Hà Nam: Phát triển đô thị xanh, thông minh, ứng phó với biến đổi khí hậu
(Xây dựng) – Thực hiện các Nghị quyết của Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển đô thị, tỉnh Hà Nam đã và đang nỗ lực, tập trung mọi giải pháp, nguồn lực để đầu tư xây dựng hạ tầng, từng bước thay đổi bộ mặt đô thị của tỉnh theo hướng xanh, thông minh, ứng phó với biến đổi khí hậu. Tỉnh Hà Nam cũng đã đặt ra mục tiêu phát triển đô thị năm 2025 đạt trên 50%, năm 2030 đạt trên 60% và đến năm 2050 đạt trên 70%.
Trên địa bàn tỉnh Hà Nam hiện có 13 đô thị, trong đó có 01 đô thị loại II, 02 đô thị loại IV và 10 khu vực loại V. |
Tỷ lệ đô thị hóa vượt mục tiêu Nghị quyết 16
Thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TU ngày 15/9/2021 của Tỉnh ủy Hà Nam (Nghị quyết số 16) về xây dựng và phát triển đô thị trên địa bàn giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030, UBND tỉnh Hà Nam đã tổ chức lập, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch chương trình phát triển đô thị của tỉnh và của từng đô thị. Cụ thể, phê duyệt các đồ án quy hoạch chung thị trấn trên địa bàn các huyện Lý Nhân, Bình Lục, Thanh Liêm như điều chỉnh mở rộng quy hoạch chung đô thị Nhân Mỹ, đô thị Hòa Hậu (Lý Nhân); điều chỉnh quy hoạch chung thị trấn Bình Mỹ (Bình Lục), thị trấn Vĩnh Trụ (Lý Nhân); hoàn thiện trình thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch 2 đồ án trên địa bàn huyện Bình Lục gồm điều chỉnh mở rộng quy hoạch chung đô thị chợ Sông, đô thị Tiêu Động.
UBND tỉnh cũng đã phê duyệt các đồ án quy hoạch phân khu đô thị, phân khu chức năng theo đồ án quy hoạch chung đô thị trên địa bàn các huyện Kim Bảng, Lý Nhân, thị xã Duy Tiên và thành phố Phủ Lý; từng bước xây dựng, phát triển đô thị thông minh bền vững giai đoạn 2018 – 2025 và định hướng đến năm 2030 theo Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 950/QĐ-TTg ngày 1/8/2018.
Bên cạnh đó, các huyện, thị xã, thành phố cũng đã thực hiện tốt công tác quy hoạch, lập chương trình phát triển đô thị trên địa bàn. Tại các địa phương trong tỉnh, nhiều dự án phát triển đô thị đã được quan tâm đầu tư, nhất là các dự án về phát triển khu đô thị mới; dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở đô thị; dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở xã hội; các dự án đầu tư xây dựng khu thương mại – dịch vụ; dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật giao thông, cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải…
Theo số liệu tổng hợp về tình hình phát triển đô thị của tỉnh, tính đến hết năm 2023, tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh đạt 48,1%. Số lượng đô thị trên địa bàn tỉnh theo phân loại gồm có 13 đô thị, trong đó có 1 đô thị loại II (thành phố Phủ Lý); 2 đô thị loại IV (thị xã Duy Tiên và huyện Kim Bảng); 10 khu vực loại V gồm 4 thị trấn (Bình Mỹ, Vĩnh Trụ, Kiện Khê, Tân Thanh) và 6 khu vực được UBND tỉnh công nhận (xã Nhân Mỹ, miền Nhân Hậu – xã Hòa Hậu thuộc huyện Lý Nhân; xã Tràng An, An Lão, Tiêu Động thuộc huyện Bình Lục; đô thị Phố Cà – khu vực xã Thanh Tâm và một phần xã Thanh Nguyên, Thanh Nghị thuộc huyện Thanh Liêm).
Như vậy, tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh đã vượt so với mục tiêu Nghị quyết số 16 đề ra là đến năm 2025, tỷ lệ đô thị hoá của tỉnh đạt 47,5% và đạt cao so với với tỷ lệ đô thị hoá trung bình của cả nước.
Cũng theo Chương trình phát triển đô thị giai đoạn 2021 – 2030 và tầm nhìn đến 2050 mới được UBND tỉnh Hà Nam ban hành, tỉnh đặt mục tiêu phát triển đô thị năm 2025 đạt trên 50%; năm 2030 đạt trên 60%; đến năm 2050 đạt trên 70%. UBND tỉnh Hà Nam dự kiến điều chỉnh địa giới hành chính và thành lập nhiều đô thị mới trong các giai đoạn tới. Cụ thể, mở rộng phạm vi nội thành thành phố Phủ Lý giai đoạn 2021 – 2025 và tiếp tục mở rộng trong giai đoạn 2026 – 2030; mở rộng phạm vi nội thị và thành lập thành phố Duy Tiên trong giai đoạn 2026 – 2030.
Trước năm 2025, tỉnh sẽ thành lập thị xã Kim Bảng và các phường thuộc thị xã, cùng với việc mở rộng phạm vi nội thị của thị xã Kim Bảng trong giai đoạn 2026 – 2030. Thị trấn Bình Mỹ cũng sẽ được mở rộng theo phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trong giai đoạn 2026 – 2030.
Tỉnh Hà Nam cũng dự kiến thành lập các thị trấn khi điều kiện cho phép, bao gồm thị trấn Chợ Sông, Tiêu Động, An Lão (huyện Bình Lục); Phố Cà (huyện Thanh Liêm); Nhân Mỹ, Hòa Hậu (huyện Lý Nhân). Đồng thời, tỉnh sẽ hướng tới việc thành lập thị xã Thanh Liêm và thị xã Lý Nhân.
Tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nam dự kiến thành lập thành phố Hà Nam trực thuộc Trung ương.
Phát triển đô thị xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu
Thực hiện Kế hoạch hành động ứng phó với Biến đổi khí hậu, UBND tỉnh Hà Nam cũng đã ban hành Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo và Tổ công tác giúp việc Ban Chỉ đạo ứng phó với biến đổi khí hậu tỉnh Hà Nam và từng bước đạt được nhiều kết quả trong quá trình thực hiện.
Về công tác quy hoạch, thực hiện quy hoạch: Đã đảm bảo việc thực hiện các quy định mới về thiết kế quy hoạch thoát nước ứng phó với biến đổi khí hậu theo QCVN 01:2021/BXD đối với các đồ án quy hoạch đô thị trên địa bàn tỉnh; đồng thời trong các đồ án quy hoạch luôn rà soát các hồ, ao, đầm theo danh mục đã được UBND tỉnh phê duyệt đảm bảo các hồ, ao, đầm, phá trong danh mục không được san lấp, đáp ứng chức năng điều hòa nước mưa góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu, tạo cảnh quan, môi trường, sinh thái cho đô thị và các điểm dân cư nông thôn. Công tác thiết kế công trình thoát nước đối với các tuyến tiêu thoát chính đô thị đã sử dụng hệ thống số liệu các kịch bản biến đổi khí hậu để đưa ra giải pháp thiết kế phù hợp, đảm bảo khả năng ứng phó biến đổi khí hậu.
Phối hợp chặt chẽ với Cơ quan Phát triển Pháp thực hiện dự án Kè chống sạt lở ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ dân sinh và phục vụ sản xuất nông nghiệp tỉnh Hà Nam, trong đó có nhiều nội dung hỗ trợ kỹ thuật nâng cao năng lực quản lý Nhà nước đối với ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh tại thành phố Phủ Lý nói riêng và tỉnh Hà Nam nói chung.
Về việc thực hiện phát triển đô thị tăng trưởng xanh, một số dự án ưu tiên đầu tư được triển khai thực hiện trong năm 2023 bao gồm: Dự án Nhà máy nước Đạo Lý và Dự án Công viên cây xanh Trung tâm hành chính thị xã Duy Tiên có quy mô diện tích khoảng 6,8ha. Đáng chú ý, thành phố Phủ Lý là đô thị được xác định thực hiện thí điểm đầu tư xây dựng đô thị tăng trưởng xanh theo Kế hoạch quốc gia và của tỉnh. Đối với đầu tư phát triển đô thị tăng trưởng xanh, UBND thành phố Phủ Lý đã đầu tư lắp đặt, nâng cấp hệ thống điện chiếu sáng các tuyến đường trên địa bàn các phường, xã, thay thế bóng đèn cao áp Sodium cũ bằng hệ thống bóng LED tiết kiệm điện năng. Qua đó giảm đáng kể tổn thất điện năng và chi ngân sách hàng năm cho tiền điện chiếu sáng đô thị.
Về tình hình thực hiện phát triển đô thị thông minh, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai đô thị thông minh và Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh tỉnh Hà Nam. Trên cơ sở nhiệm vụ, Sở Xây dựng đã trình UBND tỉnh ban hành Kế hoạch phát triển đô thị thông minh bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh Hà Nam đến năm 2030. UBND tỉnh tiếp tục giao Sở Thông tin và Truyền thông xây dựng Đề án xây dựng đô thị thông minh tỉnh Hà Nam, sớm xây dựng và ban hành Kiến trúc ICT phát triển đô thị thông minh, bảo đảm gắn kết, kế thừa các thành phần chức năng của Kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh Hà Nam.
Ông Nguyễn Quang Huy, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nam cho biết: Sở đã tham mưu, trình UBND tỉnh phê duyệt Đề cương Đề án “Xây dựng cơ sở dữ liệu quy hoạch, đô thị liên thông trên nền GIS phục vụ phát triển đô thị thông minh trên địa bàn tỉnh Hà Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, phê duyệt kế hoạch thuê dịch vụ công nghệ thông tin làm cơ sở xây dựng cơ sở dữ liệu quy hoạch đô thị liên thông phục vụ công tác quản lý, phát triển đô thị, phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo, công tác báo cáo lĩnh vực ngành, kết nối, chia sẻ dữ liệu với cơ sở dữ liệu dùng chung, nền tảng Bản đồ số của tỉnh.
Ngoài ra, UBND tỉnh đã thành lập Trung tâm điều hành thông minh tỉnh Hà Nam và giao cho Sở Thông tin và Truyền thông quản lý vận hành và khai thác, bao gồm: 09 màn hình 46 inch và hệ thống thiết bị điều khiển màn hình; 04 máy tính chuyên dụng để vận hành khai thác dữ liệu; hệ thống thiết bị mạng và các thiết bị phụ trợ khác và Hệ thống phần mềm lõi điều khiển. Hiện đã tích hợp, kết nối để thực hiện 05 hợp phần gồm: Giám sát, điều hành lĩnh vực Y tế; Giám sát, điều hành lĩnh vực Giáo dục; Giám sát, điều hành Dịch vụ công; Giám sát, điều hành gửi nhận văn bản điện tử và Giám sát, điều hành Lĩnh vực Kinh tế – Xã hội. Trung tâm điều hành thông minh tỉnh Hà Nam là nơi phân tích dữ liệu lớn, đưa ra cảnh báo, hỗ trợ ra quyết định ở các lĩnh vực đảm bảo chính xác, minh bạch.
UBND thành phố Phủ Lý đã đưa vào vận hành Trung tâm điều hành đô thị thông minh, với một số dịch vụ cơ bản ban đầu như: Phản ánh hiện trường; quản lý danh tiếng; giám sát an ninh công cộng, giám sát giao thông trên 02 tuyến đường Biên Hòa và Lê Duẩn qua hệ thống camera. Thời gian tới, thành phố sẽ nghiên cứu, tiếp tục triển khai hệ thống giám sát an toàn thông tin, nâng cấp IOC, mở rộng các tiện ích, bổ sung các tính năng của dịch vụ đô thị thông minh đã triển khai.
Trao đổi với phóng viên, ông Dương Mạnh Hưng, sống tại thành phố Phủ Lý cho biết: Trong thời gian qua, bộ mặt đô thị của thành phố Phủ Lý thay đổi khá rõ rệt, các dự án hạ tầng được ưu tiên đầu tư. Bên cạnh đó, cùng với sự phát triển đô thị, việc xây dựng các không gian xanh, vui chơi thể thao, văn hóa cũng được các cấp chính quyền quan tâm để nâng cao đời sống cho người dân, điều này làm bà con nhân dân hết sức phấn khởi.
Nguồn: Báo xây dựng