Vĩnh Phúc: Tháo gỡ khó khăn trong triển khai các dự án nhà ở xã hội

(Xây dựng) – Chiều 20/8, ông Trần Duy Đông, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã làm việc với Sở Xây dựng về công tác quản lý, phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân trên địa bàn tỉnh.

Vĩnh Phúc: Tháo gỡ khó khăn trong triển khai các dự án nhà ở xã hội
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Duy Đông phát biểu tại hội nghị.

Theo báo cáo của Sở Xây dựng, đến hết năm 2013, trên địa bàn tỉnh có 13 dự án nhà ở xã hội, tổng diện tích 65,4ha, với 10.143 căn, trong đó, có 732 căn nhà thấp tầng, 9.411 căn nhà chung cư. Các dự án nhà ở xã hội phù hợp với quy hoạch xây dựng, chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương tập trung chủ yếu ở thành phố Vĩnh Yên, thành phố Phúc Yên và huyện Bình Xuyên.

Tuy nhiên, đến nay mới có 6/13 dự án nhà ở xã hội được triển khai xây dựng, đưa vào sử dụng, với 2.082 căn gồm: Khu nhà ở công nhân và người thu nhập thấp Khu công nghiệp Khai Quang; Khu nhà ở thu nhập thấp Vinaconex Xuân Mai; Nhà ở Công ty Honda Việt Nam; Khu nhà ở xã hội phường Liên Bảo; Khu nhà ở thu nhập thấp phường Phúc Thắng; Khu nhà ở hỗn hợp và thu nhập thấp An Phú.

Với Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 338/QĐ-TTg ngày 03/4/2023 thì Vĩnh Phúc sẽ phải hoàn thành 8.800 căn hộ trong giai đoạn 2022 – 2025 và 19.500 căn hộ trong giai đoạn 2026 – 2030. Đây là chỉ tiêu rất cao, nhận định sẽ rất khó để hoàn thành vì nguồn lực đầu tư cho nhà ở xã hội hoàn toàn phụ thuộc vào các doanh nghiệp. Hơn nữa, quy định của pháp luật hiện hành về nhà ở xã hội còn nhiều vướng mắc, nhất là chính sách ưu đãi cho chủ đầu tư.

Về tình hình triển khai các dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, công trình nhà ở xã hội trong quỹ đất 20% của các dự án khu đô thị mới, khu nhà ở, hiện trên địa bàn tỉnh có 08 dự án nhà ở xã hội độc lập, quy mô sử dụng đất hơn 65,1ha, với khoảng 9.500 căn; 16 dự án có dành diện tích để xây dựng nhà ở xã hội, quy mô khoảng 15.373 căn. Các dự án này cơ bản gặp khó khăn, vướng mắc về thủ tục đầu tư, bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Tại buổi làm việc, nhiều ý kiến cho rằng, việc triển khai thực hiện các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn do vướng mắc trong giải quyết thủ tục đầu tư; công tác lựa chọn nhà đầu tư và giám sát chủ đầu tư thực hiện dự án.

Đồng thời đề nghị tỉnh rà soát lại các dự án đầu tư, quy trình đấu thầu đầu tư dự án; nâng cao chất lượng hoạt động giám sát đầu tư; tăng cường đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong bồi thường, giải phóng mặt bằng; thực hiện gia hạn cho các dự án.

Cùng với đó, sớm báo cáo Bộ Xây dựng về tình hình triển khai các dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, công trình nhà ở xã hội trong quỹ đất 20% của các dự án khu đô thị mới, khu nhà ở; tăng cường kiểm tra, rà soát và yêu cầu nhà đầu tư có cam kết thực hiện dự án.

Đánh giá cao tinh thần, trách nhiệm của Sở Xây dựng và các Sở, ngành liên quan trong công tác quản lý, phát triển nhà ở xã hội, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Duy Đông nhấn mạnh: Những năm qua, Vĩnh Phúc luôn quan tâm đến việc đầu tư, xây dựng nhà ở xã hội nhằm giúp công nhân, lao động, người có thu nhập thấp “an cư lạc nghiệp”.

Vĩnh Phúc: Tháo gỡ khó khăn trong triển khai các dự án nhà ở xã hội
Giám đốc Sở Xây dựng Vũ Chí Giang báo cáo tình hình triển khai các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh.

Trước những khó khăn trong thực hiện chỉ tiêu về xây dựng nhà ở xã hội, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Duy Đông yêu cầu Sở Xây dựng tiếp tục là cơ quan đầu mối, chủ công trong rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án nhà ở xã hội; phấn đấu trong năm 2024, có ít nhất 02 dự án nhà ở xã hội được khởi công xây dựng.

Cùng với đó, Sở Xây dựng tiếp tục nghiên cứu, kịp thời đề xuất UBND tỉnh các cơ chế, chính sách, giải pháp để tháo gỡ khó khăn, thu hút nhà đầu tư vào lĩnh vực này; đề xuất UBND tỉnh điều chỉnh Kế hoạch số 238/KH-UBND năm 2023 về thực hiện Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”; phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát tình hình triển khai các dự án.

Đồng thời, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Duy Đông yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với các Sở, ngành rà soát các dự án đầu tư; tăng cường đôn đốc, hướng dẫn các chủ đầu tư triển khai thực hiện các dự án theo quy định. Sở Tài chính rà soát lại việc ứng tiền đối với các dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng. Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát các dự án đã được giao đất; đề xuất giải pháp xử lý nghiêm các vi phạm trong lĩnh vực đất đai, xây dựng.

Các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố tăng cường hỗ trợ nhà đầu tư sớm hoàn thiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ triển khai, thực hiện dự án. Tăng cường giám sát việc triển khai đầu tư xây dựng, bảo đảm theo chủ trương đầu tư và quy hoạch được phê duyệt; tập trung rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho từng nhóm dự án nhà ở xã hội, nhất là các dự án có thể khởi công ngay trong năm 2024.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích