Chuyển đổi kép được kỳ vọng là động lực thúc đẩy thành công mô hình kinh tế xanh
Chuyển đổi kép được kỳ vọng là động lực thúc đẩy thành công mô hình kinh tế xanh
Chuyển đổi kép được kỳ vọng sẽ mang lại thành công cho mô hình kinh tế xanh. Tuy nhiên các doanh nghiệp Việt vẫn còn mơ hồ về chuyển đổi xanh và chuyển đổi số.
Ứng dụng rộng rãi công nghệ số mang tới cơ hội nâng cao năng suất, tiếp cận kiến thức mới, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực thi các sáng kiến đổi mới. Cũng như các thị trường mới nổi khác, chuyển đổi số là xu hướng tất yếu đối với nền kinh tế Việt Nam trong những năm gần đây.
Việt Nam sẽ chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh hóa các ngành kinh tế
Cùng với mục tiêu phát triển kinh tế số, kinh tế xanh cũng là một trong các ưu tiên hàng đầu tại các nền kinh tế đang phát triển trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động phức tạp, khó lường và thách thức đan xen. Đặc biệt đối với Việt Nam, tăng trưởng xanh hướng tới sự thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường được xem là sự lựa chọn tất yếu và là cơ hội để trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực.
“Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2050” và “Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030” đã đặt ra các mục tiêu cụ thể như giảm thiểu cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP với mức giảm tối thiểu so với năm 2014 là 15% vào năm 2030 và 30% vào năm 2050.
Ngoài ra, Việt Nam cũng đặt mục tiêu chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh hóa các ngành kinh tế, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn thông qua khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên và năng lượng dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ, ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số.
Theo ông Nguyễn Đức Trung, Cục phó Cục phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thời gian vừa qua, tác động của các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu và suy giảm nguồn tài nguyên môi trường đã gây ra nhiều trở ngại cho các doanh nghiệp tại Việt Nam và trên toàn thế giới.
“Điều này đã tạo động lực mạnh mẽ để các doanh nghiệp tiến hành chuyển đổi sang mô hình kinh doanh mang tính bền vững. Cùng với xu thế phát triển đó, việc kết hợp chuyển đổi số với chuyển đổi xanh, hay còn gọi là “Chuyển đổi kép”, không chỉ đảm bảo mục tiêu kinh doanh của doanh nghiệp mà còn góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững cho cả doanh nghiệp và xã hội”, ông Nguyễn Đức Trung nói.
Tương tự như các quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới, giải pháp công nghệ số và chuyển đổi số được kỳ vọng là động lực thúc đẩy sự thành công của việc chuyển đổi mô hình kinh tế xanh, hiện thực hóa các mục tiêu chiến lược về tăng trưởng xanh tại Việt Nam.
Điều này cho thấy chuyển đổi kép là xu hướng tất yếu mà cộng đồng doanh nghiệp ở Việt Nam cũng cần nắm bắt để tận dụng các cơ hội kinh doanh mới cũng như mang lại lợi ích bền vững cho xã hội và môi trường.
Doanh nghiệp Việt còn mơ hồ về với khái niệm chuyển đổi kép
Tuy nhiên, việc thực hiện chuyển đổi kép của các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Trong những năm trở lại đây, mặc dù mục tiêu chuyển đổi số và chuyển đổi xanh đã trở thành ưu tiên của hầu hết các lãnh đạo doanh nghiệp và các chính phủ, hai quá trình này hiện chủ yếu diễn ra một cách riêng lẻ, chưa có tính đồng bộ để tận dụng tối đa tiềm năng giúp tăng năng suất và hiệu quả cho doanh nghiệp và các hoạt động kinh tế.
Ông Trịnh Văn Biển, Giám đốc Chuyển đổi số của Công ty Cổ phần Misa, cho biết một số doanh nghiệp Việt đang mơ hồ với khái niệm chuyển đổi kép.
“Trong quá khứ, chúng ta đã thường nhắc đến chuyển đổi số nhiều, và các doanh nghiệp rất quyết tâm chuyển đổi số, nhất là trong giai đoạn đại dịch Covid-19 và sau đó. Nhưng gần đây, chúng ta lại nhắc đến chuyển đổi xanh. Điều này khiến một số doanh nghiệp cảm thấy mơ hồ về chuyển đổi kép, lúng túng trong cách thức triển khai các hoạt động đào tạo, tập huấn, và truyền thông về chuyển đổi kép”, đại diện công ty Misa nói.
Ông Dennis Quennet, Giám đốc Phát triển Kinh tế Bền vững tại GIZ Việt Nam, cho rằng hiện nay quá trình số hóa đang diễn ra mạnh mẽ, nhiều công nghệ mới ra đời và tác động lớn đến đời sống, kinh doanh. Bên cạnh đó là các thách thức liên quan đến biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường.
“Các chính phủ sẽ có nhiều khung pháp lý mà các doanh nghiệp cần xem xét để điều chỉnh theo hướng phù hợp, thân thiện với môi trường. Mô hình kinh doanh bền vững cũng ngày càng trở thành một yêu cầu của người tiêu dùng và chuỗi cung ứng nói chung. Vì vậy, đã đến lúc điều chỉnh các mô hình kinh doanh theo hướng đó”, ông Dennis Quennet nói.
Thay vì chỉ tập trung vào mục tiêu số hóa, các doanh nghiệp cần chủ động tích hợp yếu tố bền vững trong chiến lược chuyển đổi số, để tận dụng cơ hội kinh doanh mới cũng như mang lại lợi ích cho xã hội và môi trường.
Đây chính là lý do xu hướng chuyển đổi kép đang ngày càng được chú trọng, đặc biệt tại các quốc gia châu Âu. Không những vậy, nhu cầu về chuyển đổi kép cũng cần được đặc biệt quan tâm tại các quốc gia, nền kinh tế đang phát triển và mới nổi – nơi cơ sở hạ tầng kỹ thuật số và việc ứng dụng các giải pháp chuyển đổi nhằm đáp ứng biến đổi khí hậu vẫn còn đang ở giai đoạn bắt đầu.
Theo Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP), để chuyển đổi số song hành cùng chuyển đổi xanh và giảm thiểu dấu chân carbon, đầu tiên, con người phải được đặt vào trung tâm của sự đổi mới.
Điều này bao gồm việc đảm bảo sự sẵn có của cơ sở hạ tầng kỹ thuật số nền tảng để mọi người đều có thể hưởng lợi. Các tiêu chuẩn kỹ thuật và hoạt động khám phá các công nghệ mới nổi cũng phải “lấy con người làm trung tâm”, được thiết lập dựa trên nhu cầu và nguyện vọng của người dân địa phương, nhưng cũng “lấy môi trường làm trung tâm”.
Thứ hai, tăng cường hợp tác giữa các hệ sinh thái đổi mới. Sự đổi mới không xảy ra riêng lẻ. Nó đòi hỏi một hệ sinh thái hỗ trợ bao gồm các chính sách và quy định, nhà đầu tư, vườn ươm và chương trình tăng tốc; và các cơ sở giáo dục. Kỹ thuật số có thể là một công cụ hỗ trợ mạnh mẽ để kết nối các hệ sinh thái đổi mới quốc gia và toàn cầu phân tán nhằm theo đuổi sự bền vững.
Thứ ba, dữ liệu là huyết mạch của chuyển đổi số và có thể là công cụ cân bằng quan trọng cho các quốc gia trong việc đẩy nhanh nỗ lực hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững. Vì vậy, UNDP cho rằng cần tăng tốc nỗ lực xây dựng năng lực dữ liệu để đảm bảo khoảng cách số hiện tại không bị mở rộng.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị