Điện mặt trời mái nhà – Giải pháp sở hữu chứng chỉ xanh cho doanh nghiệp Việt Nam
Điện mặt trời mái nhà – Giải pháp sở hữu chứng chỉ xanh cho doanh nghiệp Việt Nam
Chiều 16-8, tại thành phố Hồ Chí Minh diễn ra diễn đàn “Điện mặt trời mái nhà cho doanh nghiệp: Giải pháp chuyển dịch và tiết kiệm năng lượng”, do Viện Nghiên cứu ứng dụng năng lượng thông minh (iSEAR) và các đơn vị liên quan tổ chức.
Sự kiện đã thu hút sự tham gia của nhiều đại diện từ các cơ quan ban ngành, doanh nghiệp, và chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng.
Chia sẻ tại sự kiện, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Võ Tân Thành cho biết, mới đây, Bộ Công Thương đưa ra các cập nhật mới nhất để đề xuất, hoàn thiện cho dự thảo nghị định quy định khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu để trình Chính phủ. Theo ông Võ Tân Thành, sử dụng năng lượng sạch không chỉ giúp doanh nghiệp tiết giảm được chi phí sản xuất, kinh doanh, giảm phát thải carbon, mà còn giúp doanh nghiệp duy trì sản xuất ổn định.
Trong khi đó, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Vũ Đức Giang cho rằng, việc thực hiện chiến lược cắt giảm phát thải khí nhà kính, thực hiện các thỏa thuận Xanh của Liên minh châu Âu đang tạo ra những thay đổi lớn đối với xuất khẩu của Việt Nam. Do đó, các doanh nghiệp mong muốn Chính phủ sớm ban hành cơ chế khuyến khích mô hình này, nhằm thúc đẩy, phát triển nguồn năng lượng xanh trong các khu công nghiệp, khu chế xuất.
Tại diễn đàn, chủ đầu tư khu công nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp, cùng chuyên gia, nhà khoa học tập trung thảo luận về những lợi ích của nguồn năng lượng xanh từ hệ thống điện mặt trời mái nhà với doanh nghiệp sản xuất, các thuận lợi và khó khăn khi đầu tư lắp đặt điện mặt trời mái nhà tại nhà máy, nhà xưởng, khu chế xuất, khu công nghiệp.
Đồng thời, tham mưu, góp ý, đề xuất hoàn thiện bộ khung pháp lý hoàn chỉnh về các thủ tục liên quan nhằm tháo gỡ, phát triển điện mặt trời mái nhà cho doanh nghiệp, trong khu công nghiệp như: Thủ tục về đầu tư, quy hoạch, xây dựng, bảo vệ môi trường, phòng cháy, chữa cháy nhằm thu hút nguồn lực đầu tư…
Theo các đại biểu, để xuất khẩu và được hưởng lợi ích từ các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, ngoài các điều kiện cơ bản như quy tắc xuất xứ, tiêu chuẩn chất lượng thì tiêu chuẩn về xanh hóa là yếu tố bắt buộc doanh nghiệp phải đáp ứng. Đây chính là cơ sở quan trọng giúp cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam sở hữu chứng chỉ xanh, được cộng điểm ưu tiên khi xuất khẩu vào các thị trường lớn.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị