An Giang: Tăng cường quản lý tiêu chuẩn đo lường chất lượng và nhãn hàng hóa
Quản lý nghiêm ngặt tiêu chuẩn đo lường và nhãn hàng hóa
Tiêu chuẩn đo lường đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo tính chính xác của các thiết bị đo lường, từ đó đảm bảo công bằng trong giao dịch thương mại. Đặc biệt, trong lĩnh vực bán lẻ, các phương tiện đo như cân thông dụng tại các chợ thường xuyên được kiểm tra và giám sát chặt chẽ.
Vừa qua, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Sở Khoa học và Công nghệ An Giang) phối hợp Phòng Kinh tế TX. Tịnh Biên tổ chức Hội nghị tập huấn văn bản pháp luật về đo lường và nhãn hàng hóa trong hoạt động thương mại bán lẻ cho 40 học viên đại diện doanh nghiệp, hộ kinh doanh, ban quản lý chợ trên địa bàn thị xã.
Hội nghị tập huấn văn bản pháp luật về đo lường và nhãn hàng hóa trong hoạt động thương mại bán lẻ. Ảnh: baoangiang.com.vn
Tại lớp tập huấn, các báo cáo viên đã triển khai các quy định tại Thông tư 09/2017/TT-BKHCN ngày 27 tháng 06 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; báo cáo kết quả kiểm tra về đo lường phương tiện đo nhóm 2 cân thông dụng tại các chợ trên địa bàn tỉnh, kết quả khảo sát dư luận của người dân về việc kinh doanh hàng nhái tại chợ Tịnh Biên; thông tin một số quy định về nhãn hàng hóa và quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường chất lượng sản phẩm, hàng hóa…, nhằm cung cấp kiến thức, kỹ năng thực hiện các quy định về đo lường, nhãn hàng hóa trong hoạt động thương mại bán lẻ cho hộ kinh doanh, góp phần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đảm bảo chất lượng hàng hóa và sự cạnh tranh lành mạnh trên thị trường.
Trong lĩnh vực bán lẻ, việc quản lý đo lường trong kinh doanh vàng và trang sức mỹ nghệ cũng được chú trọng. Đây là ngành có yêu cầu cao về độ chính xác trong đo lường, nhất là khi các sai lệch nhỏ có thể dẫn đến những thiệt hại lớn về tài chính. Các quy định về quản lý đo lường trong kinh doanh vàng, trang sức mỹ nghệ được ban hành nhằm bảo vệ cả người tiêu dùng lẫn doanh nghiệp, đảm bảo mọi giao dịch đều được thực hiện trên cơ sở công bằng và minh bạch.
Trước đó, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tỉnh An Giang phối hợp Phòng Kinh tế – Hạ tầng huyện Chợ Mới tổ chức tập huấn các văn bản pháp luật quy định về đo lường chất lượng và nhãn hàng hoá trong hoạt động kinh doanh vàng, trang sức mỹ nghệ năm 2024.
Hơn 50 đại biểu là tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh vàng, trang sức mỹ nghệ, UBND các xã, thị trấn được nghe phổ biến các thông tư, quyết định của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về quản lý đo lường trong kinh doanh vàng và quản lý chất lượng vàng, trang sức, mỹ nghệ lưu thông trên thị trường; công văn của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng hướng dẫn thực hiện thông tư, nghị định của Chính phủ về nhãn hàng hoá; quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh vàng, trang sức mỹ nghệ.
Ngoài ra, các đại biểu được giới thiệu, hướng dẫn một số mẫu nhãn vàng trang sức, mỹ nghệ; việc thực hiện công bố tiêu chuẩn áp dụng, kiểm soát chất lượng và việc lưu giữ hồ sơ chất lượng; phương pháp đo và xác định hàm lượng vàng, xác định tuổi vàng, các chất có trong vàng giả, chất cấm sử dụng trong chế tác vàng.
Thúc đẩy phát triển nhãn hiệu chứng nhận (NHCN) An Giang
Thời gian qua, Sở Khoa học và Công nghệ An Giang phối hợp phòng kinh tế/kinh tế – hạ tầng cấp huyện vận động, tuyên truyền tổ chức, cá nhân có sản phẩm phù hợp tham gia sử dụng NHCN An Giang. Qua đó, trao quyền sử dụng cho 31 tổ chức, cá nhân, gồm các sản phẩm: nấm rơm; dưa lưới; cá lóc; gạo tẻ; nấm bào ngư; nấm linh chi; nước ép dâu tằm, mắm, khô cá các loại; trà linh chi túi lọc; gạo; nếp; rau thủy canh; nấm mối đen, đông trùng hạ thảo sấy; xoài cát Hòa Lộc; lúa giống; yến sào. Trong số này, có 17 sản phẩm được công nhận OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) 3 sao, 4 sao; được xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, mở rộng thị trường tiêu thụ.
Vận động, tuyên truyền tổ chức, cá nhân có sản phẩm phù hợp tham gia sử dụng NHCN An Giang. Ảnh: baoangiang.com.vn
Phó Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng An Giang Lê Thái Định cho biết: “NHCN An Giang đã phát huy giá trị, tạo được uy tín và đem lại sự tín nhiệm cho người tiêu dùng. Vì khi được cấp giấy trao quyền sử dụng NHCN An Giang, các quy trình sản xuất của cơ sở đã có sự công nhận về độ an toàn, chất lượng, có sự kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước. Từ đó, nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân sản xuất – kinh doanh sản phẩm nông nghiệp chủ lực”.
Về phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Phi Thòn – Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Hải Kim Long chi nhánh An Giang cho biết: “Nhận thấy việc tham gia NHCN An Giang rất có ích, nâng giá trị thương hiệu cho sản phẩm, nên chúng tôi sẵn sàng tham gia. Trước mắt, công ty tham gia để đạt chứng nhận trên 5 loại rau thủy canh đã đạt chuẩn OCOP 3 sao. Hiện, công ty có thêm 9 loại rau hữu cơ trồng thủy canh đã được chứng nhận GlobalGAP, tới đây sẽ tiếp tục tham gia để đạt chứng nhận OCOP 3 sao và được công nhận NHCN An Giang”.
Anh Nguyễn Hùng Sinh (Hộ kinh doanh sản xuất, chế biến nấm linh chi Tri Thức, xã Thoại Giang, huyện Thoại Sơn) chia sẻ: “Từ năm 2019, sản phẩm nấm linh chi của cơ sở đã được cấp NHCN An Giang, đến năm 2023 gia hạn lại. Sau khi tham gia NHCN An Giang, giá trị, uy tín sản phẩm được nâng lên, thị trường tiêu thụ rộng mở, nên hiệu quả sản xuất – tiêu thụ của chúng tôi tăng lên 50%. Hiện, bình quân mỗi tháng, cơ sở sản xuất hơn 60kg nấm linh chi khô. Từ hướng dẫn của Sở Khoa học và Công nghệ, tôi sẽ tham gia NHCN An Giang cho sản phẩm nấm đông trùng hạ thảo”.
Tuy nhiên, vẫn còn một số thách thức như việc tiếp cận hệ thống siêu thị lớn và quy mô nhỏ lẻ của các doanh nghiệp. Để khắc phục, các doanh nghiệp cần được hỗ trợ thêm về vốn và công nghệ để phát triển bền vững.
Duy Trinh (t/h)