Cải tạo chung cư cũ theo hướng bảo tồn
Cải tạo chung cư cũ theo hướng bảo tồn
Hơn 20 năm qua, Thành phố Hà Nội đã có nhiều giải pháp nhằm khắc phục nhược điểm của các chung cư cũ.
Hầu hết các giải pháp đều nhằm đến việc kiên cố hóa, mở rộng quy mô xây dựng, gia tăng quy mô dân số và phức hợp hóa công trình với hệ thống dịch vụ, văn phòng… Chưa có giải pháp nào bàn đến việc cải tạo chung cư cũ theo hướng bảo tồn một di sản kiến trúc đô thị.
1. Với nhiều người Hà Nội, những khu chung cư – khu tập thể cũ ở Thủ đô được coi là mô hình kiến trúc được học tập từ Liên Xô cũ. Ít người biết rằng lịch sử ra đời của nó lại bắt nguồn từ các nước phương Tây. Các kiến trúc sư Liên Xô đã tiếp thu lý thuyết hệ thống “Domino” (1914) của kiến trúc sư Le Corbusier và “đơn vị ở láng giềng” của Clarence Perry (1923) để phát triển nên mô hình “tiểu khu nhà ở”, nhằm quy hoạch các khu chung cư lắp ghép kiểu modul hóa, sản xuất hàng loạt.
Mô hình quy hoạch kết hợp với công cuộc công nghiệp hóa ngành Xây dựng đã góp phần tạo nên thành tựu phát triển đô thị, theo hình thức kinh tế kế hoạch hóa tại Liên Xô cũ. Mô hình này không chỉ giải quyết vấn đề khủng hoảng nhà ở sau chiến tranh mà còn là “chìa khóa” thúc đẩy làn sóng đô thị hóa mạnh mẽ sau này. Nhiều nước xã hội chủ nghĩa, trong đó có Việt Nam, đã học tập, tiếp thu, vận dụng hình thức kiến trúc này vào hoàn cảnh thực tiễn của đất nước. Hà Nội chính là nơi tiếp dẫn thành công phong cách kiến trúc chung cư nhằm giải quyết vấn đề nhà ở trên quy mô lớn trong thời kỳ khó khăn.
Từ những thử nghiệm ban đầu tại Nguyễn Công Trứ, Kim Liên, các khu chung cư theo mô hình quy hoạch tiểu khu nhà ở tại Hà Nội được phát triển qua ba thế hệ, với sự tiến bộ từng bước về công nghệ xây dựng và tiêu chuẩn. Cho dù có nhiều hạn chế nhưng không thể phủ nhận những thành công của mô hình này. Bởi nó đã giải quyết được một phần đáng kể vấn đề nhà ở cho người dân Hà Nội trong một thời điểm nhất định.
2. Tính đến trước thời kỳ Đổi mới, trong vòng 3 thập niên Hà Nội đã xây dựng tổng cộng 1.579 nhà chung cư, bao gồm 1.273 nhà thuộc 76 khu chung cư và 306 chung cư độc lập. Một con số không hề nhỏ trong bối cảnh chiến tranh, cấm vận, nguồn vốn và tiềm lực rất hạn chế. Trong ký ức của những cán bộ, công nhân lao động Thủ đô, có được một căn hộ tập thể lúc đó là một niềm hạnh phúc. Đồng thời, năng lực đội ngũ kiến trúc sư, kỹ sư, công nhân và đằng sau đó là cả một nền công nghiệp xây dựng dân dụng đã trưởng thành mạnh mẽ cùng với sự phát triển, lan tỏa của các khu chung cư ở Hà Nội trong suốt 3 thập niên.
Cuộc sống thời gian khó trong các khu chung cư cũ, với mỗi người dân, giờ đây trở thành câu chuyện không bao giờ quên. Những tòa nhà ấy đã trở thành “chìa khóa” để mở lại ký ức lịch sử cận đại của Thủ đô, cho dù hình ảnh của chúng đã xấu xí đi so với ban đầu do bị biến dạng, xuống cấp.
Để đánh giá sự xuống cấp của các nhà chung cư cũ, Sở Xây dựng đã thực hiện khảo sát sơ bộ nhằm phân loại tình trạng kỹ thuật, theo 3 mức, làm cơ sở để tổ chức kiểm định chi tiết cho 401/1.579 công trình. Kết quả cho thấy trong các chung cư cũ trên địa bàn thành phố đến nay có 15 nhà nguy hiểm cấp D, trong đó có 9 nhà đã được cải tạo, xây dựng lại và đưa vào sử dụng; 6 nhà còn lại đang được UBND quận tổ chức di dời, chưa cải tạo, gồm 5 nhà trên địa bàn quận Ba Đình (nhà C8 Giảng Võ; G6A Thành Công; nhà A Ngọc Khánh; nhà 148 – 150 Sơn Tây; Tập thể Bộ Tư pháp) và một nhà trên địa bàn quận Đống Đa (nhà 51 Huỳnh Thúc Kháng). Có thể thấy việc cải tạo, xây dựng lại các chung cư nguy hiểm còn khá chậm.
Cuối những năm 1990, một cấu trúc mới được ghép thêm ở phía sau chung cư cũ ở Trung Tự nhằm mở rộng diện tích cho các căn hộ ở cả 5 tầng. Đầu những năm 2000, những nhà chung cư mới B4, B7, B10, B14 mọc lên trên đường Phạm Ngọc Thạch, ở nơi vốn là những khoảng sân trống của khu Kim Liên. Với mô hình này, chính quyền dự định sử dụng để di dời các hộ dân để tiếp tục xây dựng lại các chung cư cũ theo hình thức cuốn chiếu bằng nguồn kinh phí thu lại từ việc bán các căn hộ ở tòa nhà mới. Gần đây, rải rác các chung cư cũ D2, C7, B6 trong khu Giảng Võ hay C1 trong khu Thành Công cũng được thực hiện theo mô hình đầu tư tương tự nhưng theo hình thức xây dựng mới sau khi phá bỏ nhà cũ với quy mô lớn hơn.
3. Ở nước Nga ngày nay, nhiều giá trị của chế độ xã hội chủ nghĩa đã và đang được nhìn nhận lại như những di sản quý cần được bảo tồn. Trong đó, mô hình khu chung cư được xây dựng khắp nơi đã và đang được bảo tồn nguyên vẹn như một sự tôn trọng một giai đoạn lịch sử huy hoàng. Những chung cư lắp ghép đầu tiên của Liên Xô (cũ) – tại Belyayevo thuộc ngoại ô Mátxcơva, được xây dựng vào những năm 1950 – hiện đang được xem xét như những đối tượng cần được bảo tồn. Thậm chí, giới nghiên cứu Nga cho rằng, những công trình ở đây hiện thân cho sự độc đáo của mô hình Microrayon (tiểu khu) của Liên Xô, cần được đưa vào danh sách di sản cần được bảo vệ của UNESCO.
Những chung cư – nhà tập thể cũ ở Hà Nội là di sản kiến trúc đô thị đặc sắc, phản ánh chân thực một giai đoạn lịch sử của Thủ đô. Tuy nhiên, chung cư cũ nếu xuống cấp, lún nứt, gây nguy hiểm đến tính mạng của người dân nhất thiết phải được phá bỏ, xây mới. Song, theo kết quả khảo sát sơ bộ của Sở Xây dựng, có đến 386/401 nhà chung cư cũ (tỷ lệ 96%) chưa đến mức độ nguy hiểm nghiêm trọng. Vì vậy, đối với những tòa nhà kết cấu còn bền chắc, còn niên hạn sử dụng sau khi đã được kiểm định, đánh giá cẩn thận, việc cải tạo theo hướng bảo tồn có thể là một gợi ý hay, cần được nghiên cứu một cách thấu đáo.
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực quy hoạch đô thị, giải pháp bảo tồn một nhóm nhà chung cư cũ thông qua việc loại bỏ những phần cơi nới nhằm trả lại hình dáng kiến trúc nguyên gốc cho tòa nhà cũng như cảnh quan khu vực, kết hợp với các giải pháp kỹ thuật (cải tạo, gia cố, chỉnh trang…) phù hợp, có thể đảm bảo sự bền vững của chúng cũng như sự an toàn tuyệt đối của người dân sinh sống ở đó, là hoàn toàn khả thi. Không gian nội thất được cải tạo theo hướng phù hợp với cuộc sống hiện đại, có thể kết hợp 2 – 3 căn hộ cũ thành 1 căn hộ mới nhằm giảm số căn hộ trên một diện tích mặt bằng, đồng thời góp phần hướng đến mục tiêu giảm tải dân số cho khu vực nội đô vốn đang vượt mức dự báo.
Có thể thấy giải pháp này tạo sự hài hòa giữa bảo tồn với phát triển, đặc biệt là trong bối cảnh Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định 69/2021/NĐ-CP về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, không những “cởi trói” mà còn tạo cơ chế thông thoáng cho công cuộc tái thiết các chung cư cũ đã xuống cấp trên phạm vi cả nước, nhất là ở Hà Nội.
Hy vọng rằng, bên cạnh một Hà Nội hiện đại, những cụm chung cư – nhà tập thể cũ được bảo tồn, trả lại nguyên trạng hình dáng kiến trúc ban đầu sẽ là một nét vàng son tô điểm cho Thủ đô ngàn năm văn hiến.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị