Nghiên cứu mới phát hiện hợp chất trong măng cụt có thể giúp hỗ trợ kiểm soát tiểu đường

Nghiên cứu được công bố gần đây trên tạp chí hóa dược European Journal of Medicinal Chemistry Reports, đã chứng minh sức mạnh tiềm năng chống tiểu đường của măng cụt.

Theo đó, xanthones – hợp chất polyphenolic tự nhiên có nhiều hoạt tính sinh học, bao gồm đặc tính chống oxy hóa, chống viêm và chống ung thư, giờ đây được phát hiện có khả năng được sử dụng làm liệu pháp mới để điều trị tiểu đường.

Đáng chú ý, garcinia mangostana – hợp chất chính trong măng cụt, là nguồn xanthones phong phú nhất, với 2 xanthones nổi bật nhất có trong măng cụt là α-mangostin và γ-mangostin, theo chuyên trang y tế News Medical.

Nghiên cứu của các nhà khoa học tại Đại học Dibrugarh, Đại học Assam Down Town, Viện Khoa học Dược phẩm Pratiksha (đều của Ấn Độ) và Đại học Najran (Ả Rập Xê Út) đã làm nổi bật các đặc tính chống tiểu đường đầy hứa hẹn của xanthones, bao gồm khả năng điều hòa cân bằng glucose, giảm căng thẳng oxy hóa và giảm viêm.

Những phát hiện này, kết hợp với độc tính tương đối thấp của chúng, cho thấy xanthones là ứng cử viên đầy triển vọng cho các phương pháp mới để điều trị bệnh tiểu đường.

Măng cụt chứa hoạt chất có thể giúp hỗ trợ chống lại tiểu đường. Ảnh minh họa

Các nhà nghiên cứu đã xác định tác dụng chống tiểu đường mạnh của các xanthones, bao gồm cả 2 loại trong măng cụt. Họ đã phát hiện các hợp chất này có tác dụng làm tăng độ nhạy insulin, điều chỉnh quá trình chuyển hóa glucose và ngăn ngừa căng thẳng oxy hóa và viêm, theo News Medical.

Viêm mạn tính và căng thẳng oxy hóa là những dấu hiệu đặc trưng của bệnh tiểu đường. Tác dụng chống tiểu đường của xanthones có thể là nhờ đặc tính chống oxy hóa và chống viêm mạnh.

Kết hợp xanthones với các loại thuốc điều trị tiểu đường là một hướng đi hấp dẫn để tăng cường khả năng kiểm soát bệnh tiểu đường và các biến chứng.

Bằng chứng cho thấy xanthones có thể duy trì cân bằng glucose bằng cách cải thiện độ nhạy insulin và tạo điều kiện cho quá trình hấp thụ glucose của tế bào. Tác dụng của xanthones đối với insulin có thể là nhờ khả năng cải thiện chức năng tế bào beta tuyến tụy.

Rối loạn mỡ máu thường xảy ra cùng với bệnh tiểu đường. Xanthones đã cho thấy hiệu quả trong việc duy trì mức mỡ máu bình thường bằng cách điều chỉnh quá trình chuyển hóa lipid, ngăn ngừa các biến chứng tim mạch.

Hơn nữa, xanthones có thể hữu ích trong việc cải thiện bệnh thần kinh tiểu đường và các biến chứng thận do bệnh tiểu đường nhờ tác dụng bảo vệ thần kinh và bảo vệ thận của chúng.

Những kết quả này nhấn mạnh rằng kết hợp xanthone với các liệu pháp điều trị tiểu đường truyền thống, như insulin hoặc thuốc tiểu đường, có thể giúp kiểm soát đường huyết tốt hơn và ngăn ngừa các biến chứng của bệnh.

Đối với biến chứng bệnh thận: Chiết xuất nước phenolic của măng cụt cũng cho thấy hiệu quả đáng kể trong việc làm giảm tình trạng không dung nạp glucose, rối loạn chuyển hóa, tổn thương thận liên quan đến căng thẳng oxy hóa và sự chết tế bào.

Bệnh võng mạc tiểu đường là một biến chứng nghiêm trọng về mắt ở bệnh nhân tiểu đường. Nghiên cứu đã phát hiện bổ sung alpha-mangostin có hiệu quả trong việc cải thiện bệnh võng mạc tiểu đường.

Bệnh thần kinh tiểu đường được đặc trưng bởi tình trạng mất cảm giác và đau ở các chi dưới, thường xảy ra ở 50% bệnh nhân tiểu đường. Xanthone cũng có thể có tác động có lợi đối với bệnh thần kinh tiểu đường.

Nói tới bệnh tiểu đường, theo thống kê của Bộ Y tế, người bệnh đái tháo đường (tiểu đường) tại Việt Nam đang trẻ hóa. Tỷ lệ biến chứng lên tới 55% do người bệnh chưa quan tâm đúng mức tới kiểm soát bệnh.

Hiện nay có khoảng 7 triệu người Việt mắc bệnh tiểu đường. Tỷ lệ biến chứng lên đến 55%, chủ yếu là biến chứng tim mạch, mắt, thần kinh và thận. Nguyên nhân do đa số người bệnh chưa có kiến thức đủ để chăm sóc bệnh như chưa tuân thủ phác đồ điều trị, chế độ ăn uống và vận động chưa phù hợp…

Thay đổi lối sống là giải pháp đã được Bộ Y tế ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể giúp kiểm soát 2 chỉ số quan trọng là HbA1c (chỉ số phản ánh tình trạng kiểm soát đường trong 3 tháng) và cân nặng, tuy nhiên chưa được người đái tháo đường quan tâm đúng mức.

Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 9764:2013 quy định yêu cầu chất lượng quả măng cụt quả tươi 

Tiêu chuẩn này do Bộ Khoa học và Công nghệ công bố đưa ra các yêu cầu tối thiểu đối với măng cụt quả tươi phải còn nguyên vẹn; Còn nguyên đài và cuống; Lành lặn, không bị dập nát hoặc hư hỏng; Sạch và không có tạp chất nhìn thấy bằng mắt thường; Không có sinh vật hại gây ảnh hưởng đến hình thức bên ngoài của quả; Không có hư hại do sinh vật hại gây ra; Không bị ẩm bất thường ở ngoài vỏ, trừ nước ngưng tụ do vừa lấy ra từ bảo quản lạnh; Không có mùi và/hoặc vị lạ; Tươi, có hình dạng, màu sắc và mùi vị đặc trưng cho loài; Không bị chảy nhựa; Không có khuyết tật nhìn thấy bằng mắt thường; Có thể cắt và mở ra dễ dàng.

Sự phát triển và trạng thái của măng cụt quả tươi phải cho phép chúng có thể: Tiếp tục quá trình chín sau thu hoạch cho đến khi chúng đạt được độ chín thích hợp (ít nhất vỏ phải có màu hồng); Chịu được vận chuyển và bốc dỡ; Đến nơi tiêu thụ với trạng thái tốt.

Măng cụt quả tươi phải được bao gói sao cho có thể bảo vệ được sản phẩm một cách tốt nhất. Vật liệu được sử dụng bên trong bao gói phải mới sạch và không làm hư hại đến bề mặt hoặc bên trong quả. Cho phép sử dụng vật liệu, nhất là giấy hoặc tem, mang thông tin thương mại, nhưng phải được in hoặc dán bằng mực hoặc hồ dán không độc.

Bao bì phải có chất lượng, vệ sinh, thông thoáng và bền phù hợp cho việc bốc dỡ, chuyên chở bằng đường biển và bảo quản măng cụt quả tươi. Đơn vị bao bì quả (hoặc lô quả ở dạng rời) không được chứa tạp chất và mùi lạ.

Vân Thảo (T/h)

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích