đối tượng khai thác, sử dụng tài nguyên nước. Ví như mâu thuẫn giữa các ngành, lĩnh vực thủy lợi và thủy điện về nhu cầu nguồn nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất với mục tiêu phát điện; xung đột giữa các nhà máy thuỷ điện với lĩnh vực du lịch về nhu cầu tích nước để phát điện với nhu cầu duy trì nguồn nước để bảo tồn, phát huy giá trị các điểm văn hóa, du lịch, danh lam thắng cảnh gắn liền với nước… Cùng với đó là sự phát triển KT-XH kéo theo nhu cầu khai thác, sử dụng tài nguyên nước làm gia tăng áp lực đối với việc đảm bảo ANNN, như các hoạt động chế biến nông sản, sự dịch chuyển các cơ sở chăn nuôi hoặc quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, biến đổi khí hậu làm thay đổi dòng chảy, ảnh hưởng lớn đến lưu lượng và khả năng tự làm sạch của nguồn nước…
Xuất phát từ thực tế đó, theo các chuyên gia, các nhà khoa học, để hạn chế, phòng ngừa những nguy cơ dẫn đến mất ANMT&ANNN trên địa bàn tỉnh cần phải có các giải pháp căn cơ, cơ chế, chính sách phù hợp, mang tính bền vững trong bảo vệ môi trường, bảo đảm ANNN. Trong đó, theo PGS.TS Đỗ Khắc Hải, Trưởng Ban An ninh môi trường – Viện An ninh phi truyền thống, trước tiên cần tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các tổ chức, cá nhân có liên quan về đảm bảo ANMT&ANNN. Tỉnh chủ động nghiên cứu các thể chế, chính sách về bảo đảm ANNN, từ đó kiến nghị các bộ, ngành, Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp; tập trung nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước về bảo đảm ANMT&ANNN; nghiên cứu, sắp xếp, cơ cấu lại các ngành có nguy cơ gây mất ANNN; nâng cao năng lực phòng chống thiên tai liên quan đến nước và biến đổi khí hậu; tăng cường nghiên cứu, đánh giá tác động của các hoạt động phát triển KT-XH có tác động đến việc đảm bảo ANNN; tăng cường bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn sinh thủy, phát triển rừng, phòng chống ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước…
Theo thống kê, tính từ năm 2017 đến tháng 6/2024, lực lượng chức năng tỉnh Hoà Bình đã kiểm tra, phát hiện và đấu tranh xử lý 1.314 tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường, xả thải không qua xử lý hoặc xử lý không đảm bảo quy chuẩn thải ra hệ thống sông, suối, kênh, hồ ao… gây ô nhiễm nguồn nước. Xử phạt và đề xuất ra quyết định xử phạt tổng số tiền trên 13 tỷ đồng, truy thu nộp ngân sách nhà nước trên 9 tỷ đồng. Trong đó, riêng 6 tháng đầu năm 2024 đã phát hiện, đấu tranh 32 vụ, xử phạt 817,2 triệu đồng.
An ninh môi trường và an ninh nguồn nước là yếu tố cốt lõi, đặc biệt quan trọng
PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn (Phó Viện trưởng Viện An ninh phi truyền thống)
Trong giai đoạn hiện nay cũng như thời gian tới, vấn đề an ninh môi trường và an ninh nguồn nước được xác định là một yếu tố cốt lõi, đặc biệt quan trọng đối với sự ổn định, phát triển bền vững của xã hội.
Yếu tố này không chỉ tác động, ảnh hưởng đến một khu vực, một vùng mà còn mang tầm ảnh hưởng ở cấp độ quốc gia, thậm chí còn là yếu tố tác động đến các mối quan hệ quốc tế, ảnh hưởng đến lợi ích của các quốc gia có mối liên quan, nằm trong những lưu vực sông, nguồn nước chảy qua địa phận nhiều quốc gia.
Do vậy, vấn đề đảm bảo an ninh môi trường và an ninh nguồn nước đang là một trong những vấn đề cấp thiết, quan trọng cần được quan tâm từ cấp độ mỗi người dân, doanh nghiệp, chính quyền cơ sở, xã, phường, thị trấn cho đến cấp huyện, cấp tỉnh và Chính phủ. Bởi lẽ mất an ninh môi trường và an ninh nguồn nước không chỉ làm tổn thương sâu sắc đến tâm lý người dân mà nó còn tiềm ẩn, gây ra những bất ổn xã hội…
Cần nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật
Thượng tá Nguyễn Tiến Đạt (Phó trưởng Phòng An ninh kinh tế – Công an tỉnh)
Để đảm bảo an ninh môi trường và an ninh nguồn nước trong mọi tình huống, các cấp ủy Đảng, chính quyền cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm cho từng người dân, mỗi cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp. Đặc biệt là nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu đến toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Đồng thời với đó, cần phải dựa trên hệ thống pháp luật để có cơ chế, chính sách từ Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương để triển khai xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp với tỉnh liên quan đến các vấn đề về đảm bảo an ninh môi trường và an ninh nguồn nước bảo đảm đồng bộ, khả thi…
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị