Bao giờ các cuộc thi Hoa hậu được “thanh lọc”?
Bao giờ các cuộc thi Hoa hậu được “thanh lọc”?
Sự nở rộ của các cuộc thi nhan sắc tạo ra hàng loạt ý kiến chỉ trích, khi nhiều người cho rằng danh xưng hoa hậu đang mất dần giá trị.
Hoa hậu như…
nấm mọc sau mưa
Chỉ trong tối
3/8/2024, tại Việt Nam, đã có tới 8 cô gái đăng quang tại 2 cuộc thi nhan sắc
khác nhau, gồm 2 hoa hậu, 6 á hậu. Ngay sau đêm đăng quang, chủ nhân của vương
miện Hoa hậu Hòa bình Việt Nam 2024 Võ Lê Quế Anh gặp nhiều chỉ trích bởi phần
thi ứng xử.
Trong khi đó, Hoa hậu Du lịch Việt Nam 2024 Phạm
Thị Ngọc Quỳnh nhanh chóng bị dư luận lãng quên, do không để lại dấu ấn nào nổi
bật.
Những năm
qua, chất lượng của các cuộc thi hoa hậu ngày càng khiến công chúng thất vọng.
Trên các diễn đàn, một loạt ý kiến từ phía khán giả bày tỏ sự “ngán ngẩm”
trước sự bão hòa của các sân chơi nhan sắc, đặt dấu hỏi về giá trị của danh
xưng hoa hậu.
“Hoa hậu
hiện nay như nấm mọc sau mưa. Biết đâu nay mai ra đường đi đâu cũng gặp hoa với
hậu”; “Tôi thấy lo ngại về phông văn hóa, lịch sử của nhiều người đẹp
ngày nay. Có những kiến thức rất cơ bản nhưng họ không nắm được” – một số
ý kiến bày tỏ.
Chia sẻ về vấn
đề này, Tiến sĩ Văn hóa học, chuyên gia về giới Hồ Lâm Giang cho rằng, đối với
đa số người Việt Nam, hoa hậu vẫn được cho là biểu tượng sắc đẹp của phụ nữ.
“Những
cuộc thi sắc đẹp sinh ra để chọn những cô gái đẹp nhất (kể cả về mặt ngoại
hình, tâm hồn, trí tuệ) là một việc làm hết sức tự nhiên. Đương nhiên, để chinh
phục khán giả, người đội vương miện phải hội đủ tiêu chí về nhan sắc cũng như vẻ
đẹp tâm hồn.
Bởi vậy,
không có gì khó hiểu khi sau mỗi đêm chung kết, các phần thi của những cô gái
này luôn được mang ra “mổ xẻ”. Tất nhiên quan niệm về cái đẹp, cái nết,
mỗi thời kỳ có thể có sự thay đổi nhất định”.
Trong khi
đó, ông Dương Kỳ Anh, “cha đẻ” của cuộc thi Hoa hậu Việt Nam, bày tỏ
sự tiếc nuối khi những năm gần đây, những người đẹp khi đăng quang luôn gặp lùm
xùm về ứng xử. Không chỉ vậy, sau khi giành vương miện, đa phần những cô gái
này đều nhanh chóng dấn thân vào giới giải trí, thay vì theo đuổi con đường học
vấn của mình như các hoa hậu thế hệ trước.
“Bằng
tài năng, vẻ đẹp của mình, những Hoa hậu Việt Nam đầu tiên như Bùi Bích Phương,
Nguyễn Diệu Hoa, Nguyễn Thiên Nga… đã có nhiều cống hiến, tạo ra nhiều giá trị
chung cho cộng đồng và xã hội. Bên cạnh vẻ bề ngoài, sự trau dồi về tri thức,
tâm hồn luôn là điều mà người đẹp cần hướng tới”.
Cần rà soát,
quản lý chất lượng các cuộc thi hoa hậu
Chuyên gia
truyền thông Nguyễn Ngọc Long cho rằng, hình tượng hoa hậu do chính khán giả tạo
dựng. Khi khán giả không “dễ dãi”, mặt bằng chất lượng hoa hậu sẽ được
nâng cao, bởi nhà sản xuất các sân chơi này cần có công chúng để tồn tại.
“Nếu
khán giả nghiêm túc đòi hỏi các hoa hậu có văn hóa tốt, tinh tế trong ứng xử,
thực hiện những dự án xã hội, Ban Tổ chức sẽ lựa chọn theo tiêu chi đó. Ở phía
cơ quan chức năng, điều cần làm là luật hóa rõ ràng những sân chơi hoa hậu: Các
cuộc thi này có tiêu chí gì? Điều gì hoa hậu không thể vi phạm?”.
Trong khi
đó, nhà thơ Dương Kỳ Anh cho rằng, để một cuộc thi về sắc đẹp được tổ chức hiệu
quả, đúng với mục đích và ý nghĩa thì trước tiên, cuộc thi đó cần được định
danh và tổ chức đúng với quy mô, mức độ cho phép. Bên cạnh đó, cần có thêm những
quy định, siết chặt công tác quản lý liên quan đến hoạt động cấp phép, tổ chức
những cuộc thi về nhan sắc.
“Cần có
sự rà soát, quản lý về chất lượng đầu ra của mỗi cuộc thi. Cụ thể, các đơn vị cấp
phép cho việc tổ chức những cuộc thi hoa hậu cần có sự thanh tra, kiểm định hậu
kỳ sau khi cuộc thi kết thúc.
Từ đó, có
hình thức xử lý nếu như công tác tổ chức của các cuộc thi đó tạo ra những tranh
cãi, dư luận không tốt. Điều này sẽ giúp các cuộc thi đi vào quy củ, hạn chế những
bất cập, “bội thực” trong những cuộc thi sắc đẹp đã diễn ra suốt thời
gian qua”, ông Dương Kỳ Anh chia sẻ.