Cơ hội nào cho lao động tự do?
Chấp nhận việc làm bấp bênh vì trình độ hạn chế
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến nửa đầu năm 2024, số lao động phi chính thức ở nước ta là 33,4 triệu người, tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức là 65%, vẫn ở mức cao. Phát biểu tại buổi tọa đàm “Đào tạo nghề cho lao động phi chính thức trong nền kinh tế số – Thực trạng và các cơ hội” do báo Kinh tế và Đô thị tổ chức mới đây tại Hà Nội, ông Tạ Việt Anh – Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV), cho biết đặc trưng của lao động phi chính thức là có trình độ chuyên môn thấp.
Họ thường làm các công việc giản đơn, ít đòi hỏi trình độ kỹ năng, hoặc trình độ chuyên môn kỹ thuật. Khoảng 35,3% lao động phi chính thức làm nghề giản đơn, chiếm tỷ trọng cao nhất trong 9 nhóm nghề có sự tham gia của lao động phi chính thức. Số lao động phi chính thức làm các công việc có trình độ cao, như nhà chuyên môn kỹ thuật bậc cao; nhà chuyên môn kỹ thuật bậc trung; nhân viên văn phòng…, chỉ chiếm tỷ trọng rất thấp, chỉ khoảng 1,9%.
Đa số lao động phi chính thức phải làm những công việc giản đơn, bấp bênh. |
Cũng theo ông Tạ Việt Anh, việc làm phi chính thức vốn được coi là những việc làm bấp bênh, thiếu tính ổn định, song nhiều lao động vẫn chấp nhận gắn bó với công việc này trong thời gian dài. “Hạn chế về trình độ chuyên môn kỹ thuật có thể là nguyên nhân khiến lao động phi chính thức không thể chuyển đổi công việc của mình, mặc dù thu nhập từ công việc đó đôi khi không đảm bảo điều kiện sống tối thiểu”, ông Tạ Việt Anh nhìn nhận.
Điều đáng nói, khu vực lao động phi chính thức còn phải chịu sức ép gián tiếp từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Thế giới và Việt Nam đang ở trong nền kinh tế số – thời kỳ mà internet, công nghệ số, thiết bị thông minh, robot…được sử dụng rộng rãi trong các lĩnh vực thay thế, phục vụ, đáp ứng nhu cầu con người. Kỷ nguyên số cũng tác động làm biến đổi thị trường lao động, nhiều ngành nghề, công việc truyền thống, thủ công bị xóa bỏ, nhiều lao động ở các quốc gia sẽ mất đi việc làm. Mặt khác, nó cũng sẽ mở ra cơ hội cho nhiều ngành nghề, công việc mới đòi hỏi ít nhân công và chất lượng lao động ở trình độ ngày càng cao hơn. Do đó, để tăng thêm cơ hội việc làm trong nền kinh tế số, người lao động, nhất là lao động phi chính thức cần được tăng cường đào tạo, trang bị thêm kỹ năng, nâng cao hơn trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.
Đây là yếu tố quan trọng góp phần đảm bảo an sinh xã hội, giải quyết việc làm. “Công tác đào tạo nghề đã góp phần từng bước chuẩn hóa lực lượng lao động, lao động di cư tự do không có tay nghề, qua đó, giúp người lao động phi chính thức có cơ hội tìm được việc làm tốt và ổn định hơn”.
Chú trọng đào tạo nghề, tăng cơ hội việc làm cho người lao động
Trao đổi về vấn đề đào tạo nghề cho người lao động, ông Đào Trọng Độ – Vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên thuộc Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH)) cho biết trong những năm qua, công tác đào tạo nghề cho người lao động, trong đó có lao động phi chính thức đã được Đảng và Nhà nước quan tâm.Hơn 10 năm qua, bình quân cả nước đào tạo nghề cho hơn 1 triệu người/năm, trong đó, 4,6 triệu người được hỗ trợ đào tạo. Người lao động qua đào tạo có việc làm mới, tiếp tục làm nghề cũ có năng suất và thu nhập tốt hơn chiếm khoảng 85%.
Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) đang được lấy ý kiến cũng đã bổ sung quy định hỗ trợ chính thức hóa việc làm phi chính thức trong bối cảnh già hóa dân số đồng thời, bổ sung quy định về giao dịch việc làm điện tử, đảm bảo phù hợp với pháp luật về giao dịch điện tử và thương mại điện tử.
Trong dự thảo, Bộ LĐTBXH cho rằng, lao động tự do hiện đang chiếm tỷ lệ khá lớn, nhưng pháp luật hiện hành chưa quy định cụ thể về vấn đề này. Cơ quan soạn thảo dự luật đề xuất bổ sung quy định xây dựng cơ sở dữ liệu để quản lý lao động, bổ sung quy định về hoạt động dịch vụ việc làm trên môi trường mạng, khu vực phi chính thức.
Cơ quan soạn thảo cũng chỉ ra rằng cần nghiên cứu, xem xét quản lý lao động bằng “sổ lao động điện tử” gắn với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở khác… để từ đó có chính sách hỗ trợ, khuyến khích việc làm sáng tạo, trình độ cao như bảo hiểm, tài chính, youtuber, blogger, đến việc làm phổ thông như giao hàng, bán hàng online,…
Đáp ứng xu thế của thị trường lao động, tại Hà Nội, bà Vũ Thị Thanh Liễu – Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, cho biết đơn vị đã đào tạo để học viên có thể ứng dụng công nghệ số vào khởi nghiệp và cải thiện cuộc sống.Đơn cử với nghề bán hàng online, nhiều học viên sau khi hoàn thành các khóa đào tạo nghề tại Trung tâm đã bắt đầu mở các cửa hàng trực tuyến trên các nền tảng như Shopee, Facebook, Zalo, Grabfood… “Việc này giúp họ tiếp cận được lượng khách hàng rộng lớn hơn và tăng doanh thu một cách đáng kể. Với nghề sáng tạo nội dung số, một số học viên đã học cách tạo và quản lý nội dung trên các nền tảng như Youtube, TikTok, và Instagram. Họ sản xuất các video hướng dẫn, chia sẻ kiến thức”, bà Liễu cho hay.
Theo Vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên Đào Trọng Độ, thực tế hiện nay có khá nhiều lớp đào tạo nghề cho lao động phi chính thức theo hình thức trực tuyến, nhất là đào tạo kỹ năng kinh doanh trên nền tảng kỹ thuật số.Người lao động có thể học lý thuyết online qua các nền tảng số và thực hành kỹ năng ngay chính tại nơi mình làm việc sau đó, nếu cần có thể thi lấy chứng chỉ kỹ năng nghề.
“Chuyển đổi số sẽ tạo ra những cơ hội chưa từng có cho hoạt động đào tạo nghề. Lao động nào tận dụng được chuyển đổi số, những kỹ năng thông qua đào tạo nghề thì có thể tìm kiếm được công việc chất lượng, từ đó gia tăng năng suất và thu nhập”, ông Độ nhấn mạnh.
Phạm Diệp
Nguồn: Báo lao động thủ đô