Bài 2: Cho những công trình vươn cao
(Xây dựng) – Sau giải phóng, KCN Biên Hòa 1 đã tạo ra bước ngoặt trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế xứ Đồng Nai và từ thực tiễn sinh động ở KCN này đã góp phần hình thành tư duy về phát triển các ngành nghề công nghiệp đối với các thế hệ lãnh đạo tỉnh Đồng Nai từ rất sớm. Đặc biệt, tỉnh này chú trọng triển khai, mở rộng hàng chục KCN khác, đưa Đồng Nai bước trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đối ngoại Tố Hữu trong một lần đến thăm KCN Biên Hòa. (Ảnh tư liệu) |
Đưa sản phẩm ra thị trường thế giới
Tranh thủ ngày cuối tuần, chúng tôi liên hệ với Kỹ sư Lê Tùng Hiếu, Anh hùng lao động của thời kỳ đổi mới được phong tặng năm 2004, hiện đang sinh sống ở quận 9, Thành phố Hồ Chí Minh. Ông Hiếu từng làm Phó Giám đốc Tổng Công ty Máy động lực – máy nông nghiệp Việt Nam và Giám đốc Nhà máy chế tạo động cơ Vinappro thuộc KCN Biên Hòa.
Sinh ra và lớn lên trên đồng ruộng của vùng sông nước huyện Thủ Thừa (tỉnh Long An) nên ông Hiếu luôn trăn trở làm sao để giúp bà con nông dân bớt vất vả. Sau khi được đào tạo tại Cộng hòa Liên bang Đức, ông Hiếu về nước cống hiến sức mình cho quê hương. Ông kể, sau những năm giải phóng, Nhà máy Vinappro thiếu nhiên liệu, thiếu điện, nguồn phụ tùng nhập khẩu không có, trình độ tay nghề của công nhân hạn chế, cuộc sống cán bộ, công nhân khó khăn muôn vàn. Khi đó, ông là kỹ sư trưởng nên đã bàn với lãnh đạo nhà máy nghiên cứu và chế tạo thành công hàng loạt sơmi, piston phục vụ các tàu đánh cá.
Năm 1979, ông đã cùng các đồng nghiệp chế tạo được chiếc máy nổ đầu tiên ở phía Nam, rồi sản xuất thành công hàng loạt phụ tùng thay thế hàng nhập khẩu dùng cho động cơ diesel 6 mã lực. Cuối năm 1987, Vinappro đã đưa ra thị trường những động cơ diesel 6 mã lực hoàn chỉnh đầu tiên, đây là bước đột phá đã tạo tiền đề cho sản phẩm diesel 6 mã lực trở thành mặt hàng mũi nhọn và truyền thống của nhà máy trong nhiều năm liền.
Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai đến thăm các doanh nghiệp tại KCN Biên Hòa. (Ảnh tư liệu) |
Ông Hiếu cũng chú tâm vào sản xuất các loại máy động lực, nghiên cứu chế tạo thành công các loại máy xay xát lúa hiệu HW60A, NODA 650, cối chà trắng gạo RP 700, RP 1000, BL 1000, BL 2000; động cơ diesel đã sản xuất thêm loại DS 80, DS 105, DS 130. Ông mở chương trình bán máy trả chậm cho bà con nông dân Đồng Nai và các tỉnh phía Nam, giúp nâng cao năng suất lao động, cải thiện đời sống người dân.
Để mở rộng thị trường, ông Hiếu liên hệ tìm kiếm thị trường tại châu Mỹ Latinh, khu vực Trung Đông, đặc biệt là Iraq để bán sản phẩm, chỉ tính trong năm 1999, doanh số xuất khẩu của Vinappro là 4,2 triệu USD, một con số kỷ lục. Sau những đóng góp, ông được trao tặng nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương Lao động hạng Ba (năm 1981), Huân chương Lao động hạng Nhì (năm 2000), Chiến sỹ thi đua toàn quốc (năm 2000), Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới (năm 2004).
Quyết sách táo bạo
Còn với ông Huỳnh Văn Bình (thường gọi Năm Bình), nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai (từ năm 1989 đến năm 1995), đó là những ngày tháng khó quên.
Trong cuốn sách: “Một chút gọi là…” đồng tác giả Huỳnh Văn Bình – Mai Sông Bé, Nhà xuất bản Đồng Nai năm 2018, ông Bình kể: “Lúc đó, tôi làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh, xin phép Thường vụ Tỉnh ủy cho thành lập một tổ chức kinh tế lấy tên là Công ty Đại Đồng do tôi kiêm làm Tổng Giám đốc và đề nghị Tổng cục Bưu điện xin anh Nguyễn Văn Thiên, Giám đốc Bưu điện Đồng Nai, có học vị Tiến sỹ về làm phó. Công ty lúc đó chỉ khoảng năm sáu mươi người gì đó và nơi làm việc là Biên Hòa Club”.
Đến cuối năm 1990, ông Bình ký quyết định thành lập Công ty Phát triển KCN Biên Hòa (gọi tắt là Công ty Sonadezi). Thấy Sonadezi làm ăn hiệu quả, năm 1992, ông Bình quyết định sáp nhập Xí nghiệp xây lắp công nghiệp thuộc Sở Công nghiệp vào Sonadezi để tạo nguồn lực trong kinh doanh hạ tầng. Nhờ sáp nhập Xí nghiệp xây lắp vào Sonadezi nên việc triển khai xây dựng hạ tầng cơ sở cho KCN được thuận lợi.
Nhưng ở thời điểm này, nguồn vốn để đầu tư là điều nan giải, là bài toán khó đối với tỉnh Đồng Nai. May mắn là các nhà đầu tư nước ngoài đồng ý trả tiền thuê đất trước vì nóng ruột muốn triển khai ngay dự án và ông Bình đã đồng ý, dù như vậy là “vượt rào”. Nhưng nhờ cú hích táo bạo này, những con đường nhựa, đường ống, đường điện kéo đến đâu, nhà máy mọc vươn cao đến đó và cũng theo phương thức này, KCN Gò Dầu có quy mô 210ha, tọa lạc tại huyện Long Thành được triển khai xây dựng.
Việc thành lập Sonadezi Biên Hòa cùng hai KCN Biên Hòa 2 và Gò Dầu mà đến năm 1995, Thủ tướng mới phê duyệt 2 KCN nói trên là một quyết sách táo bạo, đi tắt đón đầu của Đồng Nai sau khi có Luật Đầu tư nước ngoài vào cuối năm 1987.
Mở rộng các khu công nghiệp
Từ ngày thành lập KCN Biên Hòa 1 cho đến sau này, các công ty, nhà máy, xí nghiệp đã cung cấp sản phẩm đa dạng cho thị trường trong nước và xuất khẩu, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho hơn 20.000 lao động, góp phần tăng trưởng kinh tế chung của vùng Đông Nam bộ.
Danh xưng Đồng Nai trở thành thương hiệu thông qua các sản phẩm hàng hóa, mà KCN Biên Hòa đóng vai trò quan trọng, được thị trường nhiều châu lục đón nhận. Đó là nền tảng cho tỉnh Đồng Nai tiếp tục nỗ lực thành lập thêm KCN Long Thành, Amata, Gò Dầu, Thạnh Phú, Xuân Lộc.
KCN Biên Hòa 1 nhìn từ trên cao. (Ảnh: Nguyên Dũng) |
Cho đến nay, Đồng Nai có 33 KCN được thành lập với tổng diện tích hơn 10.500ha, trong đó, 31 KCN đang hoạt động, KCN công nghệ cao Long Thành đang trong giai đoạn thu hồi đất, đầu tư xây dựng hạ tầng, thu hút đầu tư và KCN Long Đức 3 được thành lập tháng 7/2023.
Hiện có 44 quốc gia và vùng lãnh thổ đang đầu tư với tổng số 2.092 dự án, trong đó, 1.440 dự án vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư 29,5 tỷ USD, vốn thực hiện 22,7 tỷ USD và 652 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư hơn 79.600 tỷ đồng, đứng đầu là Hàn Quốc, Đài Loan và Nhật Bản.
Tòa nhà Sonadezi được coi là biểu tượng của KCN Biên Hòa 1 trong thời kỳ mới. (Ảnh: Nguyên Dũng) |
Có thể nói, tư duy công nghiệp của tỉnh Đồng Nai có được từ thực tiễn KCN Biên Hòa 1 đã có trước năm 1975, để từ đó, tỉnh này đưa ra quyết sách được gọi là mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ nông lâm – công nghiệp – thương mại thành công nghiệp – thương mại, dịch vụ – nông nghiệp. Danh xưng Đồng Nai trở thành thương hiệu thông qua các sản phẩm hàng hóa được kết tinh từ chất xám và mồ hôi của người Đồng Nai ra với thế giới, mà KCN Biên Hòa 1 là đòn bẩy tạo sức bật lớn cho kinh tế của tỉnh phát triển nhanh, bền vững.
Công ty Sonadezi được thành lập theo Quyết định số 1713/QĐ-UBT của UBND tỉnh Đồng Nai ngày 15/12/1990, với nhiệm vụ khôi phục, nâng cấp, phát triển kinh doanh các công trình kỹ thuật hạ tầng, công trình tiện ích công cộng nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của nhà máy, xí nghiệp tại KCN Biên Hòa. Sonadezi cũng xây dựng, quản lý và kinh doanh hạ tầng, thực hiện dịch vụ tư vấn cho các nhà máy phát triển phù hợp với quy hoạch công nghiệp của cả nước, giúp các nhà đầu tư triển khai dự án sau khi được cấp phép đầu tư.
Bài 3: Chuyển đổi công năng và nỗi niềm doanh nghiệp
Nguồn: Báo xây dựng