Sóc Trăng: Triển khai Đề cương mô hình khu du lịch sinh thái sông nước miệt vườn cồn Mỹ Phước

Sóc Trăng: Triển khai Đề cương mô hình khu du lịch sinh thái sông nước miệt vườn cồn Mỹ Phước

Đây là mô hình thí điểm nhằm xây dựng cồn Mỹ Phước trở thành điểm du lịch gắn với sản xuất nông nghiệp, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa và bảo vệ môi trường

Chiều ngày 15/8, tại Trung tâm Hội nghị Toàn Thịnh (thành phố Sóc Trăng), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với đơn vị tư vấn Trường Đại học Nguyễn Tất Thành tổ chức Hội nghị triển khai Đề cương và dự toán chi tiết mô hình khu du lịch sinh thái sông nước miệt vườn cồn Mỹ Phước, xã Nhơn Mỹ, huyện Kế Sách (Sóc Trăng). Tham dự có đồng chí Trần Minh Lý – Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; đại diện đơn vị tư vấn, sở, ban ngành tỉnh; lãnh đạo UBND huyện Kế Sách và các hộ kinh doanh du lịch.

Triển khai Đề cương mô hình khu du lịch sinh thái sông nước miệt vườn cồn Mỹ Phước
Quang cảnh đại biểu dự hội nghị. Ảnh: THẠCH PÍCH

Tại hội nghị, đơn vị tư vấn đã trình bày về Đề cương nhằm phấn đấu xây dựng cồn Mỹ Phước được công nhận điểm du lịch, tổ chức được ít nhất 4 hoạt động phục vụ nhu cầu của khách du lịch (tham quan – đồng hành – trải nghiệm – nghỉ dưỡng); xây dựng thí điểm mô hình du lịch thanh toán không dùng tiền mặt; hoạt động du lịch trở thành một trong những sinh kế, mang lại thu nhập chính, giải quyết việc làm cho người dân; xây dựng được một mô hình phù hợp nhằm phát triển tiềm năng du lịch của địa phương; hình thành được ít nhất một tour du lịch kết nối giữa các đơn vị trong và ngoài tỉnh.

Nguồn vốn bổ sung thực hiện mô hình từ ngân sách Trung ương và nguồn vốn đối ứng ngân sách địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025 và vốn xã hội hóa, với khái toán kinh phí thực hiện là 12,6 tỷ đồng.

Đây là mô hình thí điểm nhằm xây dựng cồn Mỹ Phước trở thành điểm du lịch gắn với sản xuất nông nghiệp, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa và bảo vệ môi trường; trở thành điểm du lịch sinh thái đạt chuẩn, phục vụ nhu cầu phong phú của khách du lịch. Đồng thời, giải quyết việc làm, phát triển sinh kế cho người dân địa phương; trở thành “mắt xích” quan trọng trong chuỗi du lịch nông nghiệp, nông thôn vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích