GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính: Kiến trúc nông thôn đang tự phát
GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính: Kiến trúc nông thôn đang tự phát
“Kiến trúc nông thôn hiện nay là một nền kiến trúc hầu như tự phát, ít được hướng dẫn về cả mặt quy hoạch kiến trúc lẫn thẩm mỹ. Nông thôn giàu lên, về phương diện nào đó tiến sát đô thị song kiến trúc lại đang thiếu định hướng.
Có thể nói, kiến trúc tổ ấm của hàng triệu nông dân đang bị các nhà hoạch định chính sách cùng các nhà kiến trúc bỏ rơi”. GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính mở đầu cuộc chuyện trò bằng một lời sẻ chia trĩu nặng tâm tư.
Làng Việt ngàn năm đang tan biến theo lẽ tự nhiên
PV:Nếu được đề nghị tái hiện bức tranh toàn cảnh về kiến trúc nông thôn hiện nay, ông sẽ lựa chọn những nét phác thảo ban đầu thế nào?
GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính: – Hiện đang thịnh hành ba cách nhìn về sự phát triển của kiến trúc nông thôn. Nông thôn đô thị hóa nhanh, với sự áp đảo của các hình thức kiến trúc dạng đô thị, sự bê-tông hóa – nhựa đường hóa và phố hóa những con đường làng, sự phổ cập các tiện nghi đô thị và đặc biệt là sự gia tăng mật độ xây cất cùng độ cao nhà cửa mang hình thái đô thị. Một cách nhìn khác: kiến trúc nông thôn nhại lại kiến trúc thành thị, với nhà ống – nhà chia lô, dạng cái hộp và những “tô điểm” rập khuôn theo hình mẫu cũ kỹ từ thành phố. Cũng xuất hiện cách nhìn bi quan về sự biến đổi hình ảnh thôn quê truyền thống, sự tan vỡ không gian làng quê, cái nhìn nặng về hoài cổ.
Đó là những cái nhìn phản ánh hiện trạng, nhiều bức xúc và lắm vấn đề, có lẽ thuộc những người quan sát từ xa, thiếu sự phân tích khách quan. Song nông thôn, kiến trúc thôn làng biến đổi gốc rễ trong dòng cuốn của hiện đại hóa đòi hỏi những góc nhìn khác, giải phẫu từ trong ra ngoài và ngược lại, đặt dĩ vãng và hiện tại trong mối quan hệ ràng buộc chi phối để giải những bài toán tổ hợp. Tất cả, thiên nhiên, cảnh quan, đô thị, làng quê đều biến đổi theo nhẽ tự nhiên, không thể khư khư níu giữ lại làng quê xưa cũ, chỉ có một con đường thôi, đó là hiện đại hóa. Song, phải hiện đại hóa thế nào?
PV:Ông từng nói, “phát triển kiến trúc nông thôn trong dòng chảy hiện đại hóa đang bộc lộ nhiều mâu thuẫn và thách thức”. Những mâu thuẫn và thách thức ấy cụ thể là gì, thưa ông?
– Một hiện tượng có bản chất bước ngoặt là thể chế cộng cư nông thôn, vốn “tĩnh và khép” nay đã trở nên “động và mở”. Tương tự như đô thị, nhưng đương nhiên chậm hơn. Có thể dẫn ra những biểu hiện của xu thế này: sơ đồ cấu trúc công năng và không gian thôn làng, vốn khép và chặt đã tan vỡ, bung ra mà hầu như ít chịu sự kiềm chế. Cơ thể kiến trúc tan vỡ về phương diện hình thái học, bộc lộ sự bất định hình của khung cảnh kiến trúc.
Trong sự biến động cội rễ và đảo lộn diễn ra từ nửa sau thế kỷ XX, khung cảnh và kiến trúc làng quê biến đổi hẳn, ở khía cạnh nào đó thậm chí không thua kém gì đô thị. Song ta không thể không nhận ra những xộc xệch, biến dạng của cơ thể xóm làng đang là nguy cơ dẫn tới sự mất cân bằng, thậm chí sự suy thoái nào đó đi kèm sự phát triển. Những ngôi nhà dạng đô thị được xây dựng bằng vật liệu bền vững, với không gian cùng tiện nghi khép kín kèm một số thiết bị sinh hoạt hiện đại. Những khuôn viên nhà gia đình buộc phải chia nhỏ đất cho con cái ra ở riêng nên cấu trúc nhà – vườn – ao – chuồng bị xóa bỏ. Những ngôi làng biến dạng vì xây dựng xen lèn, bị cơi nới ra các phía, ruộng đất chung quanh bị chiếm dụng, ao ngòi bị lấp, giảm thiểu không gian xanh. Những khuôn viên biến thành nhà chia lô, “hộp hóa”, “công-ten-nơ hóa”…
Xã hội đang thay đổi tận gốc rễ. Cái làng cùng phương thức sản xuất ngày xưa không còn phù hợp. Làng Việt ngàn năm đứng trước nguy cơ tan biến. Mâu thuẫn sâu xa hơn cả là sự giới hạn của diện tích đất sở hữu và nhu cầu phát triển, giữa sự chật hẹp mảnh đất gia đình với sự nhân lên gấp bội con cháu, giữa quỹ kiến trúc vật chất cũ và đòi hỏi phát triển tất yếu… Còn thách thức, hễ không được lường trước sẽ ngày càng tăng. Như sự xuống cấp của môi trường sống cùng với quá trình nâng cao tiện nghi sống của từng hộ gia đình, thách thức của nhịp sống hiện đại hóa ùa tràn hỗn độn vào thôn quê nơi sự yên tĩnh vốn là tài nguyên. Rồi công cuộc xây cất thiếu sự dè sẻn đang xóa bỏ dần những khuôn viên gia đình – nhân tố tạo nên hệ sinh thái làng vi mô và vĩ mô. Hay mật độ xây dựng cao biến thôn làng thành những “tổ người” chen chúc…
“Có thể nói, sự mở mang về phương diện kiến trúc và xây dựng làng quê hiện nay mang tính chất tự phát.”
Vai trò của những công cụ chỉ đạo như kế hoạch, quy hoạch và hướng dẫn chuyên môn xem ra khá mờ nhạt. Không ngấm và thấm vào nông thôn.
Chúng ta có cả một Bộ trông nom phát triển nông thôn, có cả một Viện quốc gia chuyên lo quy hoạch xây dựng nông thôn. Có nhiều chủ trương, văn bản chỉ đạo và hướng dẫn xây dựng nông thôn. Thậm chí có rất nhiều cuộc thi vẽ mẫu nhà cho nông thôn. Thế nhưng nông dân vẫn cứ ra tỉnh, vay mượn các kiểu nhà rồi tùy tiện và tùy sức xây dựng những ngôi nhà nửa tỉnh nửa quê, nửa cổ nửa kim vừa không đẹp vừa ít tiện dụng, từ bỏ những giá trị kiến trúc truyền thống, chẳng đoái hoài gì tới tương hợp, hòa quyện với cảnh quan thiên nhiên chung quanh.
Nông thị – Mô hình kiến trúc nông thôn phù hợp và khả thi
PV:Đúng là nhìn vào quá trình phát triển đậm tính tự phát ấy, rất khó để nhận ra vai trò của người làm chính sách, giới quy hoạch hay kiến trúc sư trong khâu định hướng, tư vấn chuyên môn. Vậy cần phải làm gì để thay đổi thực trạng đáng buồn ấy, thưa ông?
– Tôi nghĩ đã đến lúc các cơ quan quản lý Nhà nước, các nhà khoa học hay kiến trúc sư cần quay mặt về với nông thôn và nông dân, cần làm gì đó để 65% – 75% dân số đang sinh sống ở những miền quê có được những cái nhà, cái làng đẹp đẽ và văn minh. Và làm gì đó để có sự chuyển đổi êm ái, ít gây xáo trộn và hợp lý về kiến trúc trong quá trình hiện đại hóa và đô thị hóa nông thôn. Sự thờ ơ của những người làm nghề khiến tôi đặt ra câu hỏi, tại sao họ không coi nông thôn – nông dân là những người chủ hợp đồng thiết kế, tại sao không nghĩ đó là nhiệm vụ xã hội của mỗi người làm kiến trúc – quy hoạch thay vì chỉ của chính quyền, của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn?
Nỗ lực hiện thực hóa mọi chủ trương xã hội, mọi ý tưởng quy hoạch và kiến trúc ở nông thôn chỉ đạt được hiệu quả khi người nông dân được thuyết phục, có lòng tin và tự nguyện bắt tay vào thực hiện. Họ vốn thiên về những gì tai nghe, mắt thấy nên nhà quản lý cùng giới chuyên môn cần tạo ra những mô hình theo sát hoàn toàn với thực tế từng vùng miền, đưa đến những giải pháp vừa đúng vừa hay lại dễ bắt chước. Sự bắt chước bởi một vài làng quê, một vài nông dân sẽ có sức lan toả hơn bất cứ một quyển sách, cuốn phim nào. Quy hoạch nên chăng mang tính định hướng, mô hình xây dựng dựa trên cơ sở những tiêu chí cơ bản. Không duy ý chí, không áp đặt và cũng không cứng nhắc. Điều tiết và hướng dẫn sẽ là những cách thức hiệu quả, để công cuộc phát triển nông thôn và kiến trúc nông thôn diễn ra đúng hướng.
PV:Từ góc nhìn của một chuyên gia đầu ngành, ông có thể gợi mở một mô hình kiến trúc nông thôn hội đủ các tiêu chí “vừa đúng, vừa hay, vừa dễ bắt chước” đã liệt kê ở trên?
– Tôi đã từng đề xuất một mô hình cộng cư nông thôn thời hiện đại mà tôi gọi là nông thị hoặc nông trấn (agritown), kết hợp trong mình các hoạt động sản xuất nông nghiệp, thủ công và công nghiệp nhỏ, dịch vụ, văn hóa và giáo dục… Nông thị được cấu trúc bởi các khu nhà thấp tầng có khuôn viên đủ rộng để tăng gia và thư giãn; những đường phố rộng vừa phải dành cho các cơ sở thương mại, dịch vụ và giải trí; các khu đất dành cho văn hóa, thể thao, trường học… Làm nền cho tất cả và chiếm dụng đất nhiều hơn cả là không gian xanh và mặt nước. Chính thành tố này sẽ làm cho nông thị khác biệt với đô thị.
Muốn thiết lập mô hình nông thị, nông trấn, ta dứt khoát phải chọn định hướng duy nhất khả thi, đó là thực hiện phát triển tiếp nối, lấy cải tạo làm tổng giải pháp can thiệp. Đó là cách cấy ghép những mô hình trung hòa trong xu hướng phát triển hiện đại mà không tạo ra những ứ tồn của thời đại mới. Agritown, trong hình dung của tôi là một không gian sống kế thừa mô hình làng truyền thống nhưng có yếu tố tiện nghi cùng chất lượng sống đô thị, nơi chấp nhận xu hướng hiện đại hóa nhưng vẫn bảo lưu được những giá trị xưa cũ. Nếu được triển khai, tôi nghĩ đó sẽ là mô hình kiến trúc nông thôn phù hợp và khả thi với tình hình thực tế nước ta. Đó là giải pháp vĩ mô nhằm cân bằng lại đô thị và thiên nhiên, khi nông thị đóng vai trò trung chuyển. Tôi cứ ước mơ, những nông thị đó nay mai sẽ là những cái ắc-quy xã hội và sinh thái, nơi sự thư thả của cuộc sống con người sẽ thu và nạp bền lâu.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị