Đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về công cụ 5S cho sinh viên các trường đại học, cao đẳng
Về phía Ủy ban, chương trình có sự tham gia của ông Phạm Lê Cường – Phó Chánh Văn phòng Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia, đoàn viên thanh niên thuộc các đơn vị của Ủy ban tham dự trực tiếp và trực tuyến.
Về phía các trường đại học, cao đẳng có sự tham gia trực tuyến của gần 100 sinh viên và các thầy cô giáo đến từ: Đại học Phan Thiết, Đại học Nha Trang, Đại học Trà Vinh, Đại học Kinh tế – Đại học Quốc gia Hà Nội, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Đại học Bình Dương, Đại học Lâm Nghiệp, Đại học Kinh tế kỹ thuật Thái nguyên, Đại học Thủ Dầu 1, Cao đẳng Công nghệ Việt – Hàn Bắc Giang, Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội, Cao đẳng Nghề Việt Xô số 1 Vĩnh Phúc, Cao đẳng Miền núi Bắc Giang, Cao đẳng Công nghiệp và Xây dựng Quảng Ninh, Cao đẳng Nghề Sóc Trăng.
Buổi đào tạo thu hút đông đảo đoàn viên thanh niên Ủy ban, thầy cô và sinh viên các trường tham dự theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Trình bày tại buổi đào tạo, ông Trần Quang Hưng – Ủy viên BCH Đoàn thanh niên Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia, báo cáo viên của chương trình cho biết, phương pháp 5S khởi nguồn từ Nhật Bản vào khoảng nửa đầu thế kỷ XX và được nhiều công ty trong nước hưởng ứng. Phương pháp này được áp dụng lần đầu tiên bởi hãng xe Toyota, trong bối cảnh các nhà lãnh đạo của Toyota mong muốn nâng cao chất lượng sản phẩm và giảm thiểu lãng phí tại các dây chuyền sản xuất
“Chúng ta rất dễ nhận ra một cơ quan/công ty quản lý yếu kém bởi những đặc trưng: Có rất nhiều thứ không cần thiết và chúng không được sắp xếp gọn gàng; Lãng phí thời gian, công sức tìm kiếm làm ảnh hưởng tới hiệu quả công việc; Thiết bị văn phòng, trang thiết bị sản xuất không sạch sẽ, diện tích bỏ trống rất nhiều, tỷ lệ máy hỏng cao; Nơi làm việc không an toàn và nhiều tai nạn, sự cố xảy ra; Tinh thần, kỷ luật làm việc của cán bộ, công nhân kém. Chính vì vậy, việc thực hiện 5S tại cơ quan/công ty là hết sức cần thiết và quan trọng”, ông Hưng phân tích.
5S là phương pháp quản lý (sản xuất) theo phương pháp Nhật Bản, làm cơ sở cho các hệ thống và triết lý quản lý sản xuất như TPS, TQM và LEAN. Theo từ gốc tiếng Nhật, 5 chữ S trong mô hình 5S là viết tắt của Seiri (Sàng lọc), Seiton (Sắp xếp), Seiso (Sạch sẽ), Seiketsu (Chuẩn hoá), Shitsuke (Tự giác).
Yếu tố cơ bản quyết định thành công của 5S đó là có sự cam kết và ủng hộ liên tục của lãnh đạo cấp cao; 5S bắt đầu bằng giáo dục và đào tạo; Không có ai là quan sát viên trong 5S mà mọi người đều tham gia; Lặp lại chu trình 5S để đạt chuẩn mực cao hơn.
Cũng theo ông Hưng, thực tiễn áp dụng 5S tại Uỷ ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia bắt đầu bằng sự cam kết và ủng hộ liên tục của lãnh đạo cấp cao; Quyết định thành lập các tổ công tác 5S; 5S bắt đầu bằng giáo dục và đào tạo; Không có ai là quan sát viên trong 5S mà mọi người đều tham gia; Lặp lại chu trình 5S để đạt được chuẩn mực cao hơn.
Chương trình nhận được sự quan tâm của sinh viên tại các điểm trường. Nhiều câu hỏi đặt ra và nhận được câu trả lời xác đáng từ phía chuyên gia, báo cáo viên của Ủy ban, tạo nên không khí hào hứng và sôi nổi.
Buổi đào tạo “5S – Nền tảng cải tiến năng suất chất lượng” là chuyên đề thứ 2 trong chuỗi 10 chuyên đề đào tạo về các công cụ cải tiến năng suất do các báo cáo viên của Ủy ban trình bày, lần lượt bao gồm:
5S – Nền tảng cải tiến năng suất chất lượng;
TWI – Mô hình nhóm huấn luyện (TWI) nâng cao năng lực cho đội ngũ giám sát tuyến đầu;
7 lãng phí – Nhận diện các lãng phí trong sản xuất và cách loại bỏ hiệu quả;
Kaizen – Tư duy cải tiến liên tục;
QCC – Nhóm kiểm soát chất lượng;
TPM – Áp dụng TPM nhằm cải thiện hiệu quả sử dụng máy móc, thiết bị;
MFCA – Tổng quan về MFCA: Phương pháp hạch toán chi phí dòng nguyên liệu;
Lean: Tư duy giảm thiểu lãng phí (Lean) để tăng năng suất;
KPI: Áp dụng KPI trong thực thi chiến lược kinh doanh của tổ chức;
Hà My