Lời ru về đâu?
(Xây dựng) – Những ngày giãn cách xã hội vì dịch bệnh, đường phố lặng lẽ, những ngôi nhà cửa đóng then cài. Thỉnh thoảng có tiếng trẻ khóc u ơ kéo dài nhưng tịnh không nghe thấy tiếng ru. Mà chẳng cứ những ngày này, những ngày bình yên cũng vậy, tiếng ru dường như bay về cõi xa xăm hết rồi…
Tôi nhớ chuyến đi công tác miền núi, chặng đường về trên xe khách giường nằm, bên cạnh tôi là người mẹ trẻ ôm con. Đứa bé khoảng hơn một tuổi, chốc chốc lại ré lên khóc từ lúc lên xe. Chuyến xe đêm chạy êm ru khiến ai cũng muốn chìm vào giấc ngủ nhưng đứa bé khóc quá. Đã có ánh mắt từ cảm thông chuyển sang khó chịu. Tôi bảo: “Em cho con bú thêm đi!”, nhưng chỉ được một lát, bé lại buông ra khóc. Người mẹ bối rối vỗ mông đứa trẻ. “Chắc bé đi ôtô khó chịu”. “Sao em không hát ru bé thử xem! – “Nhưng em không biết hát ru!”. Tôi quay sang nựng nịu cháu. Cặp mắt đen tròn ướt nước ngước nhìn tôi và đôi môi méo xệu. “Để chị bế đỡ cho một lát nào! Em đi đâu mà chỉ có hai mẹ con đêm hôm thế này?”. “Dạ, mẹ con em về Hà Nội thăm bố cháu ốm đang nằm viện ạ!”. Tôi bế cháu trong niềm thương cảm, cất tiếng ru nhẹ nhàng. Bé nằm yên ả trong vòng tay tôi, lắng nghe mơ màng và nín rất nhanh, đôi lúc còn đưa những ngón tay bé bỏng sờ lên mặt dây chuyền ở cổ tôi, toét cười nhìn lên rồi dần dần khép hàng mi cong rợp… Tiếng xe rì rầm trong đêm. Không gian yên tĩnh. Những bóng núi đen thẫm lướt qua….
Cô gái khẽ khàng: “Bác hát ru hay quá!”
– Mọi người mẹ đều hát ru hay mà em! Và ai cũng biết hát ru. Em thử xem!
– Giờ cánh trẻ bọn em ít biết hát ru lắm ạ. Ở nhà em toàn mở điện thoại cho cháu nghe thôi. Đi đường em không dám mở, sợ máy hết pin và khi cần không liên lạc được.
– Chẳng máy nào thay được vòng tay, nhịp tim và lời ru người mẹ đâu em! Ngày chị còn bé, làng quê ai cũng biết hát ru, hầu như ai cũng thuộc những bài ca dao, dân ca, người lớn, trẻ con đều biết hát. Tiếng à ơi cùng tiếng võng đưa kẽo kẹt ấm áp, thân thuộc với tất cả mọi người, ngân nga từ những ngôi nhà nhỏ êm đềm…
Trong màn đêm mờ sương mênh mang, tiếng bánh xe lăn như đưa tôi ngược về quá khứ. Làng quê nhỏ bé rợp bóng tre xanh có cánh đồng lúa, đồng màu bao quanh. Xa xa là ngọn núi rợp bóng thông,chiếc lô cốt xám xịt án ngữ trên đỉnh núi. Phía Bắc là cánh đồng ngập nước chạy dài đến bờ đê và dòng sông lờ lững bao đời… Buổi trưa, buồi tối, tiếng hát ru thân cò, thân vạc lặn lội bờ sông vang lên từ những ngôi nhà cửa ngõ mở thông, ẩn dưới bóng vườn xanh mát…
Phải nói là ngày ấy ở làng quê, hầu hết nhà nào cũng đông con. Trẻ con trong xóm cứ từng đoàn bế em chạy đuổi nhau, chơi đầy một sân. Tôi nhớ nhà bác Kham ngay sau nhà tôi cũng có đến chín người con. Bác đặt tên toàn vần “Kh” tám đứa con trai. Đến đứa út bác bảo không đặt vần Kh nữa, đổi xem thế nào thì được cô con gái tên Phượng nõn nà. Đông con nên các bậc cha mẹ tất bật ngoài đồng kiếm sống. Con cái trứng gà trứng vịt ở nhà được ông bà chăm hoặc đứa lớn tha đứa bé như mèo tha chuột. Được cái hát ru thì già trẻ lớn bé đều giỏi. Bà ru, mẹ ru rồi trẻ con nghe thường xuyên mãi cũng thuộc ru nhau.
Những câu hát ngày xưa sao mà thân thương thế. Ngọt ngào tha thiết có, buồn thương, vui vẻ cũng có. Lũ trẻ vô tư hát ru em ngủ. Người lớn có lúc như gửi cả lòng mình vào câu hát, lúc yêu thương, lúc nhớ nhung, than thân trách phận… Dường như không đếm nổi những bài ru sau tiếng à ơi…bởi kho ca dao, dân ca dân gian dường như vô tận, chưa kể những bài ru mới nữa. Tôi nhớ riêng lời ru về con cò đã bao bài khác nhau rồi: “Con cò là con cò con/ Mẹ đi xúc tép bỏ con ở nhà…”; “Con cò là con cò già… mang ra giữa chợ lột da bưng bòng…”; “Con cò lặn lội bờ sông/ gánh gạo đưa chồng nước mắt nỉ non…”; “Cái cò cái vạc cái nông/ sao mày dẫm lúa nhà ông hỡi cò…”; “Con cò là con cò quăm/ Chửa ra đến chợ đã chăm ăn quà…”; “Cái cò đi đón cơn mưa/ Tối tăm mù mịt ai đưa cò về….”, “Cái cò là cái cò quăm/ mày hay đánh vợ mày nằm với ai”… Lũ trẻ cứ biết nói là ê a hát theo hết bài này sang bài khác, mở đầu bằng à ơi… kết thúc bằng ạ ời… Đôi khi là những câu đồng dao bất tận, có vẻ ngô nghê mà không hiểu sao chúng tôi rất thích. Một trong những bài đó là khúc ru mà ai cũng thuộc, mỗi nơi có những dị bản chỉ đôi chút khác nhau thôi:
À ơi… Cái ngủ mày ngủ cho ngoan
Mẹ còn vất vả lo toan tối ngày
Cái ngủ mày ngủ cho say
Để mẹ đi cấy đi cày đồng sâu
Cái ngủ mày ngủ cho lâu
Mẹ còn đi cấy đồng sâu lâu về
Bắt được con chuối, con trê
Cầm cổ lôi về nấu cái ngủ ăn…
Ngủ ăn không hết để dành đến Tết mùng ba/ mèo già ăn vụng/ mèo ốm phải đòn/mèo con phải vạ/ con quạ đứt đuôi/ con ruồi đứt cánh/ đòn gánh có mấu/ châu chấu có càng/ việc làng có mõ/ cắt cỏ có liềm/ câu liêm có lưỡi/ cây bưởi có hoa/ cây cà có quả/ con cá có vây….
Lũ trẻ khoái chí hát nối đến hết hơi kiểu vòng tròn như đọc ráp bây giờ, ngay cả khi em đã ngủ những bài như: “Con kiến mà leo cành đa/ leo phải cành cộc leo ra leo vào/ con kiến mà leo cành đào/ leo phải cành cộc leo vào leo ra”… Rồi: “Sáo sậu là cậu sáo đen/ sáo đen là em tu hú/ tu hú là chú bồ các/ bồ các là bác chim ri/ chim ri là dì sáo sậu”… Ấy là những lúc ru em thi đua nhau thôi, còn phần lớn lũ trẻ hát những bài lục bát mượt mà êm dịu. Những là “Bà còng đi chợ trời mưa/ cái tôm cái tép đi đưa bà còng…”; “Bồng bồng cõng chồng đi chơi/ đi đến chỗ lội đánh rơi mất chồng…; “Con gà cục tác lá chanh…; “Trâu ơi ta bảo trâu này/ trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta; “Công cha như núi Thái Sơn/ nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra…; “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ người trong một nước phải thương nhau cùng”… Lạng Sơn có chợ Kỳ Lừa/ có nàng Tô Thị có chùa Tam Thanh…
Tôi luôn thích nghe những bài ca của bà, của mẹ ngọt ngào sâu lắng. Đôi khi càng nghe, càng tỉnh: “Con ơi muốn nên thân người/ Lắng tai nghe lấy những lời mẹ cha…”; Con ơi nhớ lấy câu này/ cướp đêm là giặc cướp ngày là quan…”; Anh em như thể chân tay/ rách lành đùm bọc, dở hay giữ gìn…; “…Một ngôi sao chẳng sáng đêm/ một thân lúa chín chẳng nên mùa vàng…; “Thân em như hạt mưa rào/ …thân em như hạt mưa sa/ hạt vào đài các, hạt ra ruộng cày; “Chàng ơi phụ thiếp làm chi/ thiếp như cơm nguội đỡ khi đói lòng”…
Tôi nhớ bà tôi còn hát rất hay những khúc Trống quân, Cò lả, lảy Kiều, ngâm truyện Nôm khuyết danh… Mẹ tôi thì hát dân ca quan họ, những bài nhạc xanh, nhạc đỏ, thơ cách mạng và cả những bài hát Nga êm đềm phổ biến thời ấy nữa… Cho đến bây giờ, tôi vẫn không thể nào quên những lời ru mộc mạc, tiếng hát dịu dàng trong tiếng gà trưa eo óc, tiếng võng kẽo kẹt hay những đêm thu u buồn và dáng những người đàn bà lam lũ bên đàn con cháu, trong những ngôi nhà thiếu vắng đàn ông…
Cặp mắt bà tôi thăm thẳm dõi về xa khi ngâm Kiều ru cháu: “Buồn trông cửa bể chiều hôm/ Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa”… Tưởng như bao nỗi nhớ các con nơi chiến trường xa đọng trong từng lời ru của bà. Và khi mẹ tôi hát: “Tựa bến sông thoáng bóng ai in trong màn sương mờ”…, “Trông hoa thắm tuyệt vời em nhớ người thương yêu quý/ biệt khuất nơi chân trời em nguyện một đời chờ mong”… là tôi biết mẹ muốn gửi cả lòng mẹ vào lời ru tới người đàn ông yêu thương của đời mẹ đang cầm súng bảo vệ quê hương…
Tôi đã bao phen khóc cười theo những câu chuyện Nôm bà kể về nàng Cúc Hoa, Ngọc Hoa đẹp người, đẹp nết, về Thị Kính oan khiên; đã ước mơ mình xinh đẹp, học tú tài như nàng Tuấn Khanh giả trai tuấn tú… Tôi cũng yêu mẹ biết bao mỗi khi mẹ hát “Gió mùa thu mẹ ru con ngủ”, “Miệng con chúm chím xinh xinh/ như đài hoa đang hé trên cành”… Tôi thương những thân cò, thân vạc trong câu ca mang bóng dáng của bà, của mẹ, của cô bác nơi xóm làng gần gũi, ngày ngày lặn lội đồng xa…
“Sữa nuôi phần xác hát nuôi phần hồn” là đây! Chúng tôi đã một thời bình dị lớn lên như thế, với tâm hồn lồng lộng gió đồng, trong trẻo như giọt sương mai đậu trên triền cỏ mỗi sớm và ăm ắp tình yêu thương, nghĩa nhân. Lời ru của mẹ đi theo suốt cuộc đời, như một mũi tên ánh sáng lấp lánh chỉ đường cho những đứa con: “Ta đi trọn kiếp con người/ Cũng không đi hết mấy lời mẹ ru”… (Nguyễn Duy).
Lời ru đang đi về đâu? Trên thế gian này có bà mẹ nào mà không biết hát ru? Có bà mẹ nào khi ôm con trong vòng tay, ngắm vầng trăng non bé bỏng của mình với đôi môi hồng bé xíu, đôi má thơm thơm mùi sữa mà trái tim không muốn ngân nga những giai điệu đẹp nhất trên đời! Nhà thơ nổi tiếng Ra xun Gamzatop trong cuốn “Đaghextan của tôi”… đã viết những lời giản dị mà rất thấm thía rằng: “Một dân tộc không thể tồn tại mà lại thiếu bài ca!”, nhất là bài ca của Mẹ:
“Không một ai trên đời
Nằm trong nôi thuở bé
Lại không nghe lời ru
Đầy dịu dàng của mẹ”…
…”Bài ca của mẹ là sự khởi đầu, là ngọn nguồn của mọi bài ca con người. Nụ cười đầu tiên và giọt nước mắt cuối cùng – bài ca của mẹ đã là như thế.
Bài ca sinh ra từ trong trái tim, trái tim truyền lại cho miệng hát, miệng hát truyền lại cho mọi trái tim và mọi trái tim truyền mọi bài hát lại cho muôn đời sau”.
Vậy nên em gái ơi! Những người mẹ trẻ ơi! Em đừng nói rằng mình không biết hát ru nhé! Rằng mình quá bận và mệt mỏi nhé! Hãy thử cất lên tiếng hát của trái tim mình! Chẳng có gì khiến bé ngủ ngoan và lớn ngoan bằng bầu sữa và tiếng ru ngọt ngào, bao la tình thương của mẹ! Đừng để những lời ru lạc vào câu chuyện cổ! Đừng để phần hồn mỗi đứa con bé bỏng đói khát trong một xã hội hiện đại đang mất dần lời ru thiên nhiên và còn nhiều thứ đói khát này! Cùng cất lên lời ca từ trái tim, làm tròn sứ mệnh vinh quang mà tạo hóa giao phó, để chị em phụ nữ mãi mãi tự hào mà khẳng định mình như lời ngợi ca:
“Không có mặt trời hoa không nở
Dạ vắng yêu thương dạ những sầu
Đời thiếu mẹ hiền, không phụ nữ
Anh hùng, thi sĩ hỏi còn đâu”!
(Maksim Gorki)
Nguồn: Báo xây dựng