Bảo đảm dự thầu của liên danh thế nào là hợp lệ?

(Xây dựng) – Cơ quan ông Nguyễn Việt Hòa (Bắc Ninh) đang thực hiện đánh giá dự thầu gói thầu phi tư vấn qua mạng sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước. Bảo đảm dự thầu của một nhà thầu liên danh do thành viên đứng đầu liên danh thực hiện cho cả liên danh bằng hình thức bảo lãnh theo Mẫu số 04B của E-HSMT.

Bảo đảm dự thầu của liên danh thế nào là hợp lệ?
Ảnh minh họa.

Tuy nhiên, E-HSDT không có tài liệu chứng minh các thành viên liên danh thỏa thuận để thành viên đứng đầu liên danh thực hiện bảo đảm dự thầu cho cả liên danh theo chỉ dẫn tại Mục 18.1 E-CDNT của E-HSMT và quy định tại Khoản 7 Điều 14 Luật Đấu thầu.

Ông Hòa hỏi, trường hợp này bảo đảm dự thầu của nhà thầu có hợp lệ hay không?

Về vấn đề này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có ý kiến như sau:

Theo quy định tại Điểm d Khoản 3 Điều 24 Nghị định số 24/2024/NĐ-CP của Chính phủ, hồ sơ dự thầu hợp lệ phải có bảo đảm dự thầu với giá trị, thời hạn hiệu lực và đơn vị thụ hưởng đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời thầu.

Trường hợp quy định bảo đảm dự thầu theo hình thức nộp thư bảo lãnh hoặc giấy chứng nhận bảo hiểm bảo lãnh thì thư bảo lãnh, giấy chứng nhận bảo hiểm bảo lãnh không vi phạm một trong các trường hợp sau đây: Có giá trị thấp hơn, thời gian có hiệu lực ngắn hơn so với yêu cầu của hồ sơ mời thầu, không đúng tên đơn vị thụ hưởng, không có chữ ký hợp lệ, ký trước khi phát hành hồ sơ mời thầu, có kèm theo các điều kiện gây bất lợi cho chủ đầu tư, bên mời thầu.

Thư bảo lãnh hoặc giấy chứng nhận bảo hiểm bảo lãnh phải được đại diện hợp pháp của tổ chức tín dụng trong nước hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thành lập theo pháp luật Việt Nam, doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ trong nước, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài được thành lập theo pháp luật Việt Nam ký tên, đóng dấu (nếu có).

Đối với gói thầu bảo hiểm, nhà thầu tham dự thầu không được xuất trình giấy chứng nhận bảo hiểm bảo lãnh do mình phát hành.

Theo hướng dẫn tại Mục 18.1 Chương I mẫu E-HSMT dịch vụ phi tư vấn một giai đoạn một túi hồ sơ ban hành kèm theo Thông tư số 06/2024/TT-BKHĐT, trường hợp liên danh thì phải thực hiện biện pháp bảo đảm dự thầu theo một trong hai cách sau:

a) Từng thành viên trong liên danh sẽ thực hiện riêng rẽ bảo đảm dự thầu nhưng bảo đảm tổng giá trị không thấp hơn mức yêu cầu quy định tại Mục 18.2 E-CDNT; nếu bảo đảm dự thầu của một thành viên trong liên danh được xác định là không hợp lệ thì E-HSDT của liên danh đó sẽ không được xem xét, đánh giá tiếp. Nếu bất kỳ thành viên nào trong liên danh vi phạm quy định của pháp luật dẫn đến không được hoàn trả giá trị bảo đảm dự thầu theo quy định tại Điểm b Mục 18.5 E-CDNT thì giá trị bảo đảm dự thầu của tất cả thành viên trong liên danh sẽ không được hoàn trả;

b) Các thành viên trong liên danh thỏa thuận để một thành viên chịu trách nhiệm thực hiện biện pháp bảo đảm dự thầu cho thành viên liên danh đó và cho thành viên khác trong liên danh. Trong trường hợp này, bảo đảm dự thầu có thể bao gồm tên của liên danh hoặc tên của thành viên chịu trách nhiệm thực hiện biện pháp bảo đảm dự thầu cho các thành viên trong liên danh nhưng bảo đảm tổng giá trị không thấp hơn mức yêu cầu quy định tại Mục 18.2 E-CDNT. Nếu bất kỳ thành viên nào trong liên danh vi phạm quy định của pháp luật dẫn đến không được hoàn trả giá trị bảo đảm dự thầu theo quy định tại Điểm b Mục 18.5 E-CDNT thì giá trị bảo đảm dự thầu của tất cả thành viên trong liên danh sẽ không được hoàn trả.

Theo đó, việc đánh giá tính hợp lệ của E-HSDT (trong đó có bảo đảm dự thầu) thực hiện theo E-HSMT trên cơ sở quy định nêu trên và thuộc trách nhiệm của tổ chuyên gia, bên mời thầu.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích