Hà Nội yêu cầu kiểm tra, xử lý vi phạm liên quan đến đấu giá đất cao bất thường

Thời gian qua, trên địa bàn thành phố có hiện tượng đấu giá quyền sử dụng đất với giá trúng cao gấp nhiều lần so với giá khởi điểm, như tại Thanh Oai cao gấp 7-8 lần, Hoài Đức cao nhất gấp 18 lần.

Hà Nội yêu cầu kiểm tra, xử lý vi phạm liên quan đến đấu giá đất cao bất thường
Phiên đấu giá đất tại Hoài Đức, Hà Nội có 517 khách hàng tham gia, đăng ký 1.100 bộ hồ sơ, lập kỷ lục về thời gian đấu giá 19 lô đất. (Ảnh: TTXVN phát)

Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cho biết Ủy ban Nhân dân thành phố vừa nhận được Công điện số 82/CÐ-TTg ngày 21/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc kịp thời chấn chỉnh công tác đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn thành phố.

Thực hiện nghiêm chỉ đạo này, ngày 22/8, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ký Công văn số 2781/UBND-TNMT yêu cầu các sở, ngành và đơn vị liên quan kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm pháp luật liên quan đến kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất cao bất thường trên địa bàn Thủ đô.

Thành phố yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính, Sở Tư pháp, Sở Xây dựng, thanh tra, công an và Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thị xã triển khai thực hiện theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 82/CÐ-TTg ngày 21/8/2024 và của Ủy ban Nhân dân thành phố tại văn bản số 2771/UBND-TNMT ngày 21/8/2024.

Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội phải chủ trì tổng hợp kết quả thực hiện, dự thảo văn bản của Ủy ban Nhân dân thành phố báo cáo kết quả và kiến nghị, đề xuất với Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 28/8/2024.

Cụ thể, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội chủ trì phối hợp ngay với các sở, ngành: Tư pháp, tài chính, thanh tra, công an kiểm tra toàn bộ việc đấu giá đất tại các huyện Thanh Oai, Hoài Đức trong thời gian vừa qua; kịp thời phát hiện, xử lý kiên quyết đối với các vi phạm pháp luật (nếu có); báo cáo Ủy ban Nhân dân thành phố trước ngày 25/8/2024.

Đồng thời, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội chủ trì phối hợp với các sở, ngành: Tư pháp, tài chính, thanh tra, công an rà soát quy trình, thủ tục, quy chế… về đấu giá quyền sử dụng của các quận, huyện, thị xã; báo cáo Ủy ban Nhân dân thành phố chỉ đạo thực hiện các biện pháp bảo đảm việc tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất chặt chẽ theo quy định pháp luật, hoàn thành trước ngày 27/8/2024.

Ngoài ra, thành phố cũng yêu cầu Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thị xã rà soát toàn bộ việc đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn để tổ chức thực hiện bảo đảm đúng quy định pháp luật; báo cáo Ủy ban Nhân dân thành phố những khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền.

Theo đánh giá của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, thời gian qua, trên địa bàn thành phố có hiện tượng đấu giá quyền sử dụng đất với giá trúng cao gấp nhiều lần so với giá khởi điểm, như tại huyện Thanh Oai cao gấp 7-8 lần, huyện Hoài Đức cao nhất gấp 18 lần. Việc trúng giá cao bất thường nêu trên có thể ảnh hưởng đến phát triển kinh tế-xã hội, môi trường đầu tư, kinh doanh, thị trường nhà ở, bất động sản.

Để thực hiện tốt quản lý nhà nước, bảo đảm việc đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định pháp luật, góp phần ổn định phát triển kinh tế-xã hội, thành phố yêu cầu các đơn vị liên quan thực hiện khẩn trương, nghiêm túc các chỉ đạo trên.

Trước đó, ngày 10/8, phiên đấu giá 68 lô đất l tại xã Thanh Cao, huyện Thanh Oai đã thu hút hơn 1.500 người tham gia. Nhu cầu lớn đã đẩy giá trúng của các lô đất gấp 6-8 lần giá khởi điểm, trong đó cao nhất hơn 100 triệu đồng/m2. Ngay sau đó, nhiều lô đất đã được nhà đầu tư rao bán lại với mức giá chênh hàng trăm triệu đồng.

Tiếp tục sức “nóng” đó, phiên đấu giá 19 lô đất thuộc lô LK03 và LK04 tại khu Lòng Khúc, xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức đã lập “kỷ lục mới” về thời gian đấu giá, kéo dài từ 8h sáng ngày 19/8 đến hơn 4 giờ sáng ngày 20/8 mới kết thúc với 517 khách hàng tham gia, đăng ký 1.100 bộ hồ sơ.

Điều bất thường là với mức giá khởi điểm 7,3 triệu đồng/m2, sau hàng chục vòng đấu giá khốc liệt, phiên đấu giá đã xác định được giá trúng cao nhất 133,3 triệu đồng/m2 (tăng hơn 18 lần so với giá khởi điểm); giá trúng thấp nhất 91,3 triệu đồng/m2 (tăng 12,5 lần giá khởi điểm). Phiên đấu giá diễn ra vô cùng căng thẳng, hồi hộp và mệt mỏi đối với cả đơn vị tổ chức và người đấu giá.

Cũng trong tháng 7/2024, huyện Đan Phượng tổ chức đấu giá 85 lô đất ở các xã Đan Phượng, Hạ Mỗ và Phương Đình, có 1.252 bộ hồ sơ nộp vào tham gia đấu giá. Kết quả, có lô đất tại xã Hạ Mỗ được trả giá lên đến 99,2 triệu đồng/m2 khiến nhiều người “sốc nhiệt.”

Hà Nội yêu cầu kiểm tra, xử lý vi phạm liên quan đến đấu giá đất cao bất thường
Theo kế hoạch, ngày 26/8 tới, huyện Hoài Đức tiếp tục tổ chức đấu giá 20 lô đất còn lại ở khu Lòng Khúc, thuộc các lô LK01 và LK02. Giá khởi điểm vẫn là 7,3 triệu đồng/m2; diện tích dao động từ 89-145m2; đặt cọc trước từ 130-212 triệu đồng/thửa. Ngày 23/8 là hạn cuối cùng nộp hồ sơ tham gia đấu giá. (Ảnh minh họa: Hùng Võ/Vietnam+)

Theo kế hoạch, ngày 26/8 tới, huyện Hoài Đức tiếp tục tổ chức đấu giá 20 lô đất còn lại ở khu Lòng Khúc, thuộc các lô LK01 và LK02. Giá khởi điểm vẫn là 7,3 triệu đồng/m2; diện tích dao động từ 89-145m2; đặt cọc trước từ 130-212 triệu đồng/thửa. Ngày 23/8 là hạn cuối cùng nộp hồ sơ tham gia đấu giá.

Ngày 8/9, Ủy ban Nhân dân huyện Thanh Oai cũng tổ chức đấu giá đợt 1 đối với 57 thửa đất tại khu vực Đầm, thôn Mục Xá, xã Cao Dương.

Đây là 57 thửa đất dự kiến đấu giá vào ngày 17/8 vừa qua nhưng phải dừng đấu giá với lý do cần xác định giá khởi điểm của 114 thửa đất trên địa bàn xã Cao Dương theo quyết định của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội.

Giá khởi điểm của tất cả 57 thửa đất đều được điều chỉnh lên từ 8,8 triệu đồng, tăng thêm gần 800.000 đồng so với mức trước đây. Diện tích từ 74,63-134,69m2; tiền đặt trước cho các thửa đất dao động từ 131 triệu đồng đến hơn 200 triệu đồng tuỳ diện tích và vị trí thửa đất. Thời gian nộp tiền cọc là từ ngày 4-6/9.

Dự kiến, từ nay đến cuối năm, huyện Thanh Oai sẽ tổ chức khoảng 5 phiên đấu giá quyền sử dụng đất.

Từ thực tiễn các phiên đấu giá tại các huyện ngoại thành Hà Nội gần đây, các chuyên gia cho rằng từ cuối năm ngoái đến nay, nhiều phân khúc bất động sản tại Hà Nội liên tục tăng giá mạnh, đặc biệt căn hộ chung cư “neo” ở mức cao (đạt gần 60 triệu đồng/m2 và có xu hướng chững lại) khiến biên lợi nhuận đầu tư giảm mạnh.

Đối với phân khúc thấp tầng tại các dự án nhà ở, khu đô thị hiện cũng ở ngưỡng vài trăm triệu đồng một m2.

Vì vậy, nhiều nhà đầu tư có nhu cầu chuyển dịch sang đất nền vùng ven đô; trong đó, đất đấu giá được quan tâm hơn. Đáng chú ý, khi các luật mới liên quan bất động sản có hiệu lực từ 1/8 siết chặt phân lô bán nền thì nhu cầu tìm đất ngoại ô trở nên sôi động.

Hay thông tin một số huyện chuẩn bị lên quận vào năm 2025 đã tác động đến tâm lý của cả người dân và nhà đầu tư nên mới có cảnh hàng nghìn người đi đấu giá đất, trong khi nhiều phiên đấu giá cuối năm 2023 đìu hiu, thậm chí nhiều lô đất phải lùi thời gian đấu giá vì không đủ người tham gia.

Các chuyên gia dự báo từ nay đến cuối năm, đất đấu giá tiếp tục sôi động khi bảng giá đất mới chưa được áp dụng, việc xác định giá khởi điểm áp dụng theo khung giá của nhà nước hiện nay sẽ thấp hơn nhiều so với loại hình đất khác.

Vì vậy, để tránh rủi ro trước sức “nóng” của đất đấu giá nói riêng và các phân khúc nhà đất nói chung do ảnh hưởng, hệ lụy của nhiều yếu tố trên, người dân cần tỉnh táo trước khi xuống tiền đầu tư hoặc có nhu cầu ở thực./.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích