Bài 1: Sài Gòn Xanh – biệt đội “tái sinh” những công trình ô nhiễm tại Thành phố Hồ Chí Minh
(Xây dựng) – Với tình yêu môi trường đặc biệt và nhiệt huyết khát khao bảo vệ môi trường, đem lại màu xanh cho những công trình kênh, rạch ô nhiễm tại Thành phố Hồ Chí Minh, câu lạc bộ Sài Gòn Xanh đã tập hợp nhiều bạn trẻ yêu môi trường cùng dọn dẹp rác thải tại các công trình ô nhiễm, đặc biệt, câu lạc bộ cũng đã triển khai những công trình xanh ý nghĩa như phao chắn rác, máy thu gom rác tự động tại nhiều điểm nóng rác thải.
Nhiều công trình, kênh rạch, sông ngòi tại Việt Nam đang rơi vào hiện trạng chìm trong rác thải. |
Rác thải đang “bức tử” nhiều công trình
Hiện nay, ô nhiễm môi trường từ rác thải đang trở thành vấn đề bức thiết hàng đầu mà nhiều quốc gia trên thế giới đang phải đối mặt, trong đó có Việt Nam. Công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngày càng phát triển, lượng rác thải cũng tăng lên đáng kể và từ đây gây ra những hậu quả nghiêm trọng đến môi trường.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, tổng lượng rác thải sinh hoạt hàng ngày thải ra tại Việt Nam ước tính khoảng 64.000 tấn. Tuy nhiên, tỷ lệ rác thải được xử lý đúng quy trình chỉ đạt khoảng 45-50%, phần còn lại chủ yếu được xử lý bằng các phương pháp truyền thống như chôn lấp trực tiếp, đốt và thải ra ngoài môi trường…
Rác thải nhựa cũng đang trở thành tác nhân hiện hữu tác động tiêu cực đến môi trường tự nhiên, môi trường sống hiện nay. Chỉ tính riêng trong năm 2023, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ghi nhận khoảng 15 điểm nóng về ô nhiễm rác thải nhựa trên các sông ngòi, bãi biển tại Việt Nam, lượng rác thải nhựa tích lũy ước tính đã lên tới hơn 1,8 triệu tấn.
Đặc biệt, tại các thành phố lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, lượng rác thải được xả ra môi trường là rất lớn. Tình cảnh nhiều công trình như kênh, rạch, sông… chìm trong rác thải, bốc mùi tại những thành phố này đang trở nên gia tăng nhanh chóng, tạo ra những thách thức lớn về quản lý môi trường, gây ô nhiễm và ảnh hưởng nghiêm trọng đến mỹ quan đô thị. Tình trạng ô nhiễm rác thải diễn ra tại nhiều công trình kênh, rạch đã và đang tạo ra những thách thức lớn về quản lý môi trường và yêu cầu sự hợp tác và nỗ lực từ mọi tầng lớp trong xã hội để đối mặt và giải quyết vấn đề này.
Sài Gòn Xanh – biệt đội “tái sinh” những công trình xanh
Sài Gòn Xanh tập hợp hàng nghìn bạn trẻ yêu môi trường thường xuyên hoạt động dọn rác tại các công trình, điểm đen kênh rạch tại Thành phố Hồ Chí Minh và các vùng lân cận. |
Với nhiệt huyết khát khao bảo vệ môi trường, đem lại màu xanh cho những công trình kênh, rạch ô nhiễm, tại nhiều thành phố lớn trên cả nước, nhiều hội nhóm câu lạc bộ tập hợp các bạn trẻ yêu môi trường đã xuất hiện ngày càng phổ biến. Cùng với thông điệp tạo ra một làn sóng bảo vệ môi trường bằng hành động thu gom rác dưới các công trình kênh rạch, công trình công cộng, những hội nhóm này đã liên tục gây ấn tượng và thu hút hàng triệu lượt theo dõi bởi hình ảnh ngâm mình trong những dòng nước đen ngòm hàng nhiều giờ đồng hồ liên tục để “giải cứu” những con kênh rạch ô nhiễm nghiêm trọng.
Sài Gòn Xanh – một trong những câu lạc bộ yêu môi trường thu gom rác thải tại các công trình kênh, rạch là một trong những “đứa con tinh thần” của những bạn trẻ nhiệt huyết, yêu môi trường tại Thành phố Hồ Chí Minh. Xuất phát từ thực tế ô nhiễm trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh và xem được những video dọn dẹp rác thải tại các con kênh đen bốc mùi xung quanh khu dân cư của nhóm Padawara đến từ Indonesia, anh Nguyễn Lương Ngọc (28 tuổi) và anh Hồ Văn Vỹ (24 tuổi) đã cùng nhau sáng lập nên nhóm Sài Gòn Xanh với thông điệp tạo ra một làn sóng bảo vệ môi trường bằng hành động thu gom rác dưới kênh rạch.
Bắt đầu thành lập CLB kể từ ngày 05/12/2022, tính tới nay, Sài Gòn Xanh đã hoạt động được hơn 1 năm rưỡi. Công việc chính hàng ngày của các thành viên trong nhóm Sài Gòn Xanh đó là cùng nhau khảo sát các ao hồ, sình lầy xung quanh những khu dân cư trong Thành phố Hồ Chí Minh có mức độ ô nhiễm đáng báo động để lên kế hoạch chi tiết cho việc dọn dẹp. Sau khi khảo sát, cả nhóm sẽ họp mặt lại để phân chia thành các đội nhỏ tiếp cận từng vùng kênh rạch với mức độ rác thải phân bổ khác nhau sao cho dễ dàng làm việc đạt hiệu quả tốt nhất. Trong lúc làm việc sẽ không thể tránh khỏi những nguy hiểm xảy ra như những món đồ nguy hiểm như: Mảnh sành, kim tiêm, tiếp xúc với nguồn nước và rác thải ô nhiễm nặng…
Sau hơn 1 năm rưỡi đi vào hoạt động, tới nay, Sài Gòn Xanh đã có gần 1.500 tình nguyện viên tham gia hoạt động, những tình nguyện viên tham gia bao gồm nhiều bạn trẻ tại Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh thành lân cận có chung nỗ lực “thay áo xanh” cho những dòng kênh, rạch. Đều đều mỗi tuần, vào thứ 5 và chủ nhật, những bạn trẻ trong câu lạc bộ lại khoác lên mình bộ đồ bảo hộ để thực hiện hoạt động dọn rác tại những địa điểm, công trình công cộng. Tới nay, CLB đã có 200 lần dọn tương ứng với 200 con kênh, rạch, công trình trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận như: Cầu sắt An Phú Đông (Gò Vấp); Rạch Lăng (Quận Bình Thạnh); Rạch Cầu Sơn (Quận Bình Thạnh)…
Tại nhiều “điểm nóng” rác thải, Sài Gòn Xanh tích cực hoạt động thu gom để bảo vệ môi trường. |
Sau mỗi lần dọn dẹp ở các địa điểm mà nhóm đi qua sẽ đều làm một số bảng nhắc nhở như: “Xin đừng xả rác xuống kênh rạch” hoặc “Cấm đổ rác” để mong muốn mọi người sẽ cùng nhau nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, chung tay để Thành phố Hồ Chí Minh trở thành một đô thị xanh, sạch, đẹp.
Theo số liệu thống kê của nhóm, từ hành trình tìm lại màu xanh cho hơn 200 con kênh, rạch, nhóm đã thu gom được hơn 2.000 tấn rác với các loại rác vô cơ, hữu cơ và rác tái chế. Một lượng rác tái chế nhỏ với điều kiện sạch sẽ được Sài Gòn Xanh gửi tặng cho các cô chú nhặt ve chai kiếm thêm thu nhập, số lượng rác còn lại được đưa lên xe rác để chuyển về nhà máy xử lý theo quy trình.
Anh Nguyễn Lương Ngọc, Trưởng nhóm Sài Gòn Xanh tâm sự, có những công trình “ấn tượng” nhất mà CLB phải tốn 5 lần quay lại dọn dẹp, đó là ở Kênh Hy Vọng (quận Tân Bình). “Trong 5 lần dọn dẹp, lần nào cũng nhiều rác, chưa kể địa hình khó khăn, nhiều hiểm nguy. Ấy thế mà CLB lại được sử ủng hộ rất nhiệt tình người đi đường, người dân xung quanh. Từng lốc nước, những túi bánh, nước sinh hoạt để vệ sinh sau khi dọn dẹp…. Đoạn kênh này thật sự là ấn tượng mà tôi khó quên được”, anh Nguyễn Lương Ngọc cho biết.
Khảo sát tình hình Việt Nam lọt vào top 4 đất nước có lượng rác thải nhựa đỏ ra biển lớn nhất thế giới, cũng với sứ mệnh của câu lạc bộ đã đặt ra trước đó, câu lạc bộ Sài Gòn Xanh nhận thấy rằng cần phải làm gì đó để cải thiện điều này. Tháng 12/2023, CLB đã sáng chế và đưa vào thử nghiệm thành công dự án công trình xanh mang tên “Phao chắn rác”.
Sài Gòn Xanh lắp đặt dự án công trình xanh “Phao chắn rác” tại phường Thạnh Lộc (Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh). |
Tính đến thời điểm hiện tại, câu lạc bộ đã lắp đặt được 9 công trình trong dự án “Phao chắn rác”. Các công trình hiện tại đều đang được lắp đặt trong địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh với các quận như quận Bình Thạnh, quận 12, thành phố Thủ Đức… Trong đó, công trình lớn nhất được đặt ở cầu Rạch Lãng trên tuyến rạch Xuyên Tâm ở quận Bình Thạnh với chiều dài lên đến hơn 50m. Đa số chi phí lắp đặt công trình xanh mang tên “Phao chắn rác” đều từ quỹ CLB và tiền thiện nguyện của các nhà hảo tâm.
Phao chắn rác được kết cấu từ nhiều đoạn ngắn, mỗi đoạn khoảng 0,5m gồm 2 phao nhựa và lưới sắt giúp nước kênh vẫn có thể lưu thông, ngăn chặn rác thải ở lại. Với cấu tạo phao chân được chọn lọc qua các lần thử nghiệm, dự án mang tính thực thi cao khi ngăn cản hầu hết rác thải trôi đi khắp nơi. Dự án cũng đạt hiệu quả thông qua các thông số được thống kê: Hơn 40 tấn rác thải được ngăn cản, trong đó rác thải nhựa chiếm khoảng 60% được trục vớt từ các dòng kênh, lượng rác thải được chặn lại đã được Sài Gòn Xanh đưa về nhà máy đề xử lý theo quy trình.
Lượng rác thải “khủng” được phao chắn rác do Sài Gòn Xanh lắp đặt chắn lại sau 1 ngày đặt phao trên rạch Lăng (Quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh). |
Trưởng nhóm Sài Gòn Xanh cũng cho biết, mục tiêu đến hết năm 2024, CLB Sài Gòn Xanh sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng, cơ quan địa phương để tiến hành lắp đặt phao chắn rác trên 100 tuyến kênh, rạch trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, sau khi lắp đặt sẽ ra quân thu gom rác mỗi tháng một lần và xử lý rác theo quy trình khi mang tới các nhà máy. Bên cạnh đó, nhóm cũng đã triển khai dự án máy thu gom rác tự động để giúp tiết kiệm thời gian và nâng cao quá trình xử lý rác thải hiệu quả hơn.
Công trình “Máy thu gom rác tự động” được Sài gòn Xanh đưa vào hoạt động tại rạch Xuyên Tâm, khu vực cầu Rạch Lăng. |
Hành động của Sài Gòn Xanh không chỉ lan tỏa những hành động đẹp, thông điệp tích cực tới mọi người mà đã được ghi nhận qua nhiều giải thưởng như: Z-project 2023 tại Wechoice Awards 2023, bằng khen tặng của Thành Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh về việc lan tỏa năng lượng tích cực trong bảo vệ kênh, rạch Thành phố Hồ Chí Minh.
Bài 2: Hà Nội Xanh và hành trình hồi sinh những công trình “đen” tại Hà Nội
Nguồn: Báo xây dựng