Xử lý hộ kinh doanh Nguyễn Văn Tây 1 do buôn bán phân bón giả về giá trị sử dụng

Theo kết quả kiểm tra, hộ kinh doanh Nguyễn Văn Tây 1, chuyên kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và giống cây trồng do bà Nguyễn Ngọc Bích Phượng làm đại diện, có địa chỉ tại ấp Vĩnh Thuận, xã Lạc Quới, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang đã bán các loại phân bón không đạt tiêu chuẩn, trong đó bao gồm phân bón trung lượng TL01 PANDA và phân NPK 16-16-8+3S Quế Lâm.

Lực lượng chức năng tỉnh An Giang kiểm tra cơ sở kinh doanh phân bón trên địa bàn. Ảnh: baoangiang.com.vn

Cụ thể, hàng hóa vi phạm là phân bón trung lượng TL01 PANDA, loại 50kg/bao, số lượng 100 bao có kết quả thử nghiệm chất lượng hàm lượng SiO2 nhỏ hơn 0,1% (đạt nhỏ hơn 2% so với quy định); hàm lượng Ca là 2,77% (đạt 9,685% so với quy định); phân NPK 16-16-8+3S Quế Lâm với kết quả thử nghiệm hàm lượng P2O5 là 9,27% (đạt 57,937% so với quy định). Tổng trị giá tang vật vi phạm là 41,6 triệu đồng.

Hành vi vi phạm của hộ kinh doanh này được quy định tại các điểm e khoản 1 và điểm b khoản 2 Điều 9 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Ngoài việc bị phạt tiền, hộ kinh doanh Nguyễn Văn Tây 1 còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón trong thời gian 4,5 tháng. Quyết định này không áp dụng biện pháp tịch thu tang vật do 100 bao phân bón TL01 PANDA đã được Công ty TNHH Phân bón Vina Thái thu hồi vào ngày 22/7/2023, còn 36 bao phân NPK 16-16-8+3S Quế Lâm đã được hộ kinh doanh bán ra thị trường.

Biện pháp khắc phục hậu quả buộc hộ kinh doanh phải nộp lại số lợi bất hợp pháp 21,6 triệu đồng tương ứng với giá trị của 36 bao phân NPK đã tiêu thụ. Tổng số tiền mà hộ kinh doanh Nguyễn Văn Tây 1 phải nộp là 141,6 triệu đồng.

Quyết định xử phạt này có hiệu lực kể từ ngày ký và được giao cho bà Nguyễn Ngọc Bích Phượng để chấp hành. Nếu hộ kinh doanh không thực hiện đúng theo quy định, sẽ bị cưỡng chế thi hành theo pháp luật.

Các doanh nghiệp kinh doanh cần nâng cao ý thức và trách nhiệm trong việc sản xuất và kinh doanh sản phẩm đúng chất lượng, tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về tiêu chuẩn chất lượng, đồng thời minh bạch trong quá trình sản xuất và phân phối sản phẩm. Hơn nữa, việc đầu tư vào công nghệ, nghiên cứu và phát triển các sản phẩm an toàn, hiệu quả cũng là yếu tố quan trọng để nâng cao chất lượng sản phẩm và tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Liên quan đến phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, một số quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật đang hiện hành hiện nay phải kể đến QCVN 01-189:2019/BNNPTNT về chất lượng phân bón.

Đối với người tiêu dùng cũng cần được nâng cao nhận thức về việc lựa chọn và sử dụng các sản phẩm bảo vệ thực vật và phân bón an toàn. Việc mua hàng từ các nguồn đáng tin cậy, kiểm tra kỹ thông tin sản phẩm trước khi sử dụng và báo cáo kịp thời các sản phẩm nghi ngờ giả mạo cho các cơ quan chức năng là những hành động cụ thể mà người tiêu dùng có thể thực hiện.

Duy Trinh

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích