Nhiều tiềm năng trong thị trường carbon lâm nghiệp
Nhiều tiềm năng trong thị trường carbon lâm nghiệp
Chiều ngày 22/8, Trường ĐH Nông lâm TPHCM phối hợp Tổ chức Nghiên cứu lâm nghiệp quốc tế (CIFOR) và Viện Nghiên cứu môi trường – ĐH Adelaide (Australia) tổ chức Tọa đàm “Chia sẻ cập nhật thông tin về thị trường carbon từ hệ sinh thái rừng ven biển”
Theo TS Phạm Thu Thuỷ (ĐH Adelaide), trên thế giới có 5 nước mua tín chỉ carbon nhiều nhất gồm Thụy Sĩ (15%), Mỹ (6%), Đức (3%), Hà Lan (3%) và Pháp (3%). Có 58 quốc gia bán tín chỉ carbon nhiều nhất. Trong đó, châu Phi có Kenya, Uganda; châu Mỹ Latinh có Peru, Colombia, Brazil; châu Á – Thái Bình Dương có Indonesia, Trung Quốc, Ấn Độ, Myanmar. Giá trung bình của 1 tín chỉ carbon toàn cầu là 11,2 USD/tấn.
Bà Thủy cho rằng Việt Nam có nhiều ưu thế để kinh doanh tín chỉ carbon, trong đó thể chế chính trị ổn định là một ưu thế lớn. Đồng thời, Việt Nam có tiềm năng thị trường carbon giá trị cao, đa dạng sinh học đứng thứ 16 thế giới. Mặt khác, khoảng 25 triệu người dân nghèo thiểu số sống phụ thuộc vào rừng.
Còn ông Vũ Tấn Phương – Văn phòng chứng chỉ quản lý rừng bền vững Việt Nam – thông tin, hiện nước ta có khoảng 150.000ha rừng ngập mặn, trong đó 80% phân bố ở phía Nam. Bãi triều rất lớn, chủ yếu ở đồng bằng sông Hồng và sông Cửu Long. Cả nước có khoảng 15.673ha cỏ biển, tập trung chủ yếu ở khu vực đảo Phú Quốc…
Tuy nhiên, theo ông Phương, thách thức đặt ra hiện nay là khung pháp lý, hướng dẫn chưa chi tiết rõ ràng về đầu tư, quyền carbon, chia sẻ lợi ích hay cơ chế phối hợp giữa các bộ ngành, địa phương, quy định về đăng ký, thương mại tín chỉ carbon. Ngoài ra, còn một số hạn chế về năng lực kỹ thuật trong xây dựng, thực hiện dự án carbon rừng…
“Việt Nam cần có chiến lược, kế hoạch về phát triển lâm nghiệp gắn với tạo tín chỉ carbon rừng. Những vấn đề cần đặc biệt chú ý là tiềm năng, vùng ưu tiên, khách hàng, có cơ chế, chính sách, giải pháp cũng như khuyến khích sự thu hút đầu tư. Ngoài ra, chúng ta cũng cần đảm bảo năng lực kỹ thuật trong toàn bộ quá trình thực hiện, đặc biệt là năng lực về xây dựng dự án, đo đạc, báo cáo và thẩm định” – ông Phương kiến nghị.
Trong khi đó, TS Trần Đình Lý – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TPHCM – cho rằng thị trường carbon đang trở thành một vấn đề quan trọng và cấp bách trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng phức tạp.
Theo ông Lý, việc cùng nhau chia sẻ và cập nhật những nghiên cứu mới nhất về cơ hội và thách thức trong thị trường carbon, thảo luận về các giải pháp khả thi nhằm thúc đẩy quản lý bền vững và khai thác tối ưu các nguồn tài nguyên này không chỉ bảo vệ môi trường mà còn mang lại lợi ích kinh tế cho cộng đồng địa phương.
Theo ông Lý, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng rừng ngập mặn và đất ngập nước ven biển có khả năng hấp thụ carbon cao hơn rất nhiều so với các hệ sinh thái khác, đặc biệt là rừng nhiệt đới. Tuy nhiên, thị trường carbon xanh từ các hệ sinh thái này vẫn chưa được khai thác và phổ biến rộng rãi.
Với tiềm năng lớn trong việc giảm thiểu biến đổi khí hậu, các hệ sinh thái ven biển đang thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư trên thị trường carbon toàn cầu. Tuy nhiên, việc thiếu thông tin và sự hạn chế trong giao dịch tín chỉ carbon xanh đã gây khó khăn trong việc phát triển các dự án hiệu quả.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị