Cách mạng Tháng Tám và bài học bảo vệ độc lập chủ quyền dân tộc
Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám là một dấu mốc chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. 79 năm đã qua nhưng những bài học, kinh nghiệm quý báu của Cách mạng Tháng Tám vẫn còn nguyên giá trị thời đại, nhất là bài học về giữ vững độc lập chủ quyền dân tộc.
Buổi sinh hoạt ngoại khóa của Trường THCS Tiên Cát nhân dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 tại Bảo tàng Hùng Vương, tỉnh Phú Thọ. |
Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám đã góp phần lấy lại tên nước Việt Nam sau gần 100 năm bị thực dân Pháp xâm lược, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, góp phần loại bỏ chủ nghĩa thực dân trên toàn thế giới, bảo vệ hòa bình, độc lập, tiến bộ và dân chủ trong thế kỷ XX.
Lịch sử đã khẳng định rằng ý thức, khát vọng về độc lập chủ quyền dân tộc là khát vọng và cũng là ý chí, quyết tâm của mỗi người dân Việt Nam. Dân tộc Việt Nam sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của dân tộc chứ nhất định không chịu làm nô lệ dưới ách cai trị của quân xâm lược, không chịu mất đi bất kỳ tấc đất nào mà cha ông đã dựng xây và bảo vệ.
Cách mạng Tháng Tám khẳng định vai trò của Ðảng Cộng sản Việt Nam trong lãnh đạo nhân dân bảo vệ độc lập chủ quyền dân tộc. Ðảng ta luôn chú trọng tới việc quán triệt đường lối, chủ trương, chiến lược và sách lược đối với đội ngũ đảng viên và quần chúng cách mạng. Ðảng nhận thức rất sâu sắc rằng, phải biết nắm thời cơ, xây dựng lực lượng và tổ chức lớn mạnh, biết sử dụng lực lượng đúng lúc, đúng chỗ nhằm phát huy sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, dẫn dắt quần chúng nhân dân bảo vệ độc lập chủ quyền của dân tộc.
Với nghệ thuật lãnh đạo tài tình, tháng 8/1945, Ðảng Cộng sản Việt Nam đã nhìn ra thuận lợi và thời cơ chín muồi của dân tộc, nhanh chóng lãnh đạo toàn thể dân tộc Việt Nam tiến hành tổng khởi nghĩa, đánh đổ đế quốc phong kiến, giành thắng lợi vẻ vang trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Cách mạng Tháng Tám được đánh giá là một cuộc cách mạng giải phóng dân tộc dân chủ điển hình dưới sự lãnh đạo của Ðảng Cộng sản, thành lập nhà nước công nông đầu tiên ở Ðông Nam Á. Thành công của cuộc cách mạng đã chỉ rõ sứ mệnh giai cấp và sứ mệnh dân tộc của Ðảng gắn bó chặt chẽ, hòa quyện thành một khối vững chắc, khó có thể tách rời.
Cách mạng Tháng Tám thành công cho thấy muốn giữ được độc lập chủ quyền dân tộc phải tạo những bước phát triển nhảy vọt về chất trong tiến trình phát triển của dân tộc Việt Nam như chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội…
Ngay sau khi cách mạng thành công, nhiệm vụ củng cố chính quyền nhân dân, xây dựng đất nước, quyết tâm diệt “giặc đói”, “giặc dốt” được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Ðảng ta đặt ra song hành với nhiệm vụ diệt “giặc ngoại xâm”, và được coi là vấn đề hết sức cấp bách của cách mạng.
Cách mạng Tháng Tám thành công đã khẳng định một chân lý: Ðộc lập, tự do của dân tộc là điều thiêng liêng, cao quý nhất. Khi độc lập, tự do bị xâm phạm, cả dân tộc phải kiên quyết đứng lên chiến đấu đến cùng, thà hy sinh tất cả để bảo vệ nền độc lập, tự do ấy. Và khi có độc lập, tự do, phải chăm lo đời sống cho nhân dân, làm sao để nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc thì đó mới là giá trị đích thực của độc lập, tự do cho dân tộc.
Những thành quả và ý nghĩa sâu sắc của Cách mạng Tháng Tám đã được lịch sử ghi nhận, được bạn bè quốc tế đánh giá cao. Thế nhưng, với dã tâm chống phá Ðảng, Nhà nước ta, nhiều năm qua, mỗi khi đến dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám thành công và Quốc khánh 2/9, các thế lực thù địch, phản động trong nước và ngoài nước lại tăng cường các hoạt động chống phá, xuyên tạc vai trò, ý nghĩa của sự kiện lịch sử quan trọng này.
Các đối tượng phản động, cực đoan thường xuyên đăng tải các bài viết, hình ảnh với những luận điệu sai sự thật, đưa ra những góc nhìn phiến diện, quan điểm sai lệch về những thành quả cách mạng của dân tộc ta dưới sự lãnh đạo của Ðảng, bác bỏ sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; xem nhẹ giá trị lịch sử và ý nghĩa thời đại của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và Quốc khánh 2/9. Thực tế này đòi hỏi chúng ta cần làm tốt hơn nữa công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác các quan điểm, luận điệu xuyên tạc, sai trái, thù địch.
Bên cạnh đó, cũng cần thấy rằng trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, tình hình thế giới và khu vực có nhiều biến động, thời cơ và nguy cơ đan xen, tình hình an ninh quốc tế phức tạp, chuyển biến mau lẹ, khó lường cũng đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết trong bảo vệ độc lập, chủ quyền dân tộc ở Việt Nam.
Trước hết, cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân, nhất là trong cán bộ, đảng viên về nhiệm vụ bảo vệ độc lập chủ quyền dân tộc. Bồi dưỡng, phát huy lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm công dân đối với vận mệnh dân tộc, nhất là trong thế hệ trẻ. Cần nhận thức sâu sắc rằng bảo vệ độc lập chủ quyền dân tộc không chỉ là bảo vệ sự bất khả xâm phạm về chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ mà còn phải giữ vững chủ quyền trong mọi lĩnh vực, bảo đảm an toàn, ngăn chặn nguy cơ đe dọa đối với chế độ chính trị, các tác nhân thù địch, gây cản trở vai trò lãnh đạo của Ðảng Cộng sản Việt Nam, vai trò quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Kiên quyết bảo vệ độc lập chủ quyền của dân tộc phải dựa trên sự kiên định, vận dụng sáng tạo quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh nhằm bảo vệ những thành quả mà sự nghiệp cách mạng đã đạt được, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Cần phải đánh giá, dự báo chính xác, khách quan quá trình vận động, phát triển của tình hình trong nước, trong khu vực và thế giới, gắn liền nhiệm vụ bảo vệ độc lập chủ quyền dân tộc với xây dựng, đổi mới toàn diện, hội nhập quốc tế và phát triển bền vững đất nước.
Bài học quan trọng mà chúng ta cần tiếp tục quán triệt là phát huy sức mạnh nhân dân và khối đại đoàn kết toàn dân, kiên quyết bảo vệ độc lập chủ quyền ở Việt Nam.
Giai đoạn hiện nay đặt ra yêu cầu đó là trong mọi hoàn cảnh dù khó khăn đến đâu, trước những thách thức to lớn về độc lập chủ quyền, về toàn vẹn lãnh thổ, sức mạnh của quốc gia luôn phải dựa trên sức mạnh đoàn kết của nhân dân dưới sự lãnh đạo của Ðảng Cộng sản Việt Nam; chú trọng xây dựng sức mạnh tổng hợp, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong bảo vệ độc lập chủ quyền.
Trong đó phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, nâng cao quyền làm chủ của nhân dân trong quyết định những vấn đề lớn và hệ trọng của đất nước; củng cố mối quan hệ giữa Ðảng và nhân dân, giữ vững niềm tin của nhân dân đối với Ðảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa nhằm thực hiện mục tiêu bảo vệ độc lập chủ quyền dân tộc.
Bên cạnh đó, cần quán triệt, thực hiện hiệu quả phát triển kinh tế-xã hội, văn hóa, đối ngoại với bảo đảm quốc phòng, an ninh, từ đó bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền dân tộc; xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; nhận thức sâu sắc về vai trò của giá trị bản sắc văn hóa đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ độc lập chủ quyền dân tộc; tăng cường hoạt động giao lưu, hợp tác và hội nhập quốc tế về văn hóa góp phần tích cực thực hiện mục tiêu chiến lược bảo vệ độc lập chủ quyền của Việt Nam.
Bảo vệ vững chắc nền độc lập chủ quyền đất nước được xác định là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn Ðảng, toàn dân; là nhân tố quan trọng bảo đảm cho đất nước phát triển bền vững.
Hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Ðảng cần phải được đổi mới theo hướng tinh gọn, đồng bộ, hiệu quả. Tiếp tục thực hiện sự nghiệp xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, xây dựng lực lượng dân quân tự vệ rộng khắp; bổ sung, phát triển hoàn thiện phương châm, phương thức bảo vệ độc lập chủ quyền cho dân tộc; bảo đảm tính linh hoạt, mềm dẻo, kiên trì trong chiến lược ngoại giao, giải quyết các xung đột, tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở bảo đảm độc lập, chủ quyền, lợi ích quốc gia-dân tộc phù hợp với luật pháp và thông lệ quốc tế.
Bài học lịch sử từ thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám cho thấy bảo vệ độc lập chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng. Trong cuộc Tổng khởi nghĩa năm 1945, Việt Nam chỉ có 20 triệu dân, khi đó, bối cảnh nền kinh tế trong nước còn gặp vô vàn khó khăn nhưng chúng ta đã đấu tranh bảo vệ thành công độc lập chủ quyền dân tộc.
Hiện nay, Việt Nam có những bước phát triển vượt bậc trong nhiều lĩnh vực, vị thế và uy tín trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao. Bài học bảo vệ độc lập chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc cần được tiếp tục đề cao, theo đó nhiệm vụ bảo vệ độc lập chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ phải được triển khai quyết liệt, thường xuyên và hiệu quả hơn, góp phần xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, thịnh vượng.
Nguồn: Báo xây dựng