Hà Tĩnh: Hàng loạt xe có dấu hiệu cơi nới, quá khổ, quá tải, ô nhiễm môi trường tại Can Lộc

Hà Tĩnh: Hàng loạt xe có dấu hiệu cơi nới, quá khổ, quá tải, ô nhiễm môi trường tại Can Lộc

Xe vận chuyển đất ra khỏi mỏ không qua trạm cân, hàng loạt xe cơi nới có dấu hiệu quá khổ, quá tải vận chuyển khoáng sản liên tục gây ô nhiễm môi trường, tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT… đó là tình trạng đang xảy ra hàng ngày trên địa bàn xã Thượng Lộc (Can Lộc)

Thời gian qua, người dân xã Thượng Lộc (Can Lộc, Hà Tĩnh) đang phải sống trong ô nhiễm khi hàng loạt xe chở đất phục vụ dự án cao tốc liên tục chở quá khổ quá tải.

Hoạt động khai thác tại 2 mỏ đất thuộc Công ty CP Xây dựng công trình Sông Hồng và Tổng Công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) một cách rầm rộ nhưng không lắp đặt trạm cân, xe tránh né khi qua trạm cân, không có camera giám sát… Đường làng bụi mù, không khí ngột ngạt, và những nguy cơ tai nạn giao thông luôn rình rập khiến cuộc sống của người dân ngày càng khốn đốn. Mặc dù đã nhiều lần phản ánh lên cơ quan chức năng, nhưng tình trạng này kéo dài vẫn chưa được giải quyết, khiến người dân vô cùng bức xúc và lo lắng.

tm-img-alt
Người dân xã Thượng Lộc (Can Lộc) đang phải sống trong cảnh “kêu trời” khi hàng loạt xe chở đất phục vụ dự án cao tốc liên tục chở quá khổ quá tải, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Xe cơi nới đi như ‘trẩy hội” khiến cuộc sống người dân bất an

Phản ánh tới tòa soạn Môi trường và Đô thị Việt Nam, người dân ở thôn Sơn Bình, xã Thượng Lộc, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) tỏ ra rất bức xúc trước tình trạng trên tuyến đường dân sinh đi qua địa bàn thường xuyên có rất nhiều xe chở đất từ mỏ đất của Tổng công ty Vinaconex và mỏ Sông Hồng phục vụ dự án cao tốc có dấu hiệu quá khổ quá tải chạy qua gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, mất an toàn giao thông và làm tuyến đường bị xuống cấp, hư hỏng.

tm-img-alt
Người dân ở thôn Sơn Bình, xã Thượng Lộc, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) tỏ ra vô cùng bức xúc.

Sau khi nhận được phản ánh và có mặt tại tuyến đường thôn Sơn Bình và tuyến đường 70 liên tỉnh, PV quan sát thấy, dù đường đổ bê tông nhưng mặt đường luôn phủ một lớp bùn đất. Hai bên đường hằn lún nặng, có nơi tạo thành rãnh sâu, trên đường bắt đầu xuất hiện nhiều ổ voi, ổ chuột. Một số đoạn đường đã nứt nẻ, xuống cấp một cách trầm trọng, đất rơi vãi phủ kín mặt đường.

tm-img-alt
Dù đường đổ bê tông nhưng mặt đường luôn phủ một lớp bùn đất.

Chỉ trong vòng khoảng 2 tiếng, PV đã chứng kiến đến hàng trăm lượt xe trọng tải lớn nối đuôi nhau, nặng nề luồn lách qua những đoạn đường gồ ghề, trên xe chở đầy đất. Mỗi lần xe đi qua, cả người đi xe máy lẫn đi bộ đều phải dạt qua hai bên đường để tránh bụi bẩn, tránh cả tình trạng đất đá rơi vãi trúng người gây tai nạn giao thông.

tm-img-alt
Con đường tại xã Thượng Lộc (Can Lộc) đang ngày đêm oằn mình chống đỡ xe cơi nới, có dấu hiệu quá khổ quá tải.

Nhiều hộ dân sinh sống dọc các tuyến đường đi vào các mỏ khai thác đất sống trong lo âu, bất an, bởi chính họ tận mắt chứng kiến tình trạng xe tải vận chuyển đất ra vào, phóng nhanh, vượt ẩu, gây nguy hiểm cho người đi đường.

Theo chia sẻ của người dân “Xe ở đây chạy rất nhiều, số lượng xe lên đến gần trăm chiếc, chạy cả ngày lẫn đêm, xe bắt đầu chạy từ 4 giờ sáng cho đến đêm muộn, đường thì nhỏ nhưng số lượng xe quá nhiều gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và nguy cơ mất an toàn giao thông”.

tm-img-alt
Bụi bay mịt mù, không còn lối đi nào khác cho người dân tham gia giao thông.

Ông T, một người dân trên địa bàn xã Thượng Lộc bức xúc nói: “Xe chạy cả ngày cả đêm, hầu như không nghỉ ngơi giờ nào. Họ chở đất cho dự án đường cao tốc, vào ngày mưa đường lầy lội không khác gì đường đất, còn những ngày nắng thì bụi bặm bay vào đầy nhà, quét như thế nào cũng không sạch được, nhà phải đóng cửa cả ngày không dám mở vì bụi quá nhiều”. Ông T còn cho biết thêm, “trời nắng cũng thấy họ tưới nước, nhưng cũng chỉ được một thời gian ngắn thì đâu lại vào đó, vì tưới xong nhưng lượng xe lưu thông qua lại quá nhiều nên vẫn bụi bặm như cũ. Xe lớn mà họ chạy quá nhanh nên trên cung đường đường này xảy ra tai nạn cũng rất thường xuyên”.

tm-img-alt
Mặc cho các tuyến đường trong khu dân cư nhưng loạt xe trọng tải lớn vẫn tự do đậu, quay đầu gây mất ách tắc giao thông.

Cũng theo chia sẻ của chị H, người dân thôn Sơn Bình: “ Xe chạy chở đất ở đây ảnh hưởng quá lớn đến đời sống của người dân, xe chạy nhanh, chở quá đầy, nhiều xe che chắn một cách rất sơ sài dẫn đến rơi vãi và bụi bặm ngút trời. Ở nhà mà luôn phải đóng cửa suốt ngày, có lúc đang ngồi ở trước cửa nhà mà xe chở nhiều lại chạy quá nhanh khiến đá rơi bắn thẳng vào đến cửa nhà khiến bọn em hoảng hồn”.

Nhìn xe chạy kiểu đấy nhiều lúc cũng thấy sợ không muốn ra đường, nhà thì có nhiều con cháu nhỏ nên cũng rất sợ. Thời điểm này các cháu đang nghỉ hè còn đỡ chứ vài hôm nữa các cháu đi học lại rồi nên gia đình và bản thân cũng rất lo lắng lắm. Lo sợ an toàn giao thông luôn rình rập, nghĩ đến việc các cháu đi học trên tuyến đường này vừa thấy thương, vừa thấy lo. Chị H cho biết.

tm-img-alt
Hầu hết các chuyến xe này đều ngoài tỉnh không gắn BKS phía sau xe nhằm tránh bị chụp ảnh, ghi hình?

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Xuân Diệu, Chủ tịch UBND xã Thượng Lộc cho biết, “trên địa bàn có 2 mỏ phục vụ cho dự án cao tốc nhưng lại chung một chủ sở hữu của công ty Vinaconex. Đối với vấn đề môi trường mà người dân phản ánh thì bọn anh cũng đã nắm được và cũng đã có nhiều cuộc họp với các đơn vị thi công. Vấn đề quá khổ, quá tải thì tỉnh, huyện họ cũng chắc chắn biết cả. Họ cũng đã cam kết với các đơn vị ví dụ như: đường sá ở xã thì cam kết với xã, đường tỉnh thì cam kết với tỉnh”.

tm-img-alt
tm-img-alt
Qua hình ảnh chúng ta có thể thấy, các chuyến xe tự cơi nới vượt cao hơn 1 mét vẫn nghênh ngang chạy không thấy bóng dáng một cơ quan chức năng nào đi tuần tra kiểm soát.

“Vấn đề dân sinh thì bọn anh cũng biết, cũng đề xuất nhiều. Làm việc thì yêu cầu thời gian, tưới nước, nhưng mà cũng không tránh khỏi sự ảnh hưởng của môi trường quá nặng nề đối với nhân dân. Cái này cũng là việc khó vì địa phương đã làm việc nhiều lần, thứ hai nữa là cũng khai thác mùa nắng nóng tưới nước xong chút là nó khô bụi, mà tưới thì đi ướt nhoẹt đường. Ông Diệu nói…

Theo ghi nhận thực tế của PV thì hiện tại vẫn còn rất nhiều xe có dấu hiệu cơi nới cao cả mét, chở quá khổ, quá tải để phục vụ cho Công ty CP Trường Long có địa chỉ tại tỉnh Kon Tum thi công đường cao tốc như các xe mang biển số: 90H-00807, 90G-00166, 37H-05015, 38H-02501, 90H-02630, 98C-19429, 38H-06606, 36H-04388, 90H-00807, 36H00067, 36H-04331, 82C-05720, 36H-00900…

tm-img-alt
Xe tải trọng lớn nối đuôi nhau chạy hết cả phần đường của người tham gia giao thông.

Đặc biệt điều đáng nói ở đây là có rất nhiều xe có dấu hiệu cơi nới thành thùng cao hơn cả mét, chở quá khổ, quá tải nhưng không lắp đặt biển số phía sau xe, hoặc có nhưng cố tình để bùn đất lấp đi. Tuy nhiên vẫn được ngang nhiên lộng hành mà không có một cơ quan chức năng nào kiểm tra, xử lý.

Lắp đặt trạm cân kiểu đối phó?

Theo nguồn tin tìm hiểu của nhóm PV, Ngày 7/3, tỉnh Hà Tĩnh cấp giấy phép khai thác khoáng sản số 559 cho DNTN Sỹ Hà để khai thác đất làm vật liệu san lấp phục vụ thi công Dự án thành phần đoạn Bãi Vọt – Hàm Nghi.

tm-img-alt
tm-img-alt
Các chuyến chất đất cao vút ngọn vẫn ngang nhiên chạy với tốc độ cao khiến bụi bay mù mịt.

Thay vì tiến hành các hoạt động khai thác theo quy định, ngày 9/5/2024, DNTN Sỹ Hà đã ký Hợp đồng chuyển nhượng quyền khai thác khoáng sản với Công ty CP Xây dựng công trình Sông Hồng, nhượng lại toàn bộ mỏ đất này. Trên cơ sở đơn đề nghị của DNTN Sỹ Hà, Sở TN&MT Hà Tĩnh đã có văn bản tham mưu để ngày 26/6/2024, UBND tỉnh Hà Tĩnh ban hành công văn cấp giấy phép khai thác khoáng sản số 1572, Cho phép Công ty CP Xây dựng công trình Sông Hồng thay thế DNTN Sỹ Hà được tiếp tục khai thác đất làm vật liệu san lấp bằng phương pháp lộ thiên tại khu vực mỏ đất san lấp đồi Thung Bằng, khai thác đất làm vật liệu san lấp phục vụ thi công Dự án thành phần đoạn Bãi Vọt – Hàm Nghi.

tm-img-alt
tm-img-alt
Hình ảnh mà nhóm PV ghi lại được tại mở đất thuộc Công ty CP Xây dựng công trình Sông Hồng khi hoàng loạt các chuyến xe ra vào lấy đất không đi qua trạm cân. 

Ghi nhận tại mỏ đất trên, tình trạng xe vận chuyển khoáng sản nhưng không qua trạm cân, camera giám sát là lỗ hổng dẫn tới nguy cơ thất thoát tài nguyên và thất thu thuế.

Tình trạng các phương tiện vận chuyển khoáng sản không qua trạm cân có thể gây khó khăn cho công tác quản lý tài nguyên khoáng sản cũng như kiểm soát tải trọng phương tiện trên địa bàn, gây thất thu ngân sách Nhà nước.

Bên cạnh đó, cách không xa là mỏ đất của Tổng Công  ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) hàng chục chuyến xe đang ồ ạt đua nhau lấy tài nguyên đất mang đi nhưng điều lạ thay tại khu vực mỏ lại không thấy lắp một cái trạm cân nào…

tm-img-alt
Cách đây ít ngày, vì tranh giành đường nên các xe đã va chạm gây mất trật tự giao thông trên tuyến đường.

Theo khoản 2 Điều 42 Nghị Định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản cóquy định “Tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản, trừ hộ kinh doanh phải lắp đặt trạm cân tại vị trí đưa khoáng sản nguyên khai ra khỏi khu vực khai thác; lắp đặt camera giám sát tại các kho chứa để lưu trữ thông tin, số liệu liên quan”.

Quy định này nhằm kiểm soát chặt chẽ sản lượng khoáng sản khai thác thực tế của các tổ chức, cá nhân, ngăn chặn tình trạng khai báo sai thực tế sản lượng khoáng sản khai thác hàng tháng khi kê khai nộp thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường của các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản, chống thất thu ngân sách nhà nước. Việc không đi qua trạm cân tại mỏ khoáng sản chính là lỗ hỏng dẫn tới nguy cơ thất thoát tài nguyên và thất thu thuế.

tm-img-alt
tm-img-alt
Cuộc sống người dân xóm Sơn Bĩnh bị đảo lộn, cửa đóng then cài không dám ra khỏi nhà vì tiếng ồn, bụi bẵm.

Quy định là vậy, nhưng tại mỏ đất của  Tổng công ty Vinaconex vẫn  tồn tại tình trạng xe chở đá đem đi tiêu thụ không thực hiện việc cân tải trọng tại trạm cân.

Theo hình ảnh mà PV Môi trường và Đô thị Việt Nam ghi nhận ngày 20/8 về tình trạng nhiều xe tải chở đất từ 2 mỏ đất trên có dấu hiệu không thực hiện cân tải trọng tại trạm cân. Tại mỏ đất có lắp đặt trạm cân nơi vị trí đường ra và camera giám sát trước các kho chứa để lưu trữ thông tin, số liệu theo quy định. Tuy nhiên, các xe tải ra vào mỏ không thực hiện việc cân tải trọng đầu vào. Sau khi chất đầy đất, xe không đi qua trạm cân, camera giám sát mà chở thẳng đến nơi tiêu thụ. 

tm-img-alt
tm-img-alt
Suốt cả tuyến đường không thấy bóng dáng một cơ quan chức năng nào tuần tra, kiểm soát khiến cho các xe đi như trậy hội.

Điều này cho thấy, việc các xe lấy đất từ mỏ ra không qua trạm cân là hành vi trốn thuế. Theo quy định, đơn vị khai thác phải lắp đặt trạm cân, xe chở khoáng sản sau khi khai thác và chế biến phải đi qua trạm cân. Đây là cơ sở để đơn vị khai thác nộp thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường.

Với những gì đang diễn ra tại 2 mỏ đất; Công ty CP Xây dựng công trình Sông Hồng và Tổng Công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) và đặc biệt là tình trạng đại náo của xe có dấu hiệu cơi nới, quá khổ, quá tải gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông tại xã Thượng Lộc. Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng huyện Can Lộc và tỉnh Hà Tĩnh cần kịp thời kiểm tra, xử lý để đảm bảo cuộc sống cho người dân nơi đây./.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích