Bài 3: Từ Sài Gòn Xanh, Hà Nội xanh và những tiếng nói cất lên cho công trình ô nhiễm
(Xây dựng) – Những hội nhóm yêu môi trường như Sài Gòn Xanh, Hà Nội xanh bên cạnh việc đưa lại màu xanh cho những công trình ô nhiễm tại các thành phố lớn cũng đã góp phần tác động không nhỏ tới việc thay đổi ý thức, hành động của nhiều người dân sinh sống xung quanh các công trình ô nhiễm.
Không chỉ các tình nguyện viên trong nước, nhiều du khách nước ngoài với tình yêu môi trường dành cho Việt Nam đã cùng Sài Gòn Xanh lội bùn thu gom rác. |
Để công trình xanh – không chỉ xanh môi trường mà còn “xanh ý thức”
Mặc dù đã tác động tích cực và thay đổi nhận thức của phần lớn nhiều người trong việc bảo vệ môi trường và các công trình, tuy nhiên, không ít lần Sài Gòn Xanh và Hà Nội Xanh vẫn phải quay lại dọn dẹp nhiều địa điểm không chỉ một, hai lần vì lượng rác thải sau đó vẫn được xả ra rất nhiều.
Anh Nguyễn Tiến Huy, Trưởng nhóm CLB Hà Nội Xanh cho biết trong thời gian tới, nhóm sẽ tiếp tục tổ chức các buổi dọn rác tại các “điểm đen” ô nhiễm của Thủ đô và triển khai các phao chắn rác để việc thu gom rác trở nên dễ dàng hơn. Tuy nhiên, theo anh Nguyễn Tiến Huy nhận định, việc dọn rác chỉ có thể giải quyết được phần “ngọn”, điều quan trọng vẫn phải nâng cao được nhận thức, suy nghĩ và ý thức của mọi người, đặc biệt là những người dân sinh sống xung quanh các công trình “điểm đen”, qua đó mới có thể thật sự khiến cho công trình xanh bền vững, bảo vệ được môi trường tối ưu và hiệu quả nhất.
Một công trình lắp đặt máy thu gom rác tự động do CLB Sài Gòn Xanh thực hiện. |
Tuy nhiên, để thực hiện được điều đó là điều không hề dễ dàng vì việc xả rác bừa bãi ra các công trình kênh, rạch, sông ngòi đang trở thành thói quen, lối mòn của nhiều người. Chính vì vậy, bên cạnh việc vẫn thường xuyên triển khai dọn rác đều đặn tại các công trình, sắp tới Hà Nội Xanh vẫn sẽ tiếp tục công tác tuyên truyền, vận động người dân về việc xử lý, cách phân loại rác thải để giúp công việc xử lý trở nên dễ dàng hơn. Rác thải khi được tái chế và tiêu hủy đúng cách sẽ giúp bảo vệ môi trường và nguồn tài nguyên của Việt Nam. Bên cạnh đó, nhóm sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chính quyền địa phương nơi dọn dẹp rác thải để tuyên truyền nâng cao ý thức người dân hơn, các hoạt động tuyên truyền sẽ bắt đầu từ những điều nhỏ nhặt và ý nghĩa như tặng các vật dụng thiết thực, hữu ích như túi vải đi chợ.
Đối với Sài Gòn Xanh, CLB với “sứ mệnh” bảo vệ môi trường không ngừng nghỉ, anh Nguyễn Lương Ngọc, Trưởng nhóm Sài Gòn Xanh nhận định việc xây dựng các công trình dự án bảo vệ môi trường là trách nhiệm lớn lao. Chính vì vậy, ngoài việc dọn rác đều đặn hàng tuần tại các công trình, sắp tới, từ sự thành công của công trình xanh “Phao chắn rác”, nhóm đang tiếp tục triển khai và đưa vào thử nghiệm dự án “Máy thu gom rác tự động” tại các địa điểm thu gom mới. Máy thu gom với nhiệm vụ thu gom rác nhanh, hiệu quả sẽ tạo được sự an toàn sức khỏe cho các bạn tình nguyện viên hơn. Trong tương lai, Sài Gòn Xanh cũng cho biết sẽ tiếp tục phát triển dự án cũng như xây dựng các dự án mới khác để vững bước trên “hành trình xanh” này. Bên cạnh đó, câu lạc bộ cũng chú trọng tuyên truyền cho người dân xung quanh, kết hợp với địa phương, chính quyền cho mọi người hiểu thêm ý thức bảo vệ môi trường, bảo vệ các công trình luôn xanh, sạch, đẹp.
Nỗ lực “thay áo xanh” cho công trình vẫn cần sự chung tay
Nếu như thời gian đầu, những hoạt động của Hà Nội Xanh, Sài Gòn Xanh như “muối đổ bể” khi các con kênh rạch vẫn quay lại hiện trạng ô nhiễm sau một thời gian được dọn dẹp, thì thời gian sau này, những công trình được nhóm dọn dẹp không chỉ xanh mà còn sạch hơn trước đó. Như vậy, những việc làm của Hà Nội Xanh, Sài Gòn Xanh đã mang lại những dấu hiệu tích cực trong ý thức bảo vệ và gìn giữ môi trường của người dân.
Sài Gòn Xanh phối hợp cùng các đơn vị tổ chức chương trình phát túi tái chế trên các chợ ở địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh và tuyên truyền về bảo vệ môi trường. |
Theo anh Nguyễn Lương Ngọc, Trưởng nhóm Sài Gòn Xanh, hoạt động dọn rác nếu không sử dụng truyền thông thì không khác gì là một công nhân dọn dẹp vệ sinh. Chính vì vậy, việc sử dụng các nền tảng mạng xã hội để tiếp cận đa đối tượng trong thời gian ngắn, đặc biệt là giới trẻ, những người mang giá trị tích cực tới cộng đồng cũng là điều rất quan trọng trong hành trình tìm lại màu xanh cho môi trường và các công trình rơi vào tình trạng ô nhiễm.
Xuất phát từ sự nhiệt huyết, khát khao bảo vệ môi trường của những người trẻ, những CLB yêu môi trường như: Hà Nội Xanh, Sài Gòn Xanh đã dùng những hành động thiết thực nhất để lan tỏa ý thức bảo vệ môi trường sống đến mọi thế hệ. Hà Nội Xanh, Sài Gòn Xanh đã mang lại những giá trị tích cực cho cộng đồng, góp phần không nhỏ vào việc làm xanh, sạch hơn những kênh rạch, công trình bị ô nhiễm, nâng cao ý thức cho người dân. Đặc biệt, Hà Nội Xanh, Sài Gòn Xanh còn nỗ lực thay đổi nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng của việc bảo vệ các công trình, môi trường sống xung quanh. Nhưng, để những công trình “đen” thoát xác thành màu “xanh” thực sự, vẫn cần sự chung tay của nhiều tầng lớp, thế hệ trong việc nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, các công trình chung, không chỉ xanh môi trường mà còn cần phủ xanh ý thức.
Nguồn: Báo xây dựng