Khai mạc Festival 100 năm Dừa sáp Trà Vinh
(Xây dựng) – Tối 25/8, tại huyện Cầu Kè, UBND tỉnh Trà Vinh đã long trọng tổ chức Festival 100 năm Dừa sáp Trà Vinh. Hiện nay, toàn tỉnh Trà Vinh (tập trung nhiều nhất ở các xã Hòa Tân, xã Phong Phú, xã Phong Thạnh, huyện Cầu Kè) có khoảng 2.600 hộ trồng dừa sáp với tổng diện tích gần 780ha, với sản lượng mỗi năm đạt hơn 03 triệu trái. Dừa sáp được xếp vào Top 50 đặc sản trái cây nổi tiếng nhất Việt Nam vào năm 2016.
Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Lê Văn Hẳn phát biểu khai mạc. |
Chương trình nghệ thuật Lễ khai mạc “Festival 100 năm cây Dừa sáp Trà Vinh và Tuần lễ Vu lan Thắng hội huyện Cầu Kè năm 2024” diễn ra hoành tráng thu hút nhiều người dân địa phương và du khách đến xem. Chương trình có tổng thời lượng khoảng 90 phút, phần lễ với việc trao bằng chỉ dẫn địa lý Dừa sáp Trà Vinh và tặng bằng khen cho các đơn vị tài trợ và 02 chương nghệ thuật.
Chương trình nghệ thuật diễn ra hoành tráng, bao gồm 2 chương: Chương 1 “Hương tình Trà Vinh” với nhiều tiết mục nghệ thuật đặc sắc tái hiện hình ảnh người nông dân nghĩa tình gắn liền với cây Dừa sáp; Chương 2 với tựa đề “Khát vọng Trà Vinh” khẳng định Dừa sáp không chỉ góp phần làm giàu cho người dân địa phương mà còn tạo nên một hình ảnh tươi sáng và đẳng cấp cho quê hương Trà Vinh…
Ông Nguyễn Quỳnh Thiện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh, Phó Trưởng Ban tổ chức Festival (bên trái) nhận Quyết định cấp chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý sản phẩm quả Dừa sáp Trà Vinh từ đồng chí Lưu Hoàng Long, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ. |
Phát biểu Lễ khai mạc, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Lê Văn Hẳn cho biết: Vùng đất Cầu Kè Trà Vinh, quê hương của nữ anh hùng Nguyễn Thị Út (Út Tịch) được thiên nhiên ưu đãi, phù sa bồi đắp, người dân chăm chỉ vun trồng đã cho ra nhiều loại cây trái, đặc sản, đặc biệt là Dừa sáp Cầu Kè, có nguồn gốc cách đây 100 năm… Thời gian qua, tỉnh chú trọng phát triển hàng trăm sản phẩm có giá trị liên quan đến cây dừa. Theo Chiến lược nâng cấp chuỗi giá trị dừa giai đoạn 2022 – 2025, tỉnh sẽ phát triển thêm khoảng 550ha Dừa sáp đặc sản.
“Lễ khai mạc Festival 100 năm Dừa sáp Trà Vinh sẽ được Sân khấu hóa nhằm tái hiện và tôn vinh vai trò và hình ảnh người nông dân gắn với cây Dừa sáp huyện Cầu Kè và chương trình trình diễn pháo hoa nghệ thuật; Hội thảo về cây Dừa sáp để chia sẻ kinh nghiệm với các tỉnh bạn; Trưng bày các sản phẩm đặc sản trái ngon và Hội thi chế biến 100 món ăn ngon từ dừa sáp được xác lập kỷ lục Việt Nam; Khảo sát các điểm đến và Tọa đàm Du lịch Cầu Kè – Tiềm năng ven sông Hậu với sự tham gia của đại biểu các tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và Thành phố Hồ Chí Minh; Hoạt động Hội chợ Thương mại với các gian hàng của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh; Trưng bày hình ảnh Văn hóa phi vật thể Quốc gia Lễ Vu lan Thắng hội huyện Cầu Kè và Các hoạt động thể thao và trò chơi dân gian. Trong dịp này, tỉnh sẽ giới thiệu Bảo tàng Dừa sáp Trà Vinh do Công ty Vicosap thành lập, ra mắt phục vụ khách tham quan. Đồng thời, tỉnh vinh dự nhận Quyết định của Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm quả Dừa sáp Trà Vinh và công bố Quyết định của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Lễ hội Vu lan Thắng hội huyện Cầu Kè được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia”, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Lê Văn Hẳn chia sẻ.
Tốp ca nữ và nhóm múa trong ca khúc “Trà Vinh miền đất trời Nam” trong chương trình nghệ thuật khai mạc Lễ hội. |
Để nâng cao chuỗi giá trị Dừa sáp Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh đang xúc tiến triển khau nhiều chương trình phát triển Dừa sáp như: Quy hoạch vùng trồng, mở rộng canh tác, sản xuất theo hướng hữu cơ, VietGAP. Đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển vùng trồng Dừa sáp. Áp dụng công nghệ giống tiên tiến, đặc biệt là giống dừa cấy phôi, cấy mô có tỷ lệ sáp cao, nhằm cải thiện năng suất và chất lượng sản phẩm. Đồng thời, mở rộng diện tích trồng dừa sáp để tạo nguồn nguyên liệu phong phú, đủ sức cung cấp cho nhiều thị trường trong nước và quốc tế.
Tiếp tục hỗ trợ, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân tiếp cận các chính sách của Trung ương và của tỉnh trong sản xuất, kinh doanh, chế biến, chứng nhận, quản lý vùng dừa sáp của tỉnh trên cơ sở áp dụng chuyển đổi số, nhằm minh bạch thông tin trong giao dịch, kinh doanh. Cải thiện và hiện đại hóa quy trình sản xuất, chế biến, nâng cao giá trị dừa sáp thông qua các quy trình chế biến và bảo quản sau thu hoạch để tạo các sản phẩm chất lượng cao đáp nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế. Khuyến khích doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị, hỗ trợ xây dựng các cơ sở thu mua và chế biến tại địa phương để giảm chi phí vận chuyển và nâng cao giá trị sản phẩm. Xúc tiến thương mại, phát triển thị trường tiêu thụ cho sản phẩm nhất là thông tin truyền thông, khai thác các kênh bán hàng công nghệ để quảng bá sản phẩm đặc trưng của miền đất Trà Vinh cho khách hàng trong nước và ngoài nước. Việc phát triển các kênh phân phối hiệu quả sẽ giúp sản phẩm Dừa sáp tiếp cận được nhiều khách hàng hơn, từ đó tăng doanh thu và thúc đẩy sự phát triển của ngành Dừa sáp Trà Vinh.
Dừa sáp Cầu Kè đặc sản nổi tiếng quốc gia. |
Thông qua “Festival 100 năm Dừa sáp Trà Vinh” để tiếp tục tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư, phát triển liên kết giữa các doanh nghiệp với các hộ trồng dừa nhằm đảm bảo liên thông các khâu sản xuất, chế biến sâu và tiêu thụ sản phẩm theo các tiêu chuẩn, đáp ứng các thị trường xuất khẩu; đồng thời, xây dựng mối liên kết tiêu thụ với doanh nghiệp, tạo đầu ra ổn định lâu dài cho sản phẩm Dừa sáp.
Nguồn: Báo xây dựng