15 kỷ lục nhiệt độ quốc gia bị phá vỡ, khí hậu toàn cầu ngày càng cực đoan

15 kỷ lục nhiệt độ quốc gia bị phá vỡ, khí hậu toàn cầu ngày càng cực đoan

Tính từ đầu năm 2024, đã có 15 kỷ lục nhiệt độ quốc gia bị phá vỡ, phản ánh mức độ nghiêm trọng của các hiện tượng thời tiết cực đoan và sự cố khí hậu ngày càng trở nên nguy cấp.

tm-img-alt
Ảnh minh hoạ. ITN

Theo ông Maximiliano Herrera, nhà sử học khí hậu nổi tiếng, từ tháng 2 đến tháng 7/2024, số lượng kỷ lục nhiệt độ chưa từng có đã được thiết lập, vượt qua mọi dự đoán trước đây.

Đáng chú ý, trong 6 tháng đầu năm, thêm 130 kỷ lục nhiệt độ quốc gia hàng tháng cũng đã bị phá vỡ, cùng với hàng chục nghìn mức cao kỷ lục tại các trạm giám sát trên toàn cầu, từ Bắc Cực đến Nam Thái Bình Dương. Sự kiện này phần lớn do tác động của hiện tượng nóng lên toàn cầu, kết hợp với hiện tượng El Nino tự nhiên, làm tăng nhiệt độ ở nhiều nơi trên thế giới.

Hiện tượng El Nino đã yếu đi từ tháng 2, nhưng nhiệt độ vẫn tiếp tục tăng, thậm chí nhanh hơn so với cuối năm 2023. Ông Herrera cho biết, mỗi ngày lại có thêm nhiều kỷ lục nhiệt độ mới, đặc biệt là nhiệt độ ban đêm cao, gây ra tình trạng khó khăn cho cả con người và hệ sinh thái do không có thời gian hồi phục sau các đợt nắng nóng kéo dài.

Một số kỷ lục quốc gia đáng chú ý trong năm 2024 bao gồm: Mexico với mức nhiệt 52 độ C tại Tepache ngày 20/6, Ai Cập đạt 50,9 độ C tại Aswan ngày 7/6, và Ghana ghi nhận 44,6 độ C tại Navrong ngày 1/5.

Các phát hiện của ông Herrera cũng phù hợp với các cảnh báo của các tổ chức quốc tế như Liên Hợp Quốc và Dịch vụ biến đổi khí hậu Copernicus của Liên minh châu Âu. Theo Copernicus, tháng 6/2024 là tháng thứ 13 liên tiếp lập kỷ lục nhiệt độ hàng tháng, với mức tăng 1,5 độ C so với mức trung bình trước thời kỳ công nghiệp.

Giám đốc Copernicus, ông Carlo Buontempo, cảnh báo rằng, nếu không giảm thiểu phát thải khí nhà kính, các kỷ lục nhiệt độ sẽ tiếp tục bị phá vỡ trong tương lai. Thực tế, ngày 22/7/2024 đã trở thành ngày nóng nhất trong lịch sử ghi nhận của Trái Đất, với nhiệt độ trung bình toàn cầu đạt 17,15 độ C.

Hy vọng rằng, những cảnh báo về thời tiết cực đoan có thể giúp thế giới chuẩn bị tốt hơn, giảm thiểu những rủi ro đối với cuộc sống, cơ sở hạ tầng và nền kinh tế.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích