Thực hiện quy hoạch sông Hồng: Hóa giải nhiều thách thức
Bảo đảm an toàn phòng chống lũ và bảo vệ cảnh quan môi trường tự nhiên, giải quyết các phát sinh liên quan đến chất thải là các nội dung được chuyên gia lưu tâm, kiến nghị thành phố Hà Nội nhằm sớm hiện thực hóa quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng.
Thành phố Hà Nội đã có những điều chỉnh trong khai thác tiềm năng, phát triển sông Hồng. Ảnh: Quang Thái |
Bài toán thoát lũ không còn là vấn đề!
Theo Tiến sĩ, kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, quy hoạch phát triển khu vực hai bên sông Hồng luôn được chú trọng. Qua 7 lần quy hoạch, Thủ đô đã có những điều chỉnh trong khai thác tiềm năng, phát triển sông Hồng. Bước tiến quan trọng là năm 2022, thành phố phê duyệt quy hoạch phân khu sông Hồng tỷ lệ 1/5000 (đoạn từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở) với quy mô 11.000ha thuộc địa giới hành chính của 55 xã, phường, thuộc 13 quận, huyện.
Quá trình thực hiện quy hoạch cần chú ý đến thách thức trong bảo đảm an toàn thoát lũ. Với đặc thù của sông và biến đổi khí hậu, rất cần có bổ sung nghiên cứu đồng bộ các lĩnh vực an ninh, quốc phòng, mối liên kết vùng và khoa học – công nghệ để thích ứng với biến đổi thế sông, an toàn dòng chảy và bền vững cho các công trình xây dựng.
Cùng đề cập đến vấn đề thoát lũ trên sông Hồng, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Công Quang, nguyên giảng viên cao cấp Trường Đại học Thủy lợi đồng tình, “rào cản” lớn nhất trong hiện thực hóa quy hoạch liên quan đến sông Hồng từ trước đến nay là các quy định bảo đảm an toàn phòng chống lũ, đê điều. Bởi, Quy hoạch phòng chống lũ và Quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 257/QĐ-TTg ngày 18-2-2016, trong đó quy định, khu vực bãi giữa, bãi bồi không thuộc danh mục được phép xây dựng hoặc được nghiên cứu xây dựng.
Tuy nhiên, sau trận lụt năm 1971, Chính phủ đã đưa ra một số biện pháp cấp bách tăng cường công tác phòng, chống lũ cho vùng Đồng bằng Bắc Bộ nhằm ứng phó với những trận lũ lớn trên hệ thống sông Hồng, trong đó có xây dựng các hồ chứa nước ở thượng nguồn để điều tiết cắt lũ cho hạ du và xây dựng công trình phân chậm lũ. Mức bảo đảm chống lũ của tuyến đê ở Hà Nội đến năm 1974 đạt 13,4m.
Những năm gần đây, một loạt các công trình hồ chứa thủy điện trên thượng nguồn hệ thống sông Hồng – Thái Bình đã được xây dựng như hồ chứa Hòa Bình, Sơn La, Tuyên Quang, Lai Châu… Đây đều là các công trình quan trọng trong phòng, chống lũ cho hạ du, bảo đảm an toàn cho Thủ đô Hà Nội với các trận lũ tại Sơn Tây có chu kỳ lặp lại nhỏ hơn hoặc bằng 500 năm, giữ mực nước sông Hồng tại Hà Nội không vượt quá cao trình 13,4m.
“Độ an toàn này là tương đối cao. Như vậy bài toán thoát lũ đã không còn là vấn đề, đặc biệt với sự trợ giúp của các tiến bộ khoa học kỹ thuật hiện nay”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Công Quang nhận định.
Các công trình hồ chứa thủy điện trên thượng nguồn hệ thống sông Hồng – Thái Bình đã góp phần kiểm soát lũ của sông Hồng. Ảnh: Nguyễn Quang |
Bảo vệ chất lượng nước mặt và môi trường tự nhiên
Tổng Thư ký Hội cơ học Hà Nội Nguyễn Trường Duy cũng cho rằng lũ trên sông Hồng hiện nay đã được kiểm soát bởi các “cầu dao” là các đập thủy điện Sơn La, Hòa Bình, Lai Châu và đập sông Đáy. Mối quan tâm của chuyên gia này vào mùa cạn, khi mực nước sông Hồng xuống thấp, khiến dòng sông ô nhiễm, gây mất mỹ quan.
“Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề xuất thành phố nên kiến nghị làm 2 đập dâng tạm vào mùa cạn trên sông Hồng, sông Đuống để giữ nguồn nước. Khi sông Hồng có nước, chỉ cần ở mức 3m, 5m, cũng đủ để tạo cảnh quan “trên bến dưới thuyền” rất đẹp cho dòng sông này” – ông Nguyễn Trường Duy nêu – “Các giải pháp công nghệ có thể hỗ trợ các vùng thường xuyên ngập, bán ngập, hoặc ngập ít để xây dựng các công trình phù hợp”.
Đánh giá tác động của việc hiện thực hóa quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng đến môi trường tự nhiên cũng được nhiều chuyên gia lưu tâm. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Lượng, Đại học Xây dựng nêu, theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường, nguồn cung cấp nước mặt là một trong những vùng bảo vệ nghiêm ngặt. Trong khi đó, sông Hồng là một trong những nguồn cung cấp nước mặt cho thành phố.
“Theo dự thảo Quy hoạch Thủ đô Hà Nội, một số số liệu quan trắc chất lượng nước sông Hồng giai đoạn 2016-2020 có ghi nhận một số dấu hiệu ô nhiễm nhẹ về thành phần chất hữu cơ. Do đó, việc hiện thực hóa quy hoạch hai bên bờ sông Hồng và vùng bãi nổi, bãi giữa cần nhận diện đầu tiên về bảo vệ chất lượng nước mặt sông Hồng”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Lượng nêu.
Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng chia đoạn sông chảy qua địa phận Hà Nội ra làm 3 phân khu chính. Theo đó, đoạn từ cầu Hồng Hà đến cầu Thăng Long với định hướng phát triển không gian sinh thái, bảo tồn tự nhiên. Đoạn từ Thăng Long đến Thanh Trì sẽ phát triển trung tâm đa chức năng, công trình công cộng và phân khu cuối, từ cầu Thanh Trì – Mễ Sở, phát triển thành khu vực trồng rau màu, nuôi thủy sản.
“Như vậy, từng khu vực sẽ phát sinh yếu tố liên quan đến môi trường chung và riêng. Đối với phân đoạn trung tâm, xu hướng đô thị hóa, gia tăng dân số, quá trình phát triển kinh tế – xã hội sẽ dẫn đến gia tăng nước thải sinh hoạt. Khu vực phát triển nông nghiệp gây nguy cơ ô nhiễm môi trường nước. Các giải pháp cần được lưu tâm để kiểm soát tốt nguồn thải, xây dựng hệ thống nước thải tập trung và quản lý chất thải rắn bền vững”, chuyên gia nêu.
Các đề xuất, kiến nghị tâm huyết, trí tuệ và trách nhiệm của các chuyên gia, nhà khoa học với thành phố nêu trên hiện đang được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội tổng hợp, gửi tới các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu, đẩy nhanh quá trình hiện thực hóa quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng.
Nguồn: Báo xây dựng