Những bữa cơm thời chiến của Bí thư Tỉnh ủy Trần Văn Bình
Câu chuyện sau đây của bà Nguyễn Thị Tuất (23/31 đường Vạn Kiếp, Tp Pleiku), người từng làm “chị nuôi” của bếp ăn Văn phòng Tỉnh ủy Gia Lai càng chứng tỏ thêm phẩm chất ấy của ông…
Tôi lên căn cứ Kroong năm 1964, lúc vừa 22 tuổi – Bà Tuất kể. Được bố trí vào Ban Tài mậu làm nhiệm vụ cõng hàng một thời gian, tôi được tổ chức chuyển sang làm “chị nuôi” cho Văn phòng Tỉnh ủy cùng với chị Bính, phụ trách bếp ăn 30 người, gồm cả Bí thư Tỉnh ủy Trần Văn Bình. Một công việc ngỡ thật bình thường nhưng với tôi đây lại là những tháng ngày mà tôi được cảm nhận rõ nhất tinh thần chịu đựng gian khổ, nghĩa tình đồng chí, đồng đội giành cho nhau. Đặc biệt, xúc động biết bao là hình ảnh giản dị, gần gũi, đầy ắp tình yêu thương đồng chí, đồng đội của Bí thư Tỉnh ủy Trần Văn Bình…
Năm 1967 – 1969, đấy là quãng thời gian chiến tranh diễn ra vô cùng ác liệt. Cái ăn bấy giờ chủ yếu là dựa vào nguồn tăng gia, sản xuất tại chỗ nên vô cùng thiếu thốn. Gạo, tiêu chuẩn mỗi bữa 3 người 1 lon mà nhiều khi phải dùng đến thứ mốc, mọt xốp xộp, cho nước vào cứ nổi lều phều; bóp mạnh một chút đã vỡ vụn ra. Nói “cơm độn mì” nhưng đúng ra phải nói ngược lại “mì độn cơm” mới đúng. Mỗi ngày được ăn ba bữa nhưng sáng và tối là bữa chính, còn trưa mỗi người chỉ được hai khúc mì luộc… Thường trực là mì nhưng không có nghĩa là được ăn thả cửa. Để tiết kiệm, rẫy mì nào có “tuổi” 2 năm mới được nhổ. Một lần bếp ăn thiếu, chúng tôi lén đi ‘trộm” mì của anh em bộ đội, vậy là hôm đó bị lãnh đạo la: “Sao tụi bây lại đi nhổ mì một năm, không tiết kiệm rồi bữa sau lấy gì ăn” .
Cố Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai Trần Văn Bình.
Cơm nước đã vậy, thức ăn cũng kham khổ không kém. Trừ đôi lần anh em bất chợt săn được thú rừng, đánh lưới được chút cá suối, còn thì quanh năm suốt tháng chỉ lá mì, rau lang nấu với muối pha chút bột ngọt. Có lúc thiếu cả rau, chúng tôi phải chặt chuối rừng lấy lõi, giã ra nấu lên để đưa cơm… Là người lãnh đạo cao nhất nhưng Bí thư Trần Văn Bình không bao giờ chịu để anh em ưu tiên cho riêng mình một chút gì. Tới bữa, ông cũng ngồi chung bàn, chung nồi “mì độn cơm”, nồi canh nấu muối với mọi người. Thương ông, nếu hôm nào ông bận phải ăn sau, chúng tôi lại gạt bớt mì, cho cơm nhiều hơn mọi người một chút. Thế nhưng cũng phải khéo léo không được để cơm quá nhiều, nếu không sẽ bị ông la…
Có một chuyện mà bây giờ mỗi lúc nhớ lại, lòng tôi lại thấy rưng rưng. Lệ thường, cứ mỗi năm vào kỳ tuốt lúa, anh em sẽ được cơ quan cho ăn thỏa sức 2 bữa cơm không độn cho bõ những ngày mài họng với củ mì. Thế nhưng vụ lúa năm 1967 ấy, rẫy lúa tăng gia của cơ quan ở Buôn Lới bị địch rải chất độc hóa học. Lúc chúng tôi vào thu hoạch thì lúa đã mềm oặt, rã cả xuống bùn. Tuy nhiên vì tiếc công và tiếc cả hai bữa cơm không độn, mọi người vẫn cố gắng nhặt nhạnh, mong vớt vát được hạt nào hay hạt ấy…
Bà Nguyễn Thị Tuất, ”chị nuôi’ của Văn phòng Tỉnh ủy Gia Lai thời kỳ 1967 – 1969.
Rồi thì cũng được một ít, chúng tôi mừng rơn mang về tíu tít xay giã. Không khí vui nhộn cứ như ngày Tết. Có người đề nghị: “Hôm nay phải nấu mỗi người 2 lon thì ăn mới đã”. Người khác gàn: “Có ăn hết không mà… thôi, mỗi người một lon rưỡi vậy!”. Cuối cùng thì “quyết nghị” là cứ mỗi người nấu một lon rưỡi. Háo hức quá, ai cũng ngồi chuyện gẫu cho quên đi quãng thời gian đợi chờ đến phút giây hạnh phúc…
Nhưng nồi cơm vừa sôi, ai nấy đều khịt mũi. Quái, sao lại có cái mùi gì như thuốc Penicillin bốc ra từ nồi cơm? Bây giờ mọi người mới chợt nghĩ ra: Hẳn là chất độc hóa học đã ngấm vào hạt lúa nên nó mới bốc lên cái mùi kinh khủng ấy! Vừa lúc Bí thư Trần Văn Bình đi qua thấy vậy bèn la: “Đổ nồi cơm đi, tụi bây ăn vào là chết đấy!”. Nghe vậy chúng tôi đã toan làm theo lời ông nhưng nghĩ tiếc công và quá thèm nên cứ chần chừ.
Cuối cùng thì cái thèm đã lấn át nỗi sợ. Mọi người đều xới cơm ăn một cách ngon lành. Có người còn đùa: “Thôi thì thà chết no còn hơn sống thèm”… Riêng Bí thư, tất nhiên là không thể để ông ăn thứ cơm này được, tôi lấy 1 lon gạo khác nấu riêng bảo anh Tính mang lên. Nhưng vừa giở nắp ăng gô ông đã hỏi ngay: “Sao cơm này lại có mùi khác? Nồi cơm lúc chiều đâu?” Anh Tính thú thật là do thèm quá, anh em đã lén ăn hết rồi.
Nghe vậy ông bật khóc, nghẹn ngào: “Cơm nhiễm chất độc hóa học, tụi bây ăn vào chết mất thì sao?” rồi ngồi thừ ra không chịu ăn. Anh Tính phải năn nỉ mãi, lúc lâu sau ông mới chịu cầm đũa. Vừa ăn ông vừa khóc “Anh em sống chết có nhau, gian khổ sẻ chia cùng nhau, tôi làm sao lại có thể sống khác…”
Bà Tuất kết thúc câu chuyện trong cái nhìn đăm chiêu, xa vắng…
Nguồn: hoanhap.vn