Giá các mặt hàng trong tháng 7 ổn định, nguồn cung hàng hóa dồi dào

Bình quân 7 tháng năm 2024, lạm phát cơ bản tăng 2,73% so với cùng kỳ năm 2023, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 4,12%), chủ yếu do giá lương thực, thực phẩm, điện sinh hoạt, dịch vụ giáo dục, dịch vụ y tế và xăng dầu là yếu tố tác động làm tăng CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.

Giá các mặt hàng trong tháng 7 ổn định, nguồn cung hàng hóa dồi dào
(Ảnh minh họa: BT)

Thông tin về công tác quản lý giá, thị trường tháng 7, Bộ Tài chính cho biết, 7 tháng đầu năm 2024 mặt bằng giá hàng hóa diễn biến theo quy luật hằng năm, tăng vào dịp lễ Tết đầu năm và giảm dần và tương đối ổn định ở các tháng tiếp theo.

Riêng tháng 7, so với tháng 6/2024, nhìn chung giá các mặt hàng trong tháng 7/2024 cơ bản ổn định, nguồn cung hàng hóa dồi dào. Tuy nhiên, vẫn có một số mặt hàng có biến động nhẹ như: giá thịt lợn hơi giảm do vào thời điểm mùa hè, thời tiết nóng nên nhu cầu của người tiêu dùng hạn chế và lượng tiêu thụ thịt heo tại bếp ăn của các trường học giảm do học sinh, sinh viên nghỉ hè; giá thóc gạo tại miền Nam giảm do vào vụ thu hoạch lúa hè thu; nhóm nhiên liệu trong nước có giá bán khí hoa lỏng (LPG) tăng nhẹ, giá xăng dầu tăng mạnh trong tuần đầu và quay đầu giảm trong các tuần tiếp theo diễn biến giá thế giới.

Để thực hiện ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu Quốc hội đề ra và thực hiện lộ trình giá thị trường các dịch vụ công và mặt hàng do Nhà nước quản lý, từ đầu năm đến nay, Bộ Tài chính đã phối hợp với các Bộ ngành để tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tổ chức triển khai quyết liệt nhiều giải pháp như: đảm bảo thông suốt hoạt động cung ứng, lưu thông, phân phối hàng hóa, dịch vụ, nhất là đối với các mặt hàng chiến lược;

Chú trọng, tăng cường công tác quản lý, điều hành giá; chuẩn bị sớm phương án điều hành giá các mặt hàng Nhà nước định giá, các dịch vụ công theo lộ trình thị trường; điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí để hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp; tổ chức, theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu để có biện pháp điều hành phù hợp.

Về thị trường chứng khoán, tính đến ngày 31/07/2024, chỉ số VNIndex đạt 1.251,51 điểm. Mức vốn hóa thị trường cổ phiếu 3 sàn HOSE, HNX và UPCoM đạt 7.205,15 nghìn tỷ đồng, tăng 21,4% so với cuối năm trước; tương đương 70,5% GDP ước tính năm 2023. Trong tháng 7, giá trị giao dịch bình quân đạt 19.188 tỷ đồng, giảm 27,2% so với bình quân tháng trước. Tính từ đầu năm tới nay, giá trị giao dịch bình quân đạt 24.107 tỷ đồng, tăng 37,1% so với bình quân năm trước.

Về thị trường trái phiếu, trong tháng 7, giá trị giao dịch bình quân đạt 9.488 tỷ đồng, giảm 33,7% so với bình quân tháng trước. Tính từ đầu năm tới nay, giá trị giao dịch bình quân đạt 10.590 tỷ đồng, tăng 62,5% so với bình quân năm trước.

Về thị trường bảo hiểm, tổng tài sản ước đạt 961.366 tỷ đồng (tăng 9,26% so với cùng kỳ năm trước); Đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 800.499 tỷ đồng (tăng 9,78% so với cùng kỳ năm trước); Tổng dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm ước đạt 648.083 tỷ đồng (tăng 14,08% so với cùng kỳ năm trước); Tổng nguồn vốn chủ sở hữu ước đạt 202.348 tỷ đồng (tăng 7,45% so với cùng kỳ năm trước); Tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 126.675 tỷ đồng (giảm 2,21% so với cùng kỳ năm trước); Chi trả quyền lợi bảo hiểm ước đạt 49.142 tỷ đồng (tăng 25,06% so với cùng kỳ năm trước)…

Bảo Thoa

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích