Hà Giang: Lập quy hoạch thời kỳ 2021 – 2030 tầm nhìn đến năm 2050
Hà Giang: Lập quy hoạch thời kỳ 2021 – 2030 tầm nhìn đến năm 2050
Cần xem xét kỹ việc tích hợp các danh mục dự án vào Quy hoạch tổng thể, trong đó phải định hướng được sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh và đưa ra những dự báo xu thế phát triển bám sát vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh
Vừa qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Giang tổ chức họp chuyên đề tháng 10/2021, nhằm nghe báo cáo tiến độ và Dự thảo Quy hoạch tỉnh Hà Giang, thời kỳ 2021 – 2030 tầm nhìn đến năm 2050.
Thực hiện sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo (BCĐ) lập Quy hoạch tỉnh Liên danh đơn vị tư vấn Quy hoạch tỉnh Hà Giang đã thường xuyên, chủ động trao đổi, tiếp thu các ý kiến góp ý của các Sở, ngành, địa phương, rà soát, đối chiếu, kiểm chứng dữ liệu, kết nối các phương án, sâu chuỗi các nội dung mang tính chất liên ngành, liên huyện, cập nhật các nội dung quy hoạch ngành quốc gia vào Quy hoạch tỉnh. Xây dựng sơ bộ định hướng phát triển giai đoạn 2021 – 2030 thể hiện qua 21 phương án phát triển ngành, lĩnh vực và 11 phương án phát triển của 11 huyện, thành phố và tổ chức các hội nghị tham vấn, bổ sung, chỉnh sửa và hoàn thiện.
Nhằm đạt mục tiêu phát huy mọi tiềm năng, lợi thế, nguồn lực và yếu tố con người để đưa Hà Giang phát triển toàn diện, bền vững, bản sắc; bảo đảm biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định. Xây dựng Hà Giang là tỉnh phát triển về du lịch, thương mại, dịch vụ và nông nghiệp đặc trưng hàng hóa; đến năm 2030 là tỉnh có kinh tế – xã hội phát triển khá trong vùng trung du và miền núi phía Bắc; đến năm 2045 là tỉnh có kinh tế – xã hội trung bình khá của cả nước; tầm nhìn đến năm 2050 là tỉnh có kinh tế – xã hội phát triển khá của cả nước…
Phiên họp đã tập trung thảo luận, đánh giá, bổ sung ý kiến cho Liên danh tư vấn để tiếp tục bổ sung, chỉnh sửa Quy hoạch như: Cần tích hợp các lĩnh vực trong quy hoạch chung phải có sự gắn kết cụ thể giữa từng ngành, từng lĩnh vực, có đánh giá chuyên sâu và chỉ ra rõ tiềm năng, lợi thế của địa phương và những giải pháp phát triển, thể hiện rõ khát vọng vươn lên. Các số liệu về đất đai, diện tích rừng phải khớp nhau, quy hoạch từng ngành, lĩnh vực phải có sự gắn bó tổng thể đồng bộ chung và sát với thực tế địa phương.
Cần xem xét kỹ việc tích hợp các danh mục dự án vào Quy hoạch tổng thể, trong đó phải định hướng được sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh và đưa ra những dự báo xu thế phát triển bám sát vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh. Quy hoạch phải phân tích đánh giá thực trạng phải chỉ rõ giải pháp thực hiện để đạt mục tiêu tổng thể đến năm 2030, tổ chức không gian và phân vùng trong quy hoạch phải đánh giá kỹ mối liên kết với không gian vùng liên huyện, trục hướng tâm, trung tâm liên kết kinh tế. Chú trọng phát triển công nghiệp theo hướng chế biến chuyên sâu, nông nghiệp công nghệ cao ứng dụng mạnh kinh tế – xã hội vào sản xuất, biến khó khăn của tỉnh thành lợi thế để phát triển, nhưng tránh định hướng phát triển khu công nghiệp dàn trải, khó thực hiện.
Hình thành các đô thị nông thôn theo hướng hiện đại, đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin vào cuộc sống, tạo sinh kế bền vững cho người dân theo quan điểm “Cho cần câu và không cho con cá”; tập trung giữ diện tích rừng hiện có để phát triển du lịch sinh thái và tạo thu nhập bền vững cho nhân dân từ rừng. Trong phát triển du lịch chú trọng quy hoạch phát triển du lịch đặc trưng, hiện đại mang tính đột phá về công nghệ nhưng bảo tồn nguyên vẹn thiên nhiên và bản sắc văn hóa; Chú trọng kết nối giao thông đường bộ và hàng không…
Kết luận phiên họp, Bí thư Tỉnh ủy Đặng Quốc Khánh nhấn mạnh: Đây là lần đầu tiên Liên danh tư vấn lập Quy hoạch tỉnh Hà Giang một cách tổng thể, có sự kết nối của nhiều Bộ, ngành T.Ư, nhưng trong thời gian ngắn UBND tỉnh và Liên danh tư vấn đã sơ bộ hoàn thiện quy hoạch có tính tổng hợp cao, thể hiện sự vào cuộc với quyết tâm cao nhất. Bí thư Tỉnh ủy đề nghị BCĐ tỉnh, các Sở, ngành và địa phương cùng với Liên danh tư vấn tiếp tục tập trung cao độ, quyết tâm, quyết liệt, chủ động lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, các Bộ, ngành T.Ư và cán bộ lão thành của tỉnh góp ý vào Dự thảo quy hoạch tỉnh. Người lãnh đạo đứng đầu các Sở, ngành của tỉnh phải phát huy tinh thần trách nhiệm góp ý vào dự thảo.
Đối với Liên danh tư vấn cần viết Dự thảo quy hoạch ngắn gọn, phân tích cụ thể gắn với thực tiễn của tỉnh, có tính chiến lược, biến khó khăn của tỉnh thành lợi thế chiến lược, gỡ bỏ mọi rào cản để phát triển bám sát vào nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, nhất là các nghị quyết chuyên đề của Ban Thường vụ, Ban Chấp hanhg Tỉnh ủy; Khai thác tối đa tiền năng lợi thế để tạo được nhiều sinh kế cho người dân, đẩy mạnh giảm nghèo bền vững, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc.
PV (T/h)
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị