Nghiên cứu đột phá về thuốc mới giúp giảm thiểu triệu chứng trầm cảm trong vài phút

Công trình được công bố trên Tạp chí Science vào tuần đầu tháng 8. Các nhà khoa học cho biết việc sử dụng thuốc ketamine “được cho là tiến bộ quan trọng nhất trong lĩnh vực sức khỏe tâm thần nhiều thập kỷ”. Điều quan trọng hơn là hiểu về cách thức hoạt động của chất này.

Nghiên cứu cũng nêu rõ, với tác dụng chống trầm cảm nhanh chóng và mạnh mẽ của ketamin, thách thức đặt ra là hiểu các mục tiêu tác động của nó trong não bộ.

Các nhà khoa học cho biết loại thuốc này kích hoạt cảm giác tích cực trong bão bộ bằng cách ức chế hoạt động ở một khu vực, khiến người trầm cảm trở nên tích cực, hoạt bát hơn. Ketamine có thể giảm thiểu triệu chứng trầm cảm trong vài phút, tác dụng bền vững nhiều ngày.

Thuốc ketamine có thể giúp người mắc trầm cảm giảm triệu chứng chỉ trong vài phút. Ảnh: VnExpress

Nhóm chuyên gia do các nhà thần kinh học từ Đại học Chiết Giang dẫn đầu phát hiện sử dụng ketamine cho chuột bị trầm cảm có thể ức chế hoạt động thần kinh ở vùng não liên quan đến căn bệnh, có tên habenula. Một mũi tiêm ketamine chặn đứng thụ thể N-methyl-D-aspartate (NMDAR), khiến hoạt động thần kinh tăng lên, từ đó giảm triệu chứng trầm uất.

Phát hiện này có thể giúp giới chuyên môn hiểu rõ hơn về hoạt động của ketamine trong vai trò thuốc chống trầm cảm, từ đó phát triển các phương pháp điều trị hiệu quả và trúng đích. Các loại thuốc chống trầm cảm truyền thống vẫn nhắm vào chất dẫn truyền thần kinh như dopamine và serotonin, thường mất vài tuần mới có hiệu quả.

Dù vậy, đây được liệt kê là chất cấm ở nhiều quốc gia, kể cả Việt Nam và Trung Quốc, nơi nghiên cứu được thực hiện. Bắc Kinh từng đệ trình nhiều kiến nghị lên Liên Hợp Quốc kêu gọi phân loại ketamine là ma túy bất hợp pháp toàn cầu do mức độ lạm dụng ngày càng tăng.

Một số tác dụng phụ lâu dài của ketamine là tổn thương bàng quang không thể điều trị, hao hụt nhận thức, tổn thương gan. Các nhà khoa học cũng đặt câu hỏi về mức độ duy trì hiệu quả của thuốc. Thời gian bán hủy của ketamine ngắn, song tác dụng chống trầm cảm có thể kéo dài trong nhiều ngày, nghiên cứu cho biết.

Công trình năm 2019 của các chuyên gia Mỹ có kết quả tương tự. Trong thử nghiệm mù đôi, kiểm soát giả dược, ketamine được sử dụng ở liều lượng dưới mức gây mê có tác dụng nâng cao tâm trạng ở nhiều bệnh nhân trầm cảm nặng. Nghiên cứu “mù đôi” (double-blind study) là phương pháp trong đó, thuốc thật và giả dược được cung cấp cho các nhóm đối tượng và cả bác sĩ có hình dạng, màu sắc, hương vị y hệt nhau. Công việc thống kê sự cải thiện và hiệu quả được thực hiện bởi một bên thứ ba.

Liên quan tới bệnh trầm cảm, tại Việt Nam, trầm cảm là nguyên nhân thứ 5 dẫn đến gánh nặng bệnh tật. Theo báo cáo của Bộ Y tế ước tính có khoảng 3,2 triệu người Việt Nam mắc bệnh trầm cảm. Con số này chiếm 3,1% dân số, tương đương với 1 trong 32 người. Trong đó, nhóm tuổi từ 18 – 29 tuổi có tỷ lệ mắc bệnh cao nhất (5,4%), tỷ lệ mắc bệnh cao hơn ở phụ nữ (4,2%) so với nam giới (2,1%).

Người trẻ hiện nay dễ mắc trầm cảm hơn so các thế hệ trước. Một phần là do áp lực học tập và công việc, các vấn đề trong quan hệ xã hội, lạm dụng các chất kích thích, sử dụng mạng xã hội quá nhiều, thiếu kỹ năng xử lý căng thẳng… Ngoài ra còn có tác động đến từ sự bùng nổ của mạng xã hội, công nghệ thông tin, sự thay đổi trong lối sống hiện đại ít vận động và thay đổi chế độ ăn uống. Nguyên nhân khác đến từ sự thiếu quan tâm, chăm sóc, đồng cảm của gia đình và cộng đồng.

Theo BSCKII Nguyễn Thị Ái Vân, Viện Sức khỏe Tâm thần quốc gia (Bệnh viện Bạch Mai), tuổi khởi phát rối loạn trung bình là 18, tuy nhiên, tỷ lệ người mắc bệnh trên 15 tuổi ngày càng tăng. Với những bệnh nhân lớn tuổi hoặc dưới 11 tuổi tại thời điểm khởi phát rối loạn có tiên lượng tồi tệ hơn.

Vân Thảo (T/h)

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích