Bình Dương: Xây dựng tiêu chí xác định doanh nghiệp phải di dời, chuyển đổi công năng

(Xây dựng) – Sở Công Thương đề xuất, doanh nghiệp thuộc 1 trong 4 tiêu chí sau buộc phải di dời: Vi phạm quy định của Luật Xây dựng, Luật Đô thị; không đảm bảo quy định về môi trường mà không thể khắc phục được; không đảm bảo các điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy và không thể khắc phục được; địa điểm hoạt động không phù hợp Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Bình Dương: Xây dựng tiêu chí xác định doanh nghiệp phải di dời, chuyển đổi công năng
Bình Dương xây dựng tiêu chí xác định doanh nghiệp di dời, chuyển đổi công năng. (Ảnh minh họa)

UBND tỉnh Bình Dương đang xem xét, xây dựng dự thảo Kế hoạch triển khai thực hiện việc khuyến khích chuyển đổi công năng, di dời các doanh nghiệp nằm ngoài khu, cụm công nghiệp ở địa bàn phía Nam vào khu, cụm công nghiệp trên địa bàn.

Theo Sở Công Thương tỉnh Bình Dương, các doanh nghiệp nằm ngoài khu, cụm công nghiệp ở địa bàn phía Nam thuộc 1 trong 4 tiêu chí sau buộc phải di dời: Doanh nghiệp vi phạm quy định của Luật Xây dựng, Luật Đô thị; Doanh nghiệp không đảm bảo quy định về môi trường mà không thể khắc phục được; Doanh nghiệp không đảm bảo các điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy và không thể khắc phục được; Địa điểm hoạt động của doanh nghiệp không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất theo Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, thì phải chuyển đổi công năng, di dời vào các khu, cụm công nghiệp.

Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, cần quy định rõ việc doanh nghiệp vi phạm 1 trong 3 tiêu chí về quy định tại Luật Xây dựng, Luật Đô thị; quy định về bảo vệ môi trường; phòng cháy, chữa cháy và không thể khắc phục thì thuộc diện không đủ điều kiện hoạt động, bắt buộc phải di dời theo lộ trình.

Đối với các doanh nghiệp có địa điểm hoạt động chưa đảm bảo “phù hợp với quy hoạch sử dụng đất theo Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”, tỉnh Bình Dương có chính sách khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện di dời.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đảm bảo không vi phạm các tiêu chí, đảm bảo quy định về môi trường và phòng cháy, chữa cháy nhưng chưa hết thời hạn sử dụng đất hoặc giấy phép đầu tư… thì doanh nghiệp thuộc diện không bắt buộc di dời.

Việc chuyển đổi công năng, di dời các doanh nghiệp nằm ngoài các khu, cụm công nghiệp ở địa bàn phía Nam của tỉnh vào các khu, cụm công nghiệp phía Bắc là chủ trương lớn và đúng đắn của tỉnh Bình Dương. Điều này sẽ góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thúc đẩy mục tiêu đến năm 2030, Bình Dương trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương khẳng định, đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, phải kiên trì thực hiện, đảm bảo sự đồng thuận, phục vụ hài hòa lợi ích của người lao động, doanh nghiệp và Nhà nước. Tuy nhiên, phải khảo sát, đánh giá hiện trạng và tổ chức tham vấn ý kiến chuyên gia, chủ doanh nghiệp và người lao động để đánh giá tính khả thi khi chuyển đổi công năng, di dời doanh nghiệp. Có kế hoạch, lộ trình thực hiện rõ ràng, tổ chức thí điểm nhằm đánh giá, rút kinh nghiệm trước khi nhân rộng.

Bên cạnh đó, cần có những chính sách hỗ trợ phù hợp với quy định của pháp luật, điều kiện của địa phương, nhất là đối với nhóm bắt buộc phải di dời và nhóm khuyến khích di dời. Cần có chính sách hỗ trợ đối với người lao động tại các doanh nghiệp phải di dời như lương ngừng việc, trợ cấp mất việc làm, đào tạo nghề…

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích