Hà Tĩnh: Tháo gỡ khó khăn đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công
(Xây dựng) – Để phấn đấu đạt kết quả cao nhất trong triển khai, giải ngân vốn đầu tư công, Sở Tài chính Hà Tĩnh đề nghị các cấp, các ngành tiếp tục quán triệt, tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND tỉnh.
Đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thi công gắn với việc đảm bảo chất lượng công trình; tổ chức nghiệm thu, lập hồ sơ thanh toán ngay khi có khối lượng. |
Theo số liệu của Kho bạc Nhà nước tỉnh Hà Tĩnh, đến ngày 19/8/2024, tổng giá trị giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công trên địa bàn toàn tỉnh đạt 3.294.173 triệu đồng, bằng 62,3% kế hoạch Thủ tướng giao và bằng 53,7% kế hoạch vốn đã phân bổ, cao hơn cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm trước 50,2% kế hoạch vốn giao).
Trong đó: vốn Bộ, ngành quản lý giải ngân đạt 443.041 triệu đồng, bằng 50,7% kế hoạch vốn Thủ tướng giao và bằng 49,2% kế hoạch vốn đã phân bổ; vốn ngân sách cấp tỉnh quản lý giải ngân đạt 872.663 triệu đồng, bằng 32,9% kế hoạch vốn Thủ tướng giao, bằng 29,1% kế hoạch vốn đã phân bổ; vốn ngân sách cấp huyện, cấp xã quản lý giải ngân đạt 1.978.469 triệu đồng, bằng 112,2% kế hoạch vốn Thủ tướng giao, bằng 88,5% kế hoạch vốn đã phân bổ.
Có 8/38 địa phương, đơn vị có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư do Bộ, ngành và cấp tỉnh quản lý cao hơn 50% kế hoạch vốn giao như: Công an tỉnh 96%, Sở Giao thông vận tải 85%, UBND huyện Can Lộc 82%, Cục Quản lý thị trường 81%, Trung tâm Phát triển quỹ đất và kỹ thuật địa chính 74%, UBND huyện Vũ Quang 72%, UBND huyện Lộc Hà 56%…
Có 22/38 địa phương, đơn vị có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư do Bộ, ngành và cấp tỉnh quản lý thấp hơn 50% kế hoạch vốn giao, đặc biệt có 8/38 địa phương, đơn vị chưa giải ngân vốn như: Sở Kế hoạch và Đầu tư, trường Cao đẳng Nguyễn Du, UBND xã Mỹ Lộc…
Có 57 danh mục dự án (bao gồm cả nguồn năm trước kéo dài thanh toán sang năm 2024) chưa giải ngân vốn Bộ, ngành và cấp tỉnh quản lý với tổng số vốn 506.929 triệu đồng, trong đó có các dự án được giao vốn lớn như: Đường vành đai phía Đông – thành phố Hà Tĩnh 100 tỷ đồng; đường Xuân Diệu kéo dài đoạn từ đường bao khu đô thị Bắc đến đường Ngô Quyền – thành phố Hà Tĩnh 30 tỷ đồng; dự án khắc phục sạt lở bờ sông Ngàn Sâu đoạn qua thôn 5 và thôn 2, xã Hà Linh, huyện Hương Khê 60 tỷ đồng; dự án khắc phục sạt lở bờ sông Ngàn Phố đoạn qua xã Trường Sơn, huyện Đức Thọ 40 tỷ đồng…
Ngoài những nguyên nhân vướng mắc do thủ tục đầu tư dự án kéo dài, khó khăn trong quá trình triển khai giải phóng mặt bằng dự án… thì còn có những nguyên nhân như: Tình trạng khan hiếm nguồn cung một số loại vật liệu xây dựng như đất đắp, cát san nền; đối với những dự án lớn (đặc biệt là các dự án ODA), do thời gian thực hiện kéo dài qua nhiều năm nên quá trình triển khai dự án có sự biến động lớn về giá nguyên, nhiên, vật liệu, đơn giá bồi thường giải phóng mặt bằng; một số địa phương, đơn vị chưa thực sự vào cuộc chỉ đạo quyết liệt trong triển khai thực hiện dự án trên địa bàn; vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chưa cao; chưa khẩn trương trong việc hoàn thành thủ tục đầu tư dự án.
Công tác phối hợp giữa các ngành, các cấp và chủ đầu tư chưa tốt trong quá trình liên thông giải quyết thủ tục hành chính và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện dự án; năng lực một số nhà thầu tư vấn và Ban Quản lý dự án còn hạn chế, quá trình khảo sát thiết kế không xem xét toàn diện các mặt kỹ thuật, kinh tế – tài chính, thẩm mỹ, bảo vệ môi trường và an ninh quốc phòng, việc hoàn thiện hồ sơ dự án, hồ sơ thanh quyết toán chậm, còn nhiều sai sót phải chỉnh sửa nhiều lần, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và giải ngân nguồn vốn; nhiều chủ đầu tư chưa thường xuyên đôn đốc nhà thầu triển khai thi công, hoàn thiện các thủ tục nghiệm thu, hoàn tạm ứng khối lượng, thanh toán, quyết toán dự án; chưa tập trung xử lý triệt để công tác đền bù giải phóng mặt bằng…
Để phấn đấu đạt kết quả cao nhất trong triển khai, giải ngân vốn đầu tư công, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội năm 2024, Sở Tài chính đề nghị các cấp, các ngành tiếp tục quán triệt, tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND tỉnh.
Đồng thời, tập trung triển khai thực hiện các giải pháp chủ yếu như: Đẩy nhanh việc hoàn thành thủ tục đầu tư và đấu thầu, khởi công xây dựng các công trình khởi công mới. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, xác định công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng là nút thắt quan trọng trong triển khai dự án; chủ động rà soát tình hình thực hiện của từng dự án trên địa bàn, từ đó phân nhóm vướng mắc (thủ tục đầu tư xây dựng, thủ tục đất đai, giải phóng mặt bằng, kế hoạch vốn, thủ tục giải ngân…) để kịp thời giải quyết, tháo gỡ.
Đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thi công gắn với việc đảm bảo chất lượng công trình; tổ chức nghiệm thu, lập hồ sơ thanh toán ngay khi có khối lượng. Rà soát, báo cáo cấp có thẩm quyền rút kế hoạch vốn của các dự án có tiến độ thực hiện chậm, tỷ lệ giải ngân không đạt yêu cầu để bố trí cho các dự án có tiến độ triển khai tốt, giải ngân nhanh, có nhu cầu bổ sung vốn; báo cáo đề xuất điều chuyển gửi báo cáo bằng văn bản về Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính để tổng hợp, trình UBND tỉnh xem xét, điều chuyển vốn cho các dự án khác.
Ưu tiên giải ngân nguồn vốn kế hoạch năm 2023 kéo dài thanh toán sang 2024 trước ngày 31/12/2024. Xây dựng kế hoạch, đường găng tiến độ giải ngân vốn mới được giao tại Quyết định số 1878/QĐ-UBND ngày 2/8/2024 của UBND tỉnh. Tăng cường công tác theo dõi, đánh giá, giám sát, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện kế hoạch đầu tư công và thực hiện các chương trình, dự án đầu tư cụ thể.
Thực hiện nghiêm chế độ báo cáo định kỳ hoặc đột xuất theo chế độ báo cáo quy định; trong đó, phải đánh giá kết quả thực hiện, những tồn tại, hạn chế và kiến nghị các cấp có thẩm quyền giải quyết những khó khăn, vướng mắc…
Nguồn: Báo xây dựng