Đồng bộ các giải pháp thúc đẩy giải quyết việc làm
Vượt chỉ tiêu về giải quyết việc làm
Thông tin về tình hình lao động, việc làm trên địa bàn thành phố Hà Nội, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Hà Nội cho biết, nhờ thực hiện các giải pháp đồng bộ nên công tác giải quyết việc làm của thành phố Hà Nội đạt những kết quả tích cực. Hằng năm, Thành phố thường xuyên thực hiện vượt chỉ tiêu về giải quyết việc làm.
Kết nối việc làm trực tuyến tại Phiên giao dịch việc làm trực tuyến kết nối 6 tỉnh, thành phố phía Bắc, do Trung tâm Dịch vụ Việc làm Hà Nội phối hợp với một số tỉnh, thành phố tổ chức. |
Cụ thể, theo ông Nguyễn Tây Nam – Phó Giám đốc Sở LĐTBXH Hà Nội, giai đoạn 2021-2025, thành phố Hà Nội đề ra chỉ tiêu giải quyết việc làm đạt 160.000 lượt người/năm, thực tế cho thấy, Thành phố thường xuyên vượt chỉ tiêu này những năm gần đây. Năm 2022, Thành phố đã giải quyết việc làm cho 203.000 lao động, đạt 126,9% kế hoạch năm, tăng 13% so với năm 2021.
Năm 2023, Thành phố đã giải quyết việc làm cho 214.258 lao động, đạt 132,2% kế hoạch. Trên cơ sở thực tiễn đó, năm 2024, Thành phố đặt kế hoạch giải quyết việc làm thành công cho 165.000 lượt người. Tính trong 7 tháng của năm 2024, toàn Thành phố giải quyết việc làm cho 145.813 lao động, đạt 88,3% so với kế hoạch năm. “Với tiến độ hiện tại, tôi tin năm nay, Hà Nội sẽ tiếp tục hoàn thành sớm chỉ tiêu về giải quyết việc làm”- ông Nguyễn Tây Nam khẳng định.
Để có được những kết quả như trên, lãnh đạo Sở LĐTBXH Hà Nội cho biết, ngay từ đầu năm, Thành phố đã thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm phục hồi, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định hoạt động doanh nghiệp. Tình hình kinh tế – xã hội khởi sắc đã tạo thời cơ tốt cho các doanh nghiệp nhanh chóng ổn định sản xuất kinh doanh, tích cực tuyển dụng lao động nhằm phục vụ cho việc sản xuất đơn hàng mới, mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, đưa các dự án trọng điểm đi vào hoạt động, từ đó thúc đẩy sự phục hồi của thị trường lao động.
Về các biện pháp giải quyết việc làm cụ thể, ông Nguyễn Tây Nam cho biết, Thành phố rất chú trọng kết nối cung cầu lao động thông qua hoạt động của các phiên giao dịch việc làm. Thông qua việc tổ chức các phiên giao dịch việc làm, Sở LĐTBXH Hà Nội đã giao Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội thiết lập mạng lưới gắn bó giữa hệ thống doanh nghiệp và người lao động, gắn kết chặt chẽ với các tập đoàn, công ty cung ứng nhân lực lớn trong việc hỗ trợ tìm kiếm nhân sự, lao động. Nhờ đó, doanh nghiệp đỡ tốn kém chi phí tuyển dụng, quản lý, nâng cao tốc độ tuyển dụng, tạo cơ hội để người lao động tìm việc làm thông qua các đơn vị uy tín, được bảo đảm quyền lợi chính sách và đa dạng ngành, nghề lựa chọn.
Cùng với đó, Thành phố cũng đẩy mạnh việc hỗ trợ cho vay vốn ưu đãi đối với người nghèo qua Ngân hàng chính sách để hỗ trợ tạo việc làm. Theo ông Nguyễn Tây Nam, đây thực sự là một giải pháp căn cơ và hiệu quả, góp phần tạo sinh kế bền vững, bảo đảm an sinh xã hội. Theo đó, từ đầu năm 2024 đến nay, Ủy ban nhân dân Thành phố đã bố trí 1.310 tỷ đồng ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay giải quyết việc làm.
6 tháng đầu năm 2024, đã có 37.300 lao động được tạo việc làm từ chính sách cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn thành phố. Hiện, Sở LĐTBXH Hà Nội đang hoàn thiện dự thảo Nghị quyết quy định đối tượng cho vay đặc thù từ nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội của thành phố Hà Nội để trình Hội đồng nhân dân Thành phố vào tháng 9/2024, trong đó thành phố chủ trương mở rộng đối tượng được vay để tổ chức các hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm tạo việc làm, nâng cao thu nhập.
Chú trọng hỗ trợ tạo việc làm cho lao động yếu thế
Ngoài ra, Thành phố còn giải quyết việc làm qua kênh xuất khẩu lao động và từ đầu năm tới nay đã đưa 2.216 người đi làm việc ở nước ngoài và 8.753 người được giải quyết việc làm thông qua hệ thống sàn giao dịch việc làm…
Trao đổi về giải pháp để phát huy những kết quả đã đạt được, tiếp tục hoàn thành và vượt chỉ tiêu về giải quyết việc làm trong thời gian tới, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH Hà Nội Nguyễn Tây Nam cho biết, thời gian tới, Thành phố tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách, chương trình, đề án giải quyết việc làm, hỗ trợ tạo việc làm trong nước, đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, trong đó, chú trọng hỗ trợ tạo việc làm cho nhóm lao động yếu thế, lao động đặc thù, nhất là lao động thuộc hộ nghèo, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, thanh niên nông thôn… Cùng với đó, Thành phố tiếp tục đẩy mạnh việc hỗ trợ cho vay vốn ưu đãi đối với người nghèo qua ngân hàng chính sách để hỗ trợ tạo việc làm.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Tây Nam trăn trở, có một vấn đề khó là số doanh nghiệp, đơn vị tiếp nhận tuyển dụng lượng lao động thuộc đối tượng lao động đặc thù như lao động mãn hạn tù, nghiện ma túy, nhiễm HIV… hiện còn ít. Bên cạnh đó, nhóm lao động này hầu hết chưa sẵn sàng làm việc, phần lớn là lao động phổ thông, thiếu kỹ năng lao động.
Vì vậy, thời gian tới, Sở LĐTBXH Hà Nội sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường tư vấn, giới thiệu việc làm và cung cấp thông tin thị trường lao động cho lao động hưởng bảo hiểm thất nghiệp và các nhóm lao động yếu thế như người khuyết tật, học viên cai và sau cai nghiện ma túy, người chấp hành xong hình phạt tù…
“Nhiều Công ty có vốn đầu tư nước ngoài đang phải đưa người lao động từ công ty mẹ sang Việt Nam để thực hiện các công đoạn quan trọng của quy trình sản xuất thiết bị có hàm lượng chất xám, kỹ thuật cao. Thực tế đó đòi hỏi sự vào cuộc chủ động và tích cực hơn của các đơn vị đào tạo nghề. Cùng với đó, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã và các đơn vị liên quan trong công tác tổ chức phiên giao dịch việc làm, bảo đảm hoàn thành việc tổ chức 222 phiên hằng ngày đồng bộ trên hệ thống sàn, 4 phiên chuyên đề, 2 phiên lồng ghép tuyển dụng người khuyết tật, 10 phiên trực tuyến kết nối với các tỉnh, thành phố, 18 phiên lưu động tại các quận, huyện, thị xã trong năm nay”, ông Nguyễn Tây Nam cho hay.
Phạm Diệp
Nguồn: Báo lao động thủ đô