Quảng Trị: Huyện Vĩnh Linh đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhì và huyện đạt chuẩn nông thôn mới

(Xây dựng) – Tối 25/8, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm truyền thống 25/8 (1954- 2024), đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhì và huyện đạt chuẩn nông thôn mới (NTM).

Quảng Trị: Huyện Vĩnh Linh đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhì và huyện đạt chuẩn nông thôn mới
Lãnh đạo huyện Vĩnh Linh đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhì.

Cách đây tròn 70 năm, sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Hiệp định Genève được ký kết. Theo nội dung Hiệp định, đất nước tạm thời bị chia ra hai miền Nam – Bắc, dự kiến chờ hai năm sẽ tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Vĩ tuyến 17 được xác định là giới tuyến quân sự tạm thời.

Thi hành các điều khoản của Hiệp định Genève, ngày 25/8/1954, tại Hồ Xá, đại diện quân đội Pháp đã ký vào biên bản bàn giao vùng phía Bắc vĩ tuyến 17 cho phái đoàn ta và rút quân về bờ Nam sông Bến Hải đánh dấu bước ngoặt quan trọng của lịch sử. Ngày 25/8/1954 đã trở thành ngày truyền thống của quê hương Vĩnh Linh.

Từ ngút trời đạn bom chiến tranh, trong đổ nát hoang tàn, song 70 năm sau ngày hòa bình lập lại (1954 – 2024), đặc biệt là sau gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới do Đảng cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo, bằng sức người, sức của và khát vọng vươn mình đổi thay, phát triển, Vĩnh Linh đã có những bước chuyển mình rất đáng khích lệ. Cụ thể là kinh tế có bước tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng giảm dần tỷ trọng ngành nông – lâm – ngư nghiệp, tăng dần tỷ trọng ngành công nghiệp – xây dựng và thương mại – dịch vụ. Đến cuối năm 2023, tỷ trọng nông – lâm – ngư nghiệp chiếm 22,4%; công nghiệp – xây dựng chiếm 31,6%; thương mại – dịch vụ chiếm 46% trong tổng giá trị sản xuất. Nhiều mô hình sản xuất mới có ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp đã xuất hiện ở nhiều địa phương như mô hình trồng rau sạch theo phương pháp thuỷ canh, dưa lưới trong nhà màng, lúa hữu cơ, nuôi tôm theo công thức 2, 3 giai đoạn… Một số sản phẩm hàng hoá của Vĩnh Linh như: Cao su, hồ tiêu, lạc, môn khoai từ tía, dưa hấu, đậu xanh… đã được đăng ký thương hiệu, nhãn mác phục vụ cho tiêu dùng và xuất khẩu. Công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động được quan tâm, hàng năm tạo việc làm mới cho trên 2.430 lao động, góp phần vào việc thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo của địa phương. Huyện đã hoàn thành và giữ vững kết quả phổ cập giáo dục bậc tiểu học, THCS và trẻ mầm non 5 tuổi, hoàn thiện việc sáp nhập, sắp xếp lại các trường học ở các cấp học theo hướng tinh gọn, hoạt động có hiệu quả theo nội dung Nghị quyết số 19-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Công tác quản lý giáo dục và nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên được chú trọng, công tác kiểm định và đánh giá cơ sở giáo dục được thực hiện nghiêm túc, chất lượng giáo dục đại trà ổn định, thực chất, chất lượng mũi nhọn đã có bước đột phá với những kết quả nổi bật.

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM và giảm nghèo bền vững đạt được nhiều kết quả to lớn. Đến nay Vĩnh Linh có 15/15 xã về đích NTM, 4/15 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; sản lượng lương thực ước đạt 42,177 nghìn tấn; thu nhập bình quân đầu người đạt 59,4 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,99%; trên 99,8% người dân sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh và trên 97,8% người dân được tham gia bảo hiểm y tế. Công tác chính sách xã hội, nhất là chính sách đối với người có công cách mạng, chính sách đối với người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số được thực hiện tốt.

Với những thành tích xuất sắc trong sự nghiệp đổi mới, tháng 8/2007, cán bộ và nhân dân huyện Vĩnh Linh vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhì; tháng 11/2011 được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động; năm 2014 được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất và tháng 8/2024 thêm một lần nữa, huyện Vĩnh Linh vinh dự được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhì và công nhận huyện đạt chuẩn NTM năm 2024.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích