Khai thác công nghệ AI trong phát triển báo chí hiện đại
(Xây dựng) – Ngày 21/8, tại thành phố Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh), đã diễn ra hội thảo “Tác động của trí tuệ nhân tạo (AI) đối với báo chí: Thách thức và cơ hội”, sự kiện do Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí (Hội Nhà báo Việt Nam) tổ chức.
Nhà báo Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu tại hội thảo. |
Phát biểu khai mạc hội thảo, Nhà báo Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho biết: AI và báo chí hiện là một chủ đề mang tính thời sự và nhận được sự quan tâm rất lớn từ các cơ quan báo chí, truyền thông, cũng như những người làm báo trên cả nước thời gian qua. Theo đó, các công nghệ AI vừa mang lại cơ hội, vừa là mối đe dọa đối với ngành Báo chí.
Về mặt cơ hội, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong báo chí là một xu hướng mang lại rất nhiều lợi ích. AI có thể giúp tổng hợp và phân tích dữ liệu nhanh chóng hơn, giúp các nhà báo tiết kiệm thời gian và nỗ lực trong quá trình nghiên cứu và sản xuất tin, bài. AI giúp tiết kiệm thời gian, có thể sử dụng AI như một trợ lý trong tòa soạn để làm những “việc lặt vặt” (bóc băng ghi âm, làm phụ đề…), giúp tòa soạn làm được nhiều việc hơn dù chỉ có nguồn lực hạn chế, xử lý “các núi” dữ liệu… Đồng thời, AI giúp các tòa soạn chinh phục những thị trường mới, các nội dung văn bản cũng như video và audio có thể được dịch sang các ngôn ngữ khác một cách dễ dàng…
Đặc biệt, AI giúp các cơ quan báo chí trong việc lập trình, tìm khuôn thức trong dữ liệu, gợi ý các ý tưởng về nội dung, hỗ trợ công việc biên tập, gợi ý ý tưởng bài viết, lập danh sách bài liên quan để bổ trợ cho một bài viết, đưa ra nhiều phiên bản nội dung khác nhau cho từng đối tượng, sử dụng AI trong dẫn chương trình truyền hình…
Quang cảnh Hội thảo. |
Thêm vào đó, việc triển khai thành công AI trong các đơn vị báo chí sẽ giúp cá nhân hóa nội dung để phù hợp với sở thích và nhu cầu của từng đối tượng độc giả, từ đó tăng khả năng tương tác và độ hấp dẫn của các sản phẩm báo chí. Thực tế thời gian qua, nhiều cơ quan báo chí lớn của cả nước như: VTV, Báo Nhân dân, Thanh Niên, Tuổi trẻ… đều đã có những tìm tòi, thử nghiệm áp dụng AI vào quá trình sản xuất các sản phẩm báo chí đa nền tảng, tiếp cận độc giả và mang lại những hiệu quả tích cực.
Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội, AI cũng đồng thời tạo ra nhiều thách thức lớn cho báo chí. Tiêu biểu là việc tạo ra và lan truyền tin giả (fake news) với nội dung chi tiết và trôi chảy, khiến người đọc khó có thể nhận ra đó là tin giả. Ngoài ra, công nghệ deep-fake sử dụng AI để tạo ra video và hình ảnh giả mạo, trong đó người xem có thể thấy những hình ảnh hoặc video của các sự kiện hoặc nhân vật hoàn toàn không có thật. Điều này làm tăng khả năng lan truyền thông tin sai lệch thông qua các phương tiện truyền thông trực quan.
Tại hội thảo, các đại biểu đã trình bày những tham luận về tác động của AI đối với báo chí: “Đáng mừng hơn đáng lo” của nhà báo Lê Xuân Trung, Phó Tổng biên tập Báo Tuổi Trẻ; “Trí tuệ nhân tạo trong cuộc cạnh tranh giữa các công ty công nghệ và các cơ quan báo chí – Cần luật chơi công bằng” của nhà báo Nguyễn Đức Hiển, Phó Tổng biên tập Báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh; phân tích các case study thành công của AI trong báo chí như: Báo VietnamPlus (Thông Tấn Xã Việt Nam), Báo Tuổi trẻ và thảo luận một số đề xuất để nâng cao công tác đào tạo, bồi dưỡng báo chí trong thời đại AI hiện nay.
Theo chia sẻ của Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh, các công nghệ AI vừa mang lại cơ hội, vừa là mối đe dọa đối với ngành Báo chí. Trong vài thập kỷ qua, các cơ quan báo chí trên thế giới trải qua nhiều khó khăn vì nguồn thu quảng cáo và đặt mua báo in suy giảm. Các công nghệ AI, nếu được ứng dụng và triển khai sớm để tranh thủ tối đa sức mạnh, có thể có tác động tích cực giúp các cơ quan báo chí phát triển bền vững. Bên cạnh cơ hội, AI cũng tạo ra nhiều thách thức cho báo chí, chẳng hạn: Tác động của “zero-click search” có thể khiến mất khoảng 2 tỷ USD doanh thu quảng cáo mỗi năm trong toàn bộ ngành báo chí, tìm kiếm bằng AI có thể gây thiệt hại tới 1/3 tổng hoạt động kinh doanh của cơ quan báo chí (theo chuyên gia Greg Piechota của INMA)… Nghiên cứu của Gartner dự đoán khối lượng tìm kiếm theo cách truyền thống sẽ giảm 25% vào năm 2026.
Đại biểu trình bày tham luận về tác động của AI đối với báo chí. |
“Hơn nữa, việc sử dụng AI có thể dẫn đến sự phụ thuộc quá mức vào công nghệ, làm giảm vai trò của con người trong việc kiểm tra và xác minh thông tin. Đồng thời, có những nội dung AI đưa ra khó có thể kiểm chứng độ chính xác và có thể gây tác động xấu, quy mô lớn đến xã hội. Trong tương lai, AI nếu không còn là trung gian mà trực tiếp đưa thông tin đến thẳng người độc giả thì vấn đề đặt ra cho các cơ quan báo chí, các nhà báo làm thế nào để thích ứng liên tục, cần phải có tư duy thích ứng và hiểu rõ độc giả cần gì và AI tác động đến niềm tin ra sao”.
Tựu trung lại, tham luận và ý kiến đóng góp, thảo luận của các đại biểu tại hội thảo xoay quanh vào một số vấn đề như: Cách trí tuệ nhân tạo AI đang làm thay đổi phương thức sản xuất tin tức và ảnh hưởng như thế nào đến sự sáng tạo, khách quan của báo chí trên thế giới cũng như Việt Nam; Làm thế nào để báo chí tận dụng được lợi thế của AI mà vẫn giữ vững đạo đức nghề nghiệp và tính trung thực của thông tin; Hành lang pháp lý cho báo chí cần theo kịp để thay đổi, bổ sung như thế nào khi việc sử dụng các hệ thống phần mềm ứng dụng AI ngày càng phổ biến; AI hay con người (phóng viên, cơ quan báo chí) phải chịu trách nhiệm nếu thông tin sai sự thật, gây ảnh hưởng đến lợi ích của các cá nhân, tổ chức và xã hội; Công tác đào tạo, bồi dưỡng sinh viên và các nhà báo Việt Nam trong thời đại số…
Qua trao đổi, thảo luận tại hội thảo, các hội viên – nhà báo đều đồng tình cho rằng, để hướng tới làm chủ công nghệ AI và tạo ra sản phẩm báo chí theo nguyên tắc đạo đức chung của nghề nghiệp, mỗi nhà báo Việt Nam phải trau dồi năng lực và phẩm chất của một nhà báo cách mạng. Cùng với đó, các cơ quan báo chí chính thống phải nhanh chóng chủ động, có sự đầu tư phù hợp vào công nghệ, để không bị thụt lùi, góp phần vào sự hội nhập, phát triển bền vững của báo chí Việt Nam trong kỷ nguyên 4.0.
Nguồn: Báo xây dựng